Vật tư - Yếu tố quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp

Bình luận · 100 Lượt xem

Để tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp thì vấn đề bảo đảm chất lượng vật tư là vô cùng quan trọng, tiền đề để đạt mục tiêu nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm.

Vật tư nông nghiệp (VTNN) là các sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp. VTNN bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Hiện nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đang nỗ lực tuân thủ các quy trình canh tác VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, 4C, UTZ để nông sản đáp ứng những tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, quá trình sản xuất các chủ thể luôn phải đối diện với nhiều nguy cơ rủi ro từ VTNN kém chất lượng.

img_6086.jpg
Hang năm, nông dân Đắk Nông sử dụng khoảng 2,6 triệu tấn phân bón các loại

Dù các cấp, ngành chức năng đã siết chặt công tác quản lý nhưng tình trạng phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc BVTV kém chất lượng vẫn tồn tại trên thị trường.

Về nội dung này, bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú, huyện Krông Nô cho rằng, nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn sử dụng phải phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng.

Tâm lý lạm dụng phân bón, thuốc BVTV, kháng sinh trong chăn nuôi còn khá nhiều. Điều này sẽ gây ra nhiều tác hại đối với cả môi trường đất, nước, không khí, nguy cơ tồn dư trong sản phẩm.

Do đó, để tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp thì vấn đề bảo đảm được chất lượng vật tư là vô cùng quan trọng, tiền đề để đạt các nội dung khác cao hơn.

Theo Sở NN - PTNT Đắk Nông, hàng năm, nông dân sử dụng khoảng 2,6 triệu tấn phân bón các loại và khoảng hơn 500 tấn các loại thuốc BVTV; 1,5 triệu các loại cây giống, tương đương với số tiền sử dụng khoảng hơn 9.000 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh các loại VTNN có thương hiệu, đạt chất lượng thì những loại VTNN kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn lưu thông trên địa bàn.

Lý giải về điều này, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT Đắk Nông cho biết, nhiều cơ sở kinh doanh VTNN hoạt động dưới hình thức hộ gia đình, thậm chí kinh doanh không có bảng biển, địa điểm bán cố định, do đó, việc kiểm tra, xử lý rất khó khăn.

Hiện nay, việc mua bán VTNN qua mạng internet, mạng xã hội đã có trên địa bàn tỉnh, gây khó cho cơ quan quản lý Nhà nước.

dsc_1405.jpg
Người dân cần, hạn chế lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Trong khi đó, chế tài xử phạt các vi phạm về sản xuất, kinh doanh VTNN còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về VTNN trong thực tế sản xuất, quản lý chưa nhiều.

Nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí phục vụ công tác quản lý VTNN chưa được quan tâm đúng mức, nhất là đối với cấp huyện, xã.

Thực tế trên đã gây cản trở cho quá trình tái cơ cấu các lĩnh vực nông nghiệp nhất là trồng trọt và chăn nuôi, quá trình nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản.

Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, thông tin, tập huấn xây dựng các mô hình về sử dụng hợp lý, hiệu quả các loại vật tư để người dân tìm hiểu, học tập, nhân rộng.

img_8151-0f093312b117d27973c91cae9e689983.jpg
Nông dân xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông) học cách ủ phân bón hữu cơ vi sinh từ các nguyên liệu tự nhiên

Ngành Nông nghiệp đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chuyên ngành kiểm tra, xử lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu lạm dụng hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu ô nhiễm vi sinh vật trong sản phẩm chăn nuôi.

Được biết, hiện Đắk Nông đã có 2 nhà máy sản xuất phân bón hoạt động, gồm 1 nhà máy của Công ty Cổ phần phân bón Phú Thịnh tại huyện Đắk Mil và Nhà máy sản xuất phân bón Đức Giang - Đắk Nông, tại khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jút.

Nhà máy có vốn đầu tư 300 tỷ đồng, quy mô gần 8ha, công suất 200.000 tấn NPK và 4.800 tấn Kali Sunfat/năm. Tỉnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại một số huyện.

Bình luận