DN, nông dân huyện Cẩm Mỹ ngày càng mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng chuỗi liên kết cho nông sản sạch, nông sản hữu cơ vừa đáp ứng tốt thị trường trong nước, vừa hướng tới đạt chuẩn xuất khẩu.
Ứng dụng công nghệ để sản xuất an toàn
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Phú Cường (xã Sông Ray) Nguyễn Thị Hồng Tươi chia sẻ, sản phẩm của đơn vị đã đạt chứng nhận VietGAP từ nhiều năm nay. Nét nổi bật của HTX là đầu tư nhà màng, ứng dụng công nghệ cao để trồng các loại rau ăn lá và nhiều loại rau trái khác. Nhờ sản phẩm đạt chuẩn an toàn nên đơn vị nhận được đơn đặt hàng ổn định cung cấp rau, trái vào các bếp ăn tập thể của DN, hệ thống trường học tại địa phương và các vùng lân cận.
Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức (xã Sông Ray) có 23 thành viên với hơn 40 hécta sầu riêng được sản xuất theo hướng hữu cơ. Các tổ viên trong tổ hợp tác đều tuân thủ quy trình canh tác an toàn, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học. Ngoài ra, tổ hợp tác này cũng đi tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhất là đầu tư thiết bị máy bay không người lái trong bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật trong chăm sóc cây trồng.
Theo ông Trần Văn Đức, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất an toàn không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí phân, thuốc, công lao động, mà còn đảm bảo tính kịp thời trong xử lý sâu bệnh trên cây trồng. Việc kiểm soát tốt hơn trong sử dụng đúng liều lượng phân, thuốc cũng góp phần đảm bảo an toàn về chất lượng nông sản.
Theo UBND huyện Cẩm Mỹ, từ đầu năm đến nay, địa phương tiếp tục tập trung phát triển NNHC, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, toàn huyện có 178 hécta sản xuất sầu riêng áp dụng công nghệ 3 trong 1 vào sản xuất gồm: tưới nước, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật; 5 hécta sản xuất rau trong nhà lưới gồm dưa lưới, rau các loại; 300 hécta hồ tiêu sản xuất an toàn đạt chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có hơn 300 hécta cây trồng đạt chứng nhận VietGAP và trên 400 hécta đang áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt vào sản xuất, chủ yếu trên cây sầu riêng, bơ, bưởi.
Cùng với đó, huyện đã xây dựng và duy trì được 4 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ gồm: mô hình Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại cánh đồng ấp 9, xã Sông Ray; mô hình Sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Xuân Quế đã được cấp chứng nhận sản phẩm NNHC; mô hình Sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ tại xã Xuân Bảo, hiện tiếp tục theo dõi và hỗ trợ được cấp chứng nhận; mô hình Sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Lâm San hiện nay đã có 2,2 hécta đủ điều kiện chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu.
Đến nay, huyện Cẩm Mỹ có 13 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu với diện tích trên 400 hécta và 5 mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích được cấp gần 40 hécta.
Xây dựng chuỗi liên kết nông sản sạch
Địa phương không chỉ chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn, trong đó có NNHC, mà còn rất chú trọng xây dựng chuỗi liên kết để nông sản an toàn có đầu ra ổn định hơn. Đến nay, huyện Cẩm Mỹ đã xây dựng được 31 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó có nhiều chuỗi liên kết cho nông sản an toàn, nông sản hữu cơ.
Cẩm Mỹ là địa phương đi tiên phong trên địa bàn tỉnh trong thực hiện hiệu quả mô hình Cánh đồng lớn sản xuất hồ tiêu tập trung với diện tích cả ngàn hécta. Đây cũng là địa phương đi tiên phong của tỉnh trong sản xuất hồ tiêu hữu cơ cũng như xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, xuất khẩu sản phẩm hồ tiêu sạch vào thị trường khó tính.
Giám đốc HTX Hồ tiêu Lâm San Nguyễn Ngọc Luân cho biết, nhờ đầu tư cánh đồng lớn sản xuất sạch nên HTX xuất khẩu tốt sản phẩm hồ tiêu vào thị trường khó tính châu Âu. Nhờ đó, ngay cả thời điểm thị trường gặp khó khăn, HTX vẫn bao tiêu hồ tiêu sạch của nông dân với mức giá cao hơn mặt bằng chung. Tiềm năng xuất khẩu sản phẩm này còn rất lớn. HTX mong tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, nhất là về nguồn vốn, để tiếp tục mở rộng vùng chuyên canh, tăng cơ hội xuất khẩu, góp phần xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tổ trưởng Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế Trần Quang Hiệp cho hay, từ hơn 3 hécta sầu riêng đã được cấp chứng nhận hữu cơ, nhiều thành viên của tổ hợp tác đang dần chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Tổ hợp tác được địa phương chọn làm mô hình điểm vùng chuyên canh đạt chuẩn hữu cơ với quy mô hàng chục hécta. Thuận lợi không nhỏ là tại địa phương có doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến sầu riêng đông lạnh với sản lượng lớn sẵn sàng bao tiêu sản phẩm nên nông dân không lo đầu ra cho sản phẩm sạch.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng nhận xét, huyện Cẩm Mỹ có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và NNHC. Ở đây, nông dân cần chú trọng hơn đến chất lượng cây trồng và sản phẩm để đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Bình Nguyên