Thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp

Bình luận · 98 Lượt xem

BẮC GIANG - Trong bối cảnh thiếu hụt lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn, việc đưa phương tiện cơ giới vào các khâu sản xuất đã thúc đẩy hình thành những cánh đồng quy mô lớn. Đồng thời giúp các hợp tác xã (HTX), nông d

Tăng hiệu quả sản xuất

Cơ giới hóa sản xuất đang là “chìa khóa” nâng cao hiệu quả trên đồng ruộng. Xuất phát từ những lợi ích đó, tại nhiều địa phương, việc đưa máy móc vào các khâu sản xuất đã được quan tâm.

Trình diễn mô hình ứng dụng máy cấy mạ khay vào sản xuất vụ mùa năm 2024 tại xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang).

Xã Tư Mại (Yên Dũng) có hơn 600 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu thâm canh lúa, rau màu các loại. Theo đại diện UBND xã, nếu như trước đây, người dân chủ yếu sử dụng sức kéo của vật nuôi trong khâu làm đất, thu hoạch bằng phương pháp thủ công thì đến nay, tỷ lệ sử dụng phương tiện cơ giới khâu làm đất, gặt lúa đã đạt 100%. Đặc biệt, thời gian qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng giao thông nội đồng được đầu tư nâng cấp, mở rộng, cộng thêm việc dồn điền đổi thửa đạt kết quả cao đã tạo thuận lợi để đưa máy móc vào đồng ruộng.

Theo thống kê, toàn xã Tư Mại hiện có 56 máy cày, 17 máy gặt. Sử dụng các loại phương tiện này giúp giảm bớt sức lao động cho nông dân, khắc phục tình trạng thiếu lao động chính vụ, rút ngắn thời gian làm đất, thu hoạch, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất. Hoạt động sản xuất bảo đảm mùa vụ, năng suất lúa bình quân vụ chiêm xuân vừa qua đạt 213 kg/sào. Anh Ngụy Phan Hoàn, thôn Phùng Hưng, xã Tư Mại cho biết: “Đầu năm nay, gia đình tôi dành hơn 200 triệu đồng mua máy làm đất công suất lớn. Bình quân mỗi giờ máy có thể cày, bừa xong 5 sào ruộng nên khâu làm đất tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức. Ngoài đáp ứng nhu cầu của gia đình, tôi còn làm dịch vụ cày, bừa phục vụ người dân trong xã. Có máy móc hỗ trợ, nông dân không còn vất vả như trước”.

Tại huyện Hiệp Hòa, người dân ngày càng thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư máy móc hoặc thuê máy làm nông nghiệp, qua đó dần hình thành các tổ dịch vụ. Theo ông Hoàng Tiến Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, để thúc đẩy cơ giới hóa trên đồng ruộng, địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo giúp người dân hiểu rõ về lợi ích của các mô hình sản xuất mới, cũng như phổ biến chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trên nhiều cánh đồng, giờ đây người dân không còn phải lội ruộng như trước, máy móc đã dần thay con người thực hiện nhiều công đoạn từ làm đất, gieo cấy đến thu hoạch.

Thực hiện Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023 - 2030 (Nghị quyết số 26), huyện Hiệp Hòa đã triển khai chương trình hỗ trợ cơ giới hóa trong nông nghiệp, đến nay cơ quan chuyên môn đang thẩm định, nghiệm thu đối với 26 máy làm đất của các tổ hợp tác, HTX để tham mưu UBND huyện quyết định hỗ trợ kinh phí.

Tiếp tục hỗ trợ đầu tư phương tiện

Những năm qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương của tỉnh đã tích cực thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp, HTX đầu tư đưa cơ giới hóa vào sản xuất như: Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2017–2020; Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019-2025…

Toàn tỉnh hiện có 13.756 máy cày kéo hai bánh; 1.954 máy cày kéo bốn bánh; 125.480 máy phun thuốc BVTV có động cơ; 1.163 máy gặt đập liên hợp, 50 máy gặt lúa rải hàng.

Tính toán của Trung tâm Khuyến nông cho thấy, chi phí cấy lúa bằng máy mạ khay hiện là 350 nghìn đồng/sào (bao gồm cả tiền giống) hoặc 280 nghìn đồng/sào nếu nông dân tự mua giống. Đặc biệt, mỗi máy cấy bốn hàng có thể cấy 1 ha/ngày, tương đương với 30 người cấy tay. Trong khi nếu làm thủ công thì riêng chi phí thuê lao động đã mất từ 350-400 nghìn đồng/ngày.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, việc thực hiện cơ giới hóa hiện nay chủ yếu được tiến hành trong lĩnh vực trồng trọt, nhất là sản xuất lúa. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đối với lúa hiện đạt trên 95%, thu hoạch đạt trên 90%; máy bay không người lái hiện có 4-5 máy (phun thuốc đạt dưới 1% diện tích); hệ thống tưới tiết kiệm nước cho rau màu đạt 5%. Toàn tỉnh hiện có 13.756 máy cày kéo hai bánh; 1.954 máy cày kéo bốn bánh; 125.480 máy phun thuốc BVTV có động cơ; 1.163 máy gặt đập liên hợp, 50 máy gặt lúa rải hàng.

Thực hiện Nghị quyết số 26, Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua máy móc, thiết bị, hệ thống tưới tiết kiệm nước phục vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp nhưng không quá 500 triệu đồng bao gồm các máy: Làm đất, vun luống, cấy, gieo sạ, máy bay không người lái dùng phun thuốc BVTV, hệ thống tưới tiết kiệm nước... Đây là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy cơ giới hóa trên đồng rộng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Trí Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, cơ giới hóa trong sản xuất lúa hiện mới tập trung vào khâu làm đất và thu hoạch, còn gieo mạ, cấy lúa, sấy thóc, phun thuốc BVTV vẫn ít. Trong khi đó, quy mô sản xuất nông nghiệp còn manh mún, hạ tầng giao thông nông thôn, nội đồng và tiêu thoát nước một số nơi chưa phù hợp áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Cộng thêm chi phí đầu tư lớn, đối với máy gặt đập liên hợp 400-600 triệu đồng, máy bay phun thuốc BVTV 500-600 triệu đồng/chiếc. Trong khi khả năng vay vốn của người dân hạn chế. Đối với máy bay phun thuốc BVTV cần từ 8 đến 10 ha/cánh đồng mới cho hiệu quả cao, nhưng thực tế nhiều hộ gieo cấy các loại giống khác nhau, thậm chí cùng giống nhưng khác thời điểm nên khó triển khai.

Cũng theo ông Vũ Trí Đồng, để tiếp tục đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và BVTV tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang phương thức hiện đại. Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp như: Kiên cố hóa hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng phù hợp với quy trình canh tác cơ giới hóa; tiếp tục đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa nhằm tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng chuyên canh hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng cánh đồng lớn. Tăng cường hướng dẫn người dân về thủ tục, hồ sơ để được nhận hỗ trợ của Nhà nước khi đầu tư máy nông nghiệp.

Cùng đó, kiến nghị Nhà nước cải cách thủ tục vay vốn, giảm lãi suất giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư máy, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất. Đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo nghề cho lao động phục vụ cơ giới hóa; tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn hạn cung cấp kiến thức, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông thôn sử dụng, vận hành máy nông nghiệp.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Bình luận