Tiêu chín được nhà vườn xã Ngọc Hòa, Giồng Riềng (Kiên Giang) phơi khô.
Ông Nguyễn Văn Màu - Giám đốc Hợp tác xã nông dân trồng tiêu Hòa Phú, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng cho biết, giá tiêu tăng từng ngày. Hiện giá tiêu đen xô thành viên hợp tác xã bán ra với giá 180.000 đồng/kg, trong khi trước đó 3 ngày còn ở mức 150.000-160.000 đồng/kg.
"Tiêu chín phơi khô hiện có giá 300.000 đồng/kg. Đa số bà con bán khi giá tiêu tăng từ 75.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg. Hiện trong hợp tác xã chỉ còn vài hộ còn tiêu trữ lại, hầu hết diện tích hồ tiêu đang ở giai đoạn xử lý ra hoa niên vụ mới, phải 7-8 tháng nữa mới có thu hoạch”, ông Màu nói.
Hợp tác xã nông dân trồng tiêu Hòa Phú có 29ha hồ tiêu của 32 hộ thành viên, giảm 23ha so khi mới thành lập năm 2015. Nguyên nhân giảm diện tích do giá tiêu liên tục giảm mạnh, nhà vườn bỏ tiêu sang trồng sầu riêng, cây ăn trái khác.
Mặt khác, nhiều diện tích tiêu nhiễm bệnh chết dây không có thuốc đặc trị. Với đà tăng giá liên tục như hiện nay, nhiều nhà vườn kỳ vọng giá tiêu sẽ trở lại đạt mức đỉnh điểm như năm 2015 với giá 230.000 đồng/kg.
Thời điểm này đa số diện tích hồ tiêu trong tỉnh Kiên Giang đang được xử lý ra hoa cho niên vụ mới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, hiện toàn tỉnh có khoảng 970ha tiêu, tập trung tại Phú Quốc, Giồng Riềng, Gò Quao, Kiên Hải, TP. Hà Tiên, năng suất bình quân đạt 2,37 tấn, sản lượng hơn 1.900 tấn/năm.
Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam Hoàng Thị Liên cho biết, Việt Nam, Indonesia và Brazil dự báo đều giảm sản lượng mùa vụ vì ảnh hưởng bởi El Nino. Trong khi đó, ngoài Mỹ, các thị trường Pakistan, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ nhu cầu dự trữ cao.
Ngành tiêu Việt Nam chiếm 40% sản lượng và chiếm 60% thị phần thế giới. Tính hết năm 2023, Mỹ là khách hàng lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 23,5% trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Đứng thứ 2 là Trung Quốc, chiếm 14,1%; tiếp sau là Ấn Độ và Đức lần lượt chiếm 5,4% và 4,3% trong tổng giá trị xuất khẩu tiêu.
Tin và ảnh: BÍCH LINH