Nhiều dự án đảm bảo chất lượng, vượt tiến độ
Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được Chính phủ giao quản lý 9.935 tỷ đồng vốn đầu tư công, gồm: vốn trong nước là 8.601 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 1.334 tỷ đồng.
Bộ này đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024 (bao gồm cả vốn kéo dài của năm 2023) là 9.216 tỷ đồng đúng thời hạn quy định, còn lại 819 tỷ đồng (vốn nước ngoài) chưa phân bổ, đề nghị chuyển cho các bộ, ngành khác.
Nhiều dự án công trình của ngành Nông nghiệp và nông thôn đảm bảo chất lượng và vượt tiến độ. |
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tính đến ngày 18/7/2024 được 4.702 tỷ đồng, đạt hơn 51% vốn kế hoạch và hiện nằm trong nhóm bộ ngành có tỷ lệ giải ngân cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay từ đầu năm 2024, bộ đã yêu cầu các chủ đầu tư lập phương án chi tiết để thực hiện, giải ngân số vốn kế hoạch năm 2024 được giao theo từng tháng, từng quý với mục tiêu giải ngân tối đa vốn kế hoạch năm 2024; tập trung trả nợ khối lượng, thu hồi tối đa số vốn đã tạm ứng hợp đồng từ năm 2023 trở về trước. |
Trong 6 tháng đầu năm các dự án do Bộ NN&PTNT quản lý triển khai đáp ứng kế hoạch, tiến độ đề ra, chất lượng đảm bảo, một số dự án vượt tiến độ như: Cống âu Nguyễn Tấn Thành (tỉnh Tiền Giang) hoàn thành công trình chính kịp phục vụ chống hạn mặn mùa khô 2024; các công trình kè chống sạt lở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long vượt tiến độ 2-4 tháng và một số dự án của các viện, trường...
Cùng với đó, các dự án chuyển tiếp kéo dài nhiều năm (Hồ Cánh Tạng, Hòa Bình; Hồ Bản Mồng, Nghệ An; Hồ Krông Pách Thượng, Đắk Lắk; Hồ Khe Lại - Vực Mấu, Nghệ An) đã dần được tháo gỡ các vướng mắc…
Điều chỉnh linh hoạt, kịp thời vốn kế hoạch giữa các dự án
Phân tích nguyên nhân đạt kết quả trên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng công trình Nguyễn Hoài Nam cho biết, Bộ NN&PTNT đã rà soát vướng mắc, khó khăn của từng chủ dự án, chủ đầu tư, đồng thời tổ chức các hội nghị giao ban xây dựng cơ bản trực tuyến để kịp thời chỉ đạo cụ thể và có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân cho từng dự án. Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ giữa bộ và các địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các dự án ODA trên địa bàn địa phương, các hợp phần đền bù hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt các dự án thủy lợi; chủ động rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn linh hoạt giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt còn thiếu vốn…
Công trình Hồ Tả Trạch - tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh TL |
Bộ NN&PTNT đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán; ngay khi có khối lượng được nghiệm thu, chủ đầu tư, chủ dự án hoàn thiện đầy đủ thủ tục thanh toán vốn đầu tư gửi Kho bạc Nhà nước thanh toán cho nhà thầu, không để dồn thanh toán vào cuối tháng, cuối quý, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình kiểm soát chi.
Bộ NN&PTNT nhận định, mặc dù tỷ lệ giải ngân tương đối cao so với các bộ ngành, địa phương, nhưng quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn vướng mắc. Công tác giải phóng mặt bằng còn vướng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu đất thủy lợi, xác định nguồn gốc đất, thẩm định giá đất, giá bồi thường. Sự phối hợp chưa tốt giữa một số chủ đầu tư và các sở, ban, ngành địa phương trong thẩm định, phê duyệt giải phóng mặt bằng…
Bộ NN&PTNT dự kiến, giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2024 sẽ đạt 100%. Để nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, trong những tháng cuối năm 2024, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý đầu tư và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, tạo động lực tăng trưởng ngành.
Song song đó, rà soát, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 theo quy định. Đồng thời, điều chỉnh linh hoạt, kịp thời vốn kế hoạch giữa các dự án đảm bảo đáp ứng khả năng giải ngân cao nhất của từng dự án.../.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kế hoạch vốn năm 2023 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 theo thông báo tại văn số 3922/BKHDT-TH ngày 22/05/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 100,338 tỷ đồng cho 4 dự án: Hồ chứa nước Sông Chò 1 là 80,8 tỷ đồng; Hồ chứa nước Krông Pách Thượng 1 tỷ đồng; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu 14 tỷ đồng; chống ngập úng và nuôi trồng thủy sản khu vực Hưng Đạo, thị xã Chí Linh 1,5 tỷ đồng. Kế hoạch vốn năm 2023 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 đến nay đã giải ngân được 1 tỷ đồng vốn 2023 kéo dài, tương ứng 1%. Giải ngân đến nay chậm do đến cuối tháng 5/2024 mới được thông báo cho phép kéo dài. |