Nông nghiệp tuần hoàn ‘hai cây - một con’ của Bầu Đức

Bình luận · 269 Lượt xem

Trồng chuối, sầu riêng, nuôi heo theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín được Bầu Đức tâm huyết gầy dựng, khẳng định chiến lược nông nghiệp bền vững 'hai cây - một con'.

Bầu Đức trao đổi với thương lái thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bầu Đức trao đổi với thương lái thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bài liên quan

Trong chuyến công tác tại Gia Lai, tôi có dịp tham quan mô hình nông nghiệp tuần hoàn của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 50km, để mục sở thị chứ trước giờ chỉ toàn nghe "heo ăn chuối" của Bầu Đức mà không biết nó có ăn chuối thật hay không.

Tự mình lái xe chở chúng tôi băng qua những cánh rừng để vào các nông trại của mình, ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết, trải qua nhiều thăng trầm, thay đổi mô hình kinh doanh khi đang ở đỉnh cao của bất động sản, ông đã gắn bó và yêu nông nghiệp tự lúc nào dù nhiều lúc cũng "lên bờ xuống ruộng".

Sau hơn 15 năm đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp từ cao su, cọ dầu, chanh dây, rau củ quả, bò, gà đi bộ… đến nay, Bầu Đức cho biết, HAGL quyết định dừng chuyển đổi mô hình kinh doanh và bám trụ với “hai cây - một con”, gồm chuối, sầu riêng và heo. 

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là vườn sầu riêng rộng 21ha nằm phía cánh rừng đang được các thương lái thu hoạch. Nhìn vườn sầu riêng với giống Mong Thong, cây nào cây nấy trái đều lúc lỉu trên cành khiến chúng tôi "mê" bởi toàn dân "nghiện sầu". Bắt đầu trồng sầu riêng từ năm 2018, đến năm nay Bầu Đức mới "biết cầm tiền thu về từ sầu riêng là như thế nào". "Sướng!", ông Đức nói và vạch từng tán lá cho chúng tôi xem những trái sầu riêng nặng trĩu trên cây. 

Bầu Đức dẫn chúng tôi đi xem vườn sầu riêng đang thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bầu Đức dẫn chúng tôi đi xem vườn sầu riêng đang thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhờ quy trình chăm sóc bài bản, cùng việc tận dụng phân bón "của nhà trồng được", vườn sầu riêng đầu tiên thu hoạch được 500 tấn với giá bán xô cho thương lái 77.000 đồng/kg, đem về cho HAGL 18 tỷ đồng, trong khi chi phí khoảng 3,6 tỷ đồng. "1 vốn 4 lời" - con số đáng mơ ước của nhiều người. Đây chỉ là 1 trong số những vườn sầu riêng của HAGL trong tổng số diện tích 1.200ha sầu riêng Musang King và Mong Thong Thái tại Việt Nam, Lào.

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là các nông trường chuối xen lẫn chuồng trại nuôi heo. Chỉ lên những tán cây chuối xanh mướt, Bầu Đức nói: "Các bạn có biết tại sao lá này nó có màu xanh thẫm như thế không, đó là nhờ phân bón lá mà HAGL mới nghiên cứu từ phụ phẩm của heo. Nhờ vậy mà vườn chuối cho năng suất tăng 20% so với trước đây".

Hiện HAGL có tổng diện tích 7.000ha trồng chuối rải vụ quanh năm tại Gia Lai, Lào, Campuchia. Với sản lượng chuối xuất khẩu khoảng trên 82.000 tấn (6 tháng đầu năm 2023) chủ yếu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và phân phối cho thị trường nội địa, dự kiến tới đây, HAGL mở rộng diện tích chuối lên 10.000ha.

Chuối hội đủ các dưỡng chất tốt như tinh bột, kali, vi lượng, vì vậy, Bầu Đức luôn trăn trở tìm cách để tận dụng sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao này. Đầu năm 2021, sau khi tìm tòi nghiên cứu, bầu Đức bắt tay nuôi heo ăn chuối. Ông âm thầm xây chuồng trại, nhà máy chế biến thức ăn, nhập khẩu heo nái và bắt đầu cho ra thị trường thịt heo Bapi HAGL. 

Ông nói: "Tôi quyết định theo nông nghiệp tuần hoàn tuyệt đối, không bỏ đi thứ gì, không thải gì ra bên ngoài. Vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường".

Chuối không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu xử lý làm nguồn thức ăn cho heo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chuối không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu xử lý làm nguồn thức ăn cho heo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trước đây, mỗi năm HAGL phải thải bỏ hàng trăm ngàn tấn chuối trong quá trình thu hoạch, không đạt tiêu chuẩn xuất đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (mỗi nước có một tiêu chuẩn kích cỡ chuối khác nhau - PV), phải vứt bỏ hoặc tìm cách để xử lý, tốn chi phí, nhân công. Theo tính toán sơ bộ của HAGL, 6.000ha chuối sẽ thải ra 90.000 tấn chuối thải, công ty chăn nuôi của HAGL sẽ thu mua lại chuối này về làm thức ăn chăn nuôi với giá 3.000 đồng/kg (công ty chăn nuôi, trồng trọt hạch toán riêng - PV).

Thì nay, những trái chuối bị loại được đưa vào nhà máy chế biến, xay thành bột và phối trộn thêm đậu nành, bắp, vitamin, thảo dược cho heo ăn. "Việc sử dụng thảo dược thay thế kháng sinh, heo ăn chuối, khiến cho chất lượng thịt heo của HAGL khác biệt, và chất lượng hơn", Bầu Đức tự tin khẳng định.

Ngoài ra, một lượng chuối thải được ủ chín để cho heo mẹ và heo con ăn trực tiếp, bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, chuối để làm thức ăn cho gia súc đạt khoảng 21.000 tấn. Còn những thân chuối, cuống chuối đưa đưa vào xử lý thành phân hữu cơ phục vụ ngược trở lại cho trồng chuối, sầu riêng...

Để đảm bảo quy trình nông nghiệp tuần hoàn khép kín, tăng lợi nhuận kinh tế, không bỏ đi thứ gì, HAGL cũng đầu tư hệ thống hiện đại, tự động hóa tại nhà máy chế biến thức ăn để phối trộn nguyên liệu, với công suất 600 tấn/ngày.

Cho heo con ăn chuối chín để bổ sung dinh dưỡng.

Cho heo con ăn chuối chín để bổ sung dinh dưỡng.

9 cụm nuôi heo, được xây dựng bài bản, sạch sẽ nằm trong "vùng lõi" của các nông trại chuối. Đến đây, chúng tôi không bị "sốc" bởi mùi hôi của chuồng heo như những trang trại khác. Dù mỗi cụm chuồng cùng lúc có tới hàng ngàn con heo, nhưng luôn trong tình trạng sạch sẽ, tất cả phân thải đều thực hiện theo quy trình khép kín nên chuồng trại luôn thoáng mát, không có mùi hôi. Nhân viên túc trực khu vực chuồng trại ghi chép kỹ lưỡng từng đàn heo, giờ ăn, số lượng thức ăn, theo dõi sức khỏe của heo... Không những thế, HAGL còn đầu tư thêm phòng xét nghiệm để xử lý dịch bệnh trên heo một cách chủ động, nhờ đó heo HAGL phát triển tốt.

Bài liên quan

Ông Trần Văn Dai, Giám đốc phụ trách chăn nuôi của HAGL cho biết, nhờ chuối thải, công ty tự tin có thể cạnh tranh về giá so với thị trường, đặc biệt chất lượng thịt heo cũng "không thể chê".

Theo ông Dai, từ ngày 1/7/2023, Thông tư 28 của Bộ NN-PTNT có hiệu lực, cho phép sử dụng nước thải chăn nuôi (hợp quy) để tưới cho cây trồng. Tất cả chất thải từ chuồng heo được thu gom vào hầm biogas, dẫn qua hầm xử lý vi sinh rồi đem tưới cho chuối và sầu riêng.

Bên cạnh đó, ông Dai cũng cùng các chuyên gia của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đã nghiên cứu công nghệ thủy phân và sinh học, đưa vào áp dụng tại HAGL để xử lý phụ phẩm trong chăn nuôi thành loại phân bón lá cho cây chuối và sầu riêng, giải quyết bài toán về chi phí xử lý chất thải, tạo môi trường thân thiện với môi trường. "Bón phân này lên lá sầu riêng cho hoa rất tốt. Đây là lợi thế cạnh tranh của HAGL mà hiện có thể nói không ai có được", ông Dai nói và cho biết thêm, mô hình giúp công ty không bỏ phí phụ phẩm mà còn tạo ra giá trị cao khi tái sử dụng lại. 

Hiện chuối vẫn là nguồn thu chính của HAGL. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hiện chuối vẫn là nguồn thu chính của HAGL. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo Bầu Đức, nuôi heo không khó nhưng phải ăn đúng lượng, đúng chất. Với chuối sẵn có, giúp heo hơi của HAGL có giá thành thấp vì thức ăn chăn nuôi chiếm 80% giá thành. Mặt khác, giá chuối hiện nay đang ở mức 10,5 USD/thùng và đã có thị trường ổn định tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Còn đối với sầu riêng, một loại quả đem lại giá trị kinh tế cao mà không phải loại quả nào cũng có được, với 1.200ha sầu riêng thì đây sẽ là "mỏ vàng", khi nhu cầu thị trường là quá lớn

Bình luận