Chăm sóc rau màu trong mùa mưa

Bình luận · 62 Lượt xem

Theo ngành nông nghiệp, mùa mưa, thời tiết thường diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong sản xuất rau màu, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để nhiều bệnh gây hại phát sinh, ảnh hưởng năng suất, chất lượng rau màu. Đ??

Mùa mưa, nông dân cần có chế độ canh tác hợp lý để đạt hiệu quả sản xuất cao nhất.
Mùa mưa, nông dân cần có chế độ canh tác hợp lý để đạt hiệu quả sản xuất cao nhất.

Theo ngành nông nghiệp, mùa mưa, thời tiết thường diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong sản xuất rau màu, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để nhiều bệnh gây hại phát sinh, ảnh hưởng năng suất, chất lượng rau màu. Để chủ động trong sản xuất và quản lý sinh vật gây hại, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân (ND) áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật.

Nhiều ND cho hay, nhiều tuần nay, thường xuyên xảy ra mưa lớn. Xen kẽ những ngày mưa lại xuất hiện nắng nóng thất thường ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của rau màu, khiến rau màu giảm năng suất, chất lượng. Do đó, để bảo vệ rau màu trong mùa mưa, ND đã thực hiện nhiều biện pháp.
 
Theo đó, ND đã chủ động chọn nền đất cao ráo, tầng canh tác dày, đất tơi xốp, có bờ bao để tránh ngập nước và có hệ thống thoát nước tốt, do các loại rau màu hầu hết đều có bộ rễ tỏa rộng và dễ bị hư hại khi ngập úng. Đồng thời, dọn các tàn dư ở vụ trước để loại bỏ nơi trú ẩn của côn trùng, sâu bệnh gây hại...
 
Vừa tưới xong luống rau ăn lá, cô Nguyễn Thị Dương (xã Phước Hậu, huyện Long Hồ) cho hay: “Trồng rau ăn lá không khó, tuy nhiên, trong mùa mưa thì việc sản xuất gặp khó khăn hơn, do thời tiết không được thuận lợi, nhất là dịch hại và ngập úng, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của rau màu. Do đó, mùa mưa, tôi chia ruộng rau thành luống nhỏ, đánh luống cao để dễ thoát nước; nếu phát hiện sâu bệnh thì dùng chế phẩm sinh học để phòng trừ”. 
 
Có 3 công trồng dưa leo sắp thu hoạch, chú Nguyễn Văn Ân (xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình) cho biết: “Trong mùa mưa, cây dưa leo cần được chăm sóc kỹ lưỡng hơn, đảm bảo đất có đủ dinh dưỡng và thoát nước tốt. Do đó, để phòng tránh sâu bệnh, tôi sử dụng các biện pháp phòng trừ hữu cơ như phun thuốc sinh học, cũng như kiểm tra thường xuyên để phát hiện sớm và xử lý kịp thời”.
 
Ông Nguyễn Hoàng Diệu- Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Tứ (huyện Tam Bình) cho biết: Thời gian qua, việc phát triển vùng rau màu luôn được xã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và lựa chọn loại cây trồng phù hợp với thời vụ, thổ nhưỡng...
 
Đồng thời, địa phương cũng khuyến cáo ND hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học, canh tác hữu cơ, thuận tự nhiên, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ... nhằm giảm tồn dư thuốc BVTV trên sản phẩm; khuyến khích người dân đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới nước tự động... để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng.
 
Theo ngành nông nghiệp, sau thời gian mưa bão liên tục xảy ra, cũng đã gây ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của rau màu. Trường hợp một số ruộng không đảm bảo được đê bao ở những vùng đất thấp có thể bị ngập nước lâu ngày, dễ phát sinh dịch hại. Do đó, ngành nông nghiệp cũng đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ sản xuất rau màu. Trong đó, tùy theo điều kiện đê bao thủy lợi, đất đai, tình hình tiêu thụ và tập quán canh tác mà bố trí cây trồng hợp lý; khuyến cáo ND sử dụng các giống có chất lượng cao, phù hợp với thị trường tiêu thụ và có chế độ canh tác hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất. 
 
Đặc biệt, hướng dẫn, tập huấn ND kiểm soát tốt các đối tượng kiểm dịch thực vật của các thị trường xuất khẩu và ghi chép đầy đủ nhật ký trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các vùng sản xuất rau an toàn có đê bao vững chắc và trang bị phương tiện bơm tát nhằm đáp ứng cho nhu cầu của thị trường.
 
Ở những vùng trồng rau màu chuyên canh khuyến cáo ND thực hiện chế độ luân canh cây trồng hợp lý hoặc có thời gian cách ly giữa các vụ rau màu trên cùng một cánh đồng hay cho ruộng ngập nước sau khi thu hoạch nhằm giảm tối đa các nguồn lây lan của dịch hại. 
 
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, trong vụ rau màu Hè Thu, toàn tỉnh đã xuống giống 13.624ha, đạt 71% kế hoạch, giảm 2,9% so với cùng kỳ. Trong đó diện tích màu xuống ruộng là 7.551ha, chiếm 55,4% diện tích xuống giống. Dự kiến, vụ rau màu Thu Đông, toàn tỉnh sẽ xuống giống 15.730ha, ước sản lượng đạt 263.928 tấn.
 
Để sản xuất thắng lợi vụ rau màu Thu Đông, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện các giải pháp về giống, cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến và xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm.
 
Chú ý những loại cây có khả năng cố định đạm cung cấp chất hữu cơ, có thị trường tiêu thụ ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao nhằm phát triển cây màu an toàn và bền vững. Đồng thời, khuyến khích ND sử dụng các loại giống rau màu có năng suất, chất lượng ổn định và thích nghi trong mùa mưa như: khoai lang, dưa hấu, dưa leo, ớt, hành lá, cải làm dưa, các loại đậu, rau nhút, rau muống… và xây dựng vùng chuyên canh liên kết sản xuất rau màu có hiệu quả tại huyện Bình Tân, Long Hồ, Tam Bình, Trà Ôn, TX Bình Minh,… 
 
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Thời điểm trước khi xuống giống ND cần phải vệ sinh đồng ruộng bằng cách thu dọn, tiêu hủy tàn dư thực vật, xử lý vôi và làm sạch cỏ dại xới vùi vào đất để cách ly và xử lý mầm bệnh. Sử dụng màng phủ nông nghiệp đối với một số cây rau màu phù hợp để hạn chế cỏ dại, bốc thoát phân bón và nước tưới, đồng thời giảm sự gây hại của dịch hại.
 
Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm tăng hiệu quả trong sản xuất rau màu bằng các hình thức tập huấn, khuyến khích ND chuyển đổi cơ cấu cây trồng luân canh cây rau màu trên nền đất lúa kém hiệu quả. Tập trung đầu tư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho những vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, tập trung.
 
Thường xuyên theo dõi các đối tượng gây hại như: sâu ăn tạp, sâu tơ, rầy mềm, ruồi đục trái, sâu đục củ (khoai lang); các loại bệnh thán thư, đốm phấn, chạy dây… Đồng thời, khuyến cáo ND luân canh cây trồng khác họ, chọn giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng thích hợp, làm đất kỹ, trồng với mật độ thích hợp để tiết kiệm giống, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM) và phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, sử dụng thuốc BVTV sinh học để đạt được năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất. 
• Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Bình luận