Sản xuất chè hữu cơ, sinh thái: Phải lấy lại 'sức khỏe' đất

Bình luận · 236 Lượt xem

Để canh tác chè hữu cơ, sinh thái, phải từng bước hồi phục 'sức khỏe' đất trồng chè sau giai đoạn dài bị suy thoái do lạm dụng hóa chất trong sản xuất.

Gánh nặng hóa chất lên canh tác chè

Chè là một trong những cây trồng đã được phát triển ở Việt Nam qua hàng trăm năm, có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế và an sinh xã hội, đặc biệt là với các khu vực trung du và miền núi, nơi đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn và thu nhập phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp.

Che phủ đất trồng chè bằng phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, vỏ cây keo, bạch đàn, cây tế guột…) kết hợp với phân bón hữu cơ hoai mục giúp cải thiện độ phì của đất, hạn chế cỏ dại và giảm yêu cầu về phân bón hóa học (ảnh chụp tại Tân Cương, Thái Nguyên). Ảnh: Phạm Hiếu.

Che phủ đất trồng chè bằng phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, vỏ cây keo, bạch đàn, cây tế guột…) kết hợp với phân bón hữu cơ hoai mục giúp cải thiện độ phì của đất, hạn chế cỏ dại và giảm yêu cầu về phân bón hóa học (ảnh chụp tại Tân Cương, Thái Nguyên). Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam có gần 123.000ha chè, được trồng tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và một phần ở tỉnh Lâm Đồng. Hàng năm, sản xuất chè và chuỗi ngành hàng này có giá trị xuất khẩu hơn 200 triệu USD, góp phần tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân ở các vùng nông thôn, miền núi.

Chè là cây trồng khá đặc biệt so với các loại cây trồng khác, mỗi năm cho thu hoạch từ 7 - 8 lứa, sản phẩm thu hoạch chủ yếu là lá chè, được sử dụng để chế biến, sau đó làm thức uống trực tiếp. Theo phương pháp canh tác truyền thống phổ biến hiện nay, trước mỗi lứa thu hoạch, nhằm đảm bảo năng suất và hạn chế sâu bệnh phá hoại, cây chè thường được phun hoặc bón rất nhiều các loại phân bón, thuốc trừ sâu bệnh hóa học các loại.

Nhiều nông dân nhẩm tính sơ bộ rằng, hàng năm mỗi nương chè phải “gánh” hàng chục lượt phun thuốc trừ sâu, bón phân. Điều này ảnh hưởng vô cùng lớn và lâu dài đến sức khỏe của chính những nông dân canh tác chè, người tiêu dùng và các hệ sinh thái lân cận như môi trường đất, nước, các loài sinh vật.

Trong những năm gần đây, đời sống của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện, người tiêu dùng dành sự quan tâm và đòi hỏi cao hơn về nguồn gốc và chất lượng thực phẩm. Xu hướng tiêu dùng xanh, sạch tăng cao đã mở ra cơ hội cho các sản phẩm hữu cơ, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.

Áp dụng biện pháp bón vôi với liều lượng thích hợp giúp giảm thiểu sự chua hóa đất trồng chè, cải thiện độ phì của đất cũng như năng suất, chất lượng cây chè. Phạm Hiếu.

Áp dụng biện pháp bón vôi với liều lượng thích hợp giúp giảm thiểu sự chua hóa đất trồng chè, cải thiện độ phì của đất cũng như năng suất, chất lượng cây chè. Phạm Hiếu.

Nắm bắt được nhu cầu đó, ngày càng có nhiều nông hộ được khuyến khích áp dụng các biện pháp canh tác hữu cơ/sinh thái cho cây chè nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó gia tăng giá trị và thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, đồng thời hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp canh tác truyền thống đến môi trường và sức khỏe con người.

Tuy nhiên, sự bền vững và hiệu quả của các mô hình này ra sao từ trước tới nay chưa được quan tâm, nghiên cứu thỏa đáng, chưa có những cơ sở khoa học để phục vụ cho việc nhân rộng cũng như hoạch định chính sách của các cơ quan liên quan.

Cần phục hồi "sức khỏe" cho đất trồng chè

Từ năm 2019 đến nay, dưới sự hỗ trợ và phối hợp giữa Đại học Deakin (Úc), Liên minh Đa dạng sinh học và Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (Alliance Biodiversity & CIAT), Trung tâm Hợp tác quốc tế về Nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD - Cộng hòa Pháp), Mạng lưới Công nghệ sing học vi sinh vật (CMBP) và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI), nhóm cộng sự gồm nghiên cứu sinh Lê Viết San (Đại học Deakin) và các chuyên gia từ các đơn vị nêu trên đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá và chỉ ra những hạn chế, tác động tiêu cực và lâu dài của canh tác chè truyền thống phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu hóa học đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ..., bao gồm suy thoái về vai trò, đặc tính (hóa, lý tính và sinh học) của đất, đặc biệt là chua hóa (acid hóa) đất trồng chè nhanh chóng, từ đó gây suy giảm sự đang dạng cũng như chức năng của các hệ sinh vật trên đất, giảm năng suất và chất lượng cây chè, gây ra nhiều nguy cơ về ô nhiễm đối với môi trường và sức khỏe con người.

Vườn chè được áp dụng các biên pháp canh tác theo hướng hữu cơ tại Tân Cương (Thái Nguyên) chuẩn bị cho thu hái. Phạm Hiếu.

Vườn chè được áp dụng các biên pháp canh tác theo hướng hữu cơ tại Tân Cương (Thái Nguyên) chuẩn bị cho thu hái. Phạm Hiếu.

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm chuyên gia đã khuyến cáo một số phương pháp canh tác chè bền vững, hiệu quả có thể được áp dụng để thay thế dần canh tác truyền thống, đó là canh tác hữu cơ/sinh thái, sử dụng một số biện pháp như bón vôi, các chế phẩm sinh học để hạn chế đất trồng chè bị chua hoá, từng bước hồi phục "sức khỏe" đất trồng chè, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản xuất chè tại Việt Nam.

Một số mô hình tiêu biểu như: So sánh mô hình canh tác hữu cơ/sinh thái và các mô hình canh tác thông thường tại Tân Cương (Thái Nguyên), nhóm nghiên cứu đã chỉ ra các hộ dân/HTX áp dụng mô hình canh tác hữu cơ/sinh thái có thể có thu thập cao hơn từ 180 - 200 triệu đồng/ha so với nông hộ áp dụng các biện pháp canh tác truyền thống.

Điều này chủ yếu đến từ giá bán của các sản phẩm hữu cơ/sinh thái cao hơn so với sản phẩm thông thường. Đồng thời, nông dân, các HTX áp dụng các biện pháp canh tác an toàn, bền vững này cũng có nhiều điều kiện hơn để tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ về vật tư, kỹ thuật từ các cơ quan trong và ngoài nước.

Nhóm nghiên cứu tiến hành đánh giá, thu thập mẫu tại hiện trường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhóm nghiên cứu tiến hành đánh giá, thu thập mẫu tại hiện trường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bên cạnh đó, các biện pháp canh tác chè hữu cơ giúp duy trì và cải thiện rõ rệt các đặc tính, chức năng của đất, các chỉ tiêu về chất lượng búp chè cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường như tồn dư thuốc BVTV, kim loại nặng trong đất, trong nước và các sản phẩm chè, từ đó bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Để giải quyết vấn đề chua hóa đất trồng chè, việc sử dụng vôi bột với lượng bón thích hợp sẽ góp phần nhanh chóng cải thiện độ pH đất, qua đó cải thiện độ phì nhiêu của đất. Ví dụ khi độ pH của đất ở mức 4 - 4,5, bón vôi bột với lượng 1,5 tấn/ha có thể giúp tăng độ pH đất (giảm độ chua) khoảng 0,4 - 0,5 đơn vị, qua đó cải thiện môi trường cho sinh vật đất phát triển, giảm nguy cơ nhiễm độc các loại kim loại nặng như nhôm, mangan, tăng cường khả năng cân bằng dinh dưỡng của đất…

Những kết quả nghiên cứu này đã được xuất bản ở các tạp chí và hội nghị khoa học quốc tế uy tín như: Environmetal Chemistry Letters, Soil Use and Management, Environmental Sustainability, International Phytobiomes Conference (USA 2022), 13th International Conference on Agrophysics (Poland, 2021), và ở các tạp chí trong nước.

Hoạt động du lịch cộng đồng trải nghiệm thu hái chè tại HTX chè Trung du Tân Cương (Thái Nguyên). Ảnh: Phạm Hiếu.

Hoạt động du lịch cộng đồng trải nghiệm thu hái chè tại HTX chè Trung du Tân Cương (Thái Nguyên). Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngoài ra, việc áp dụng sản xuất theo hướng sinh thái, hữu cơ thân thiện với môi trường còn tạo ra cơ hội để phát triển hoạt động trải nghiệm, du lịch cộng đồng, từ đó góp phần quảng bá mô hình canh tác này, cũng như gia tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất chè

Bình luận