Biến rác thải hữu cơ thành phân bón, nhất cử lưỡng tiện

Bình luận · 270 Lượt xem

Ủ rác thải hữu cơ làm phân bón được người dân rất hưởng ứng, vừa giải quyết ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra phân hữu cơ vi sinh cho nông nghiệp sạch.

Cũng như ở nhiều nơi, tại huyện Trấn Yên (Yên Bái), vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt trở thành thách thức lớn khi tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, mật độ dân số tăng nhanh. Rác thải hữu cơ chiếm tỷ lệ lớn (trên 60%) trong tổng lượng rác thải. Đây là lượng rác thải khổng lồ, nếu không được xử lý đúng cách sẽ phân hủy và gây ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Người dân xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên) ủ rác hữu cơ làm phân bón. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên) ủ rác hữu cơ làm phân bón. Ảnh: Thanh Tiến.

 Phân loại rác thải tại nguồn, ủ thành phân hữu cơ

Thời gian gần đây, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trấn Yên đã và đang tích cực triển khai các mô hình điểm về phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn xử lý rác hữu cơ ngay tại hộ gia đình, góp phần hạn chế rác thải ra môi trường. Mô hình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Gia đình bà Đào Thị Thanh Thủy ở Tổ dân phố 2, thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên) là một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ. Để thực hiện, bà Thuỷ đã mua 2 thùng ủ chuyên dụng và men sinh học để xử lý rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ.

Hàng ngày, các loại rác thải hữu cơ có thể phân huỷ như vỏ rau củ quả, trái cây, thực phẩm, thức ăn thừa... đều được bà cho vào thùng ủ với men vi sinh. Sau 25 - 30 ngày ủ, rác thải hữu cơ sẽ trở thành nguồn phân bón hữu cơ vi sinh sạch để bón cho cây trồng. Nhờ cách làm này, lượng rác thải ra môi trường của gia đình bà Thủy đã giảm đáng kể, đồng thời có nguồn phân bón hữu cơ đảm bảo chất lượng, giúp cây trồng của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt.

Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên) hướng dẫn người dân phân loại rác thải và ủ rác hữu cơ làm phân bón. Ảnh: Thanh Tiến.

Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên) hướng dẫn người dân phân loại rác thải và ủ rác hữu cơ làm phân bón. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Thuỷ chia sẻ: Trước đây rác thải hữu cơ của gia đình do để trong bếp hay ngoài sân nên bốc mùi rất khó chịu, lại thu hút côn trùng, chuột... Sau khi được hướng dẫn thực hiện xử lý bằng chế phẩm sinh học, rác thải đã không còn mùi hôi thối, không gây ô nhiễm môi trường. Nước rỉ thu được từ rác trong quá trình ủ phân hữu cơ được hòa loãng để tưới cho cây trồng, cây phát triển khỏe, xanh tốt, tiết kiệm được rất nhiều chi phí mua phân bón.

"Việc phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ ngay tại ra đình để ủ làm phân bón hữu cơ là việc làm rất thiết thực. Nếu không phân loại và xử lý rác, hàng ngày gia đình tôi đều phải đi đổ rác. Từ ngày làm theo mô hình này, lượng rác thải ra môi trường rất ít, có khi cả tuần mới phải đi đổ rác một lần”.

Để nhân rộng mô hình, thị trấn Cổ Phúc đã triển khai tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ ngay tại hộ gia đình thành phân bón hữu cơ. Ngoài ra, Thị trấn đã hỗ trợ mỗi hộ gia đình 1 thùng ủ rác và men vi sinh.

Việc phân loại rác tại nguồn rất hữu ích trong việc xử lý rác thải. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc phân loại rác tại nguồn rất hữu ích trong việc xử lý rác thải. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Bí thư Đảng uỷ thị trấn Cổ Phúc cho biết: Để thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nhà, thị trấn đã giao cho 5 đoàn thể đồm Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Mặt trận Tổ quốc chuẩn bị các thùng đựng rác thải hữu cơ có thể phân huỷ như: Vỏ hoa quả, thức ăn thừa, cơm, rau, củ… và cho men vi sinh ủ, mỗi thùng ủ đều có lượng men khác nhau để đánh giá hiệu quả của mô hình trước khi triển khai tới người dân.

Ngay sau khi triển khai, thị trấn Cổ Phúc đã chỉ đạo các tổ dân phố, các đoàn thể tích cực vào cuộc vận động người dân thực hiện. Yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tiên phong thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn và ủ thành phân hữu cơ ngay tại hộ gia đình. Đến nay, đã có hàng trăm hộ gia đình thực hiện mô hình này.

Giải pháp hữu ích cho môi trường và nông nghiệp hữu cơ

Thời gia qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trấn Yên tích cực tuyên truyền, triển khai các mô hình bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong việc tuyên truyền xử lý rác thải rắn sinh hoạt, Hội đã phối hợp với Công ty Cổ phần Y tế Y Tâm (Hà Nội) tổ chức 22 buổi truyền thông về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người cho trên 2.000 hội viên; phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường và Công ty Cổ phần xây dựng An Bảo (Hải Phòng) triển khai hướng dẫn quy trình ủ rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ theo mô hình thùng ủ tại nhà thông qua việc phân loại rác thải tại nguồn, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng tại các xã Minh Quán, Đào Thịnh, Y Can và thị trấn Cổ Phúc. 

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trấn Yên hướng dẫn người dân sử dụng thùng ủ và men vi sinh để biến rác thành phân bón. Ảnh: Thanh Tiến.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trấn Yên hướng dẫn người dân sử dụng thùng ủ và men vi sinh để biến rác thành phân bón. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngoài ra, hội đã tích cực tuyên truyền, triển khai các mô hình nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường như: Ra quân tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm đảm bảo xanh - sạch - đẹp; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; trồng mới và nâng cao chất lượng các tuyến đường hoa từ 600 - 1.000m trở lên; ra mắt mới chi hội phụ nữ "5 không 3 sạch"; xây dựng mô hình tái chế rác thải nhựa, ủ rác hữu cơ bằng công nghệ men vi sinh...

Bà Bồ Thị Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trấn Yên cho biết: Chất thải hữu cơ dễ phân hủy được tái chế thành phân bón hữu cơ bằng cách đơn giản, trước hết thực hiện phân loại rác, tiếp theo đưa chất thải dễ phân hủy vào hố ủ hoặc thùng ủ phân hữu cơ.

"Đối với thùng ủ bằng nhựa, chúng tôi khuyến cáo người dân cần đặt cách xa nguồn nước sinh hoạt, đặt chậu nhựa để thu nước rỉ từ rác. Sau đó, sử dụng nước rỉ từ rác tưới lên lượng rác ủ trong thùng giúp rác mau phân hủy thành phân. Phân hữu cơ được tạo thành sau 25 - 30 ngày ủ được sử dụng bón cho cây trồng, vườn rau hữu cơ.

Phân bón hữu cơ với hàm lượng hữu cơ cao, giàu axit amin, vi sinh vật và các khoáng chất giúp bổ sung thành phần hữu cơ cho đất, góp phần nâng cao chất lượng nông sản và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững", bà Hoa nhấn mạnh.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trấn Yên tặng thùng ủ rác hữu cơ cho người dân xã Minh Quán. Ảnh: Thanh Tiến.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trấn Yên tặng thùng ủ rác hữu cơ cho người dân xã Minh Quán. Ảnh: Thanh Tiến.

Với những cách làm mới, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, sẽ là tiền đề thuận lợi để huyện Trấn Yên hoàn thiện các tiêu chí về môi trường, từng bước hoàn thành thực hiện Đề án “Xây dựng huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị hóa, giai đoạn 2021 – 2025”, đồng thời hiện thực hóa định hướng phát triển nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái, bền vững.

Bình luận