Về vùng biên giới huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) hỏi thăm mô hình vườn cây ăn quả của gia đình chị Lê Thị Xuân (thôn Đoàn Kết, xã Ia Dơk) gần như ai cũng biết. Dù còn khá trẻ nhưng chị Xuân đã gắn bó với nông nghiệp từ khá lâu. Nhìn vườn cây ăn quả hơn 5ha được trồng theo hướng hữu cơ xanh mát trên sườn dốc thoai thoải mới thấy tâm huyết và công sức của gia đình chị Xuân sau bao năm gầy dựng.
Từng là giáo viên, sau nhiều năm dạy học xa nhà, chị Xuân cảm thấy sức khỏe không đảm bảo nên đã quyết định nghỉ việc về làm nông nghiệp. Năm 2011, chị bắt đầu với vườn cà phê trên diện tích 5 sào của gia đình. Vài năm sau đó, chị được tiếp quản vườn cây đa canh từ bố mẹ và cũng là lúc chị chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ.
Đến thăm vườn, chị Xuân không ngần ngại giới thiệu về mô hình vườn cây đa canh của gia đình với hơn 10 loại cây ăn quả như cà phê, sầu riêng, ổi, bơ, thanh long, chôm chôm… được chăm sóc theo hướng hữu cơ, không sử dụng hóa chất.
“Bản thân mình may mắn được kết giao với nhiều bạn bè ở Đắk Lắk, Lâm Đồng trồng cây theo hướng hữu cơ và thấy hiệu quả nên quyết định học hỏi để áp dụng cho vườn cây của gia đình”, chị Xuân chia sẻ.
Ban đầu, chị Xuân sử dụng phân gà, phân bò kết hợp với men Trichoderma ủ để bón cho vườn cây. Đến năm 2021, trong một lần đi TP.HCM, chị Xuân được chia sẻ về các dòng phân bón hữu cơ chất lượng, có thể áp dụng hiệu quả trên vườn cây đa canh của gia đình. Kể từ đó, những dòng phân hữu cơ bón lá, tưới trực tiếp vào gốc cây được gia đình chị Xuân đặt mua từ TP.HCM để sử dụng.
“Việc kết hợp sử dụng phân chuồng tự ủ với phân bón hữu cơ bán trên thị trường giúp cho cây trồng tăng sức đề kháng, ít sâu bệnh, cây lá luôn xanh tốt và đặc biệt sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng”, chị Xuân chia sẻ.
Cũng theo chị Xuân, trước đây gia đình sử dụng phân hóa học, vườn cây phát triển rất nhanh, nhưng nến không duy trì thường xuyên thì cây sẽ rơi vào trạng thái “đói ăn”, dẫn đến kém chất lượng. Trong khi đó, sử dụng phân bón hữu cơ mặc dù vườn cây phát triển chậm hơn nhưng bền vững theo thời gian.
Chị Xuân cho biết, gia đình xác định ngay từ đầu sẽ cắt hẳn phân hóa học để chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ. Khi đó, gia đình chấp nhận thời gian đầu vườn cây sẽ kém phát triển và năng suất giảm đáng kể. Nhưng quan trọng nhất, sức khỏe của gia đình và người tiêu dùng sẽ được đảm bảo.
Vườn cây đa canh của gia đình chị Xuân không chỉ gây ấn tượng bởi được canh tác theo hướng hữu cơ mà cách thiết kế vườn cây cũng khiến nhiều người thán phục. Lo ngại vườn cây nằm dưới chân rừng cao su sẽ bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc diệt cỏ, phân hóa học nên gia đình chị Xuân đã đào rãnh nước, đắp bờ bao ngăn cách rất bài bản.
Dạo quanh khu vườn, chúng tôi bất ngờ với những túi long não được treo ở hầu hết trên các cây trồng có giá trị. Chị Xuân cho biết, khi chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ, gia đình không sử dụng thuốc diệt trừ sâu bệnh mà để thuận theo tự nhiên. Nhằm giảm sâu bệnh, gia đình dùng mẹo treo những gói long não hoặc đĩa CD lên cây để xua đuổi côn trùng.
Bên cạnh đó, việc trồng xen canh cũng là cách để xua đuổi, giảm sức gây hại của côn trùng hiệu quả. Theo lý giải của chị Xuân, trồng xen canh nên thời gian ra hoa, đậu quả của các loại cây cũng khác nhau, trong khi sâu bệnh thường tấn công lúc cây mọc lá non. Chính vì vậy, việc trồng xen canh sẽ khiến sâu bệnh không thể tấn công đồng loạt do bị ngăn cách giữa các cây.
Ngoài ra, dưới các gốc cây, chị Xuân để cỏ mọc tự nhiên nhưng có kiểm soát để tạo môi trường sinh sống cho các loại côn trùng có ích nhằm tiêu diệt các sinh vật có hại. “Sau khoảng 7 năm trồng theo hướng hữu cơ, gia đình cảm thấy được sống trong môi trường rất an toàn, sức khỏe được đảm bảo và đặc biệt sản phẩm đến với người tiêu dùng cũng yên tâm”, chị Xuân chia sẻ.
Ấn tượng trước vườn cây đa canh trồng theo hướng hữu cơ của gia đình chị Xuân, nhiều hộ dân trong vùng đã tìm đến học hỏi. Chị Trần Hiền (thôn Ia Krêl, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) cho biết, sau khi đến học hỏi kinh nghiệm mô hình trồng theo hướng hữu cơ, chị cũng đã từng bước áp dụng trên vườn cây của gia đình. Năm ngoái sau khi sử dụng thử một lần thấy hiệu quả, cây phát triển tốt nên năm nay gia đình chị quyết định chuyển toàn bộ sáng trồng theo hướng hữu cơ.
Theo chị Xuân, so với phân hóa học, chi phí đầu tư phân hữu cơ rẻ hơn rất nhiều. Chẳng hạn trước đây gia đình phải mất hơn 100 triệu đồng đầu tư phân hóa học cho vườn cây trong 1 năm. Còn hiện tại, với phân bón hữu cơ, gia đình chỉ phải bỏ ra khoảng 60 triệu đồng.