Chăm sóc, bảo vệ thủy sản mùa mưa bão: [Bài 4] Lá chắn hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao

Bình luận · 93 Lượt xem

Hầu hết các mô hình nuôi thủy sản, đặc biệt tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh đang ứng dụng công nghệ cao, giúp nâng cao năng suất, hạn chế dịch bệnh.

Giảm nguy cơ dịch bệnh

Các công nghệ tiên tiến phải kể đến như như thủy sản tuần hoàn, siêu thâm canh, lót trải bạt hay sử dụng lưới để che trong nuôi tôm.

Những mô hình này còn giúp bà con tiết kiệm nước, nhân công, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm thủy sản sạch, đáp ứng được nguồn cung cho thị trường trong và nước ngoài, giúp người nuôi yên tâm trước biến đổi khó lường của thời tiết.

HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản.

Hiện nay, Hợp tác xã đã thực hiện mô hình nuôi tôm theo hệ thống tuần hoàn khép kín trong nhà màng được hơn 5 năm nay.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà màng và hệ thống nước tuần hoàn của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng tại thành phố Bà Rịa. Ảnh: Lê Bình.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà màng và hệ thống nước tuần hoàn của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng tại thành phố Bà Rịa. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc hợp tác xã cho biết, nhờ ứng dụng kĩ thuật này mà các vụ tôm của ông không sợ ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết. Bởi mưa nhiều hoặc kéo dài cũng không tác động tới các hồ nuôi. Chất lượng tôm mà hợp tác xã nuôi rất khỏe mạnh, lớn nhanh và ít bị dịch bệnh.

“Chính vì kiểm soát được nguồn nước, oxy và hạn chế tối đa ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết nên chúng tôi đạt chất lượng tôm sạch nhờ không phải sử dụng kháng sinh. Chính vì thế, tôm thương phẩm của Hợp tác xã cũng được nhiều mối chào mua với giá tốt, cao hơn 10.000 - 20.000 đồng/kg so với thị trường”, ông Chuyên cho hay.

Tương tự, HTX Chợ Bến (xã An Ngãi, huyện Long Điền) cũng đầu tư bài bản để nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đảm bảo nguồn nước sạch và lót bạt đáy nên khi nuôi tôm ít bị dịch bệnh.

“Kiểm soát được nguồn nước đầu vào cũng có nghĩa là kiểm soát được hàm lượng có lợi cho con tôm. Đây vừa là cách làm dễ nhất mà giảm được nguy cơ rất lớn trong nuôi tôm, đảm bảo an toàn cao, lợi nhuận chắc chắn là sẽ tăng lên so với nuôi truyền thống”, ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc HTX Chợ Bến chia sẻ.

Công ty nuôi trồng thủy sản Minh Phú Lộc An (huyện Đất Đỏ) là doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Công ty có khu nuôi tôm 300ha gồm 560 ao nuôi, 300 ao xử lý nước, 280 ao ương và 2 hồ chứa nước biển, 1 ao nước thải.

Nhờ quy trình nuôi sử dụng vi sinh, không thay nước, không sử dụng kháng sinh, hóa chất nên môi trường ổn định, tỉ lệ sống của tôm trên 85%, tốc độ tăng trưởng nhanh.

Theo đó, trang trại nuôi tôm đang sử dụng công nghệ Minh Phú BiO, có bổ sung hạt sinh học và tảo khuê, không sử dụng thức ăn công nghiệp, vừa sức tải của môi trường.

Nhờ ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại mà tôm thương phẩm của Minh Phúc Lộc An ít bệnh, tăng trưởng nhanh và chất lượng. Ảnh: Lê Bình.

Nhờ ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại mà tôm thương phẩm của Minh Phúc Lộc An ít bệnh, tăng trưởng nhanh và chất lượng. Ảnh: Lê Bình.

“Do xử lý nước bằng vi sinh, nuôi với mật độ thưa 150 - 190 con/m2 theo quy trình khép kín nên tôm ít dịch bệnh, nước thải ra không gây ô nhiễm. Nhờ đó, việc nuôi tôm này còn giúp bảo vệ môi trường, giảm thải carbon”, ông Ngô Thanh Hà, Giám đốc công ty cho biết.

Năm 2021, Công ty đầu tư 230 tỷ đồng xây dựng đường ống dài 4,5km lấy nước biển vào nuôi tôm. Tôm nuôi bằng nước biển khơi giúp ít bệnh, duy trì được độ mặn để tôm giàu axit amin tự do, cân bằng với lượng nước mưa nếu có.

Nhờ đó, các tác động tiêu cực do thời tiết không còn là vấn đề nan giải tại trang trại nuôi tôm Minh Phú Lộc An.

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một số doanh nghiệp điển hình ứng dụng công nghệ cao như: Công ty Thủy sản Minh Phú Lộc An, Công ty CP Thủy sản Phước Hải, Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Mạnh Cường, Farm Liên Giang, Farm Thái Hà… Công nghệ chủ yếu là nuôi trong ao lót bạt hay hồ nổi khung thép có lót bạt, có mái che, nuôi trong nhà màng... với sản lượng đạt lên tới 30 - 50 tấn/ha/vụ.

Tăng hiệu quả sản xuất

Theo Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh đang quan tâm chú trọng phát triển chuyển giao nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao.

Đến nay, đã có 23 tổ chức, cá nhân nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 429ha. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao hiện nay đã đạt 46,54%.

Đồng thời, các mô hình này có thể nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một diện tích đất nhờ nuôi với mật độ cao do áp dụng công nghệ.

Đặc biệt, khi áp dụng hình thức nuôi siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao thì mỗi năm người nuôi trồng thủy sản có thể tăng từ 2 vụ lên 3 vụ và năng suất có thể đạt tới 120 tấn/ha.

Nhiều hợp tác xã, trại tôm đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào trong nuôi tôm giúp giảm chi phí sản xuất, hạn chế được dịch bệnh và ít ảnh hưởng từ thiên tai. Ảnh: Lê Bình.

Nhiều hợp tác xã, trại tôm đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào trong nuôi tôm giúp giảm chi phí sản xuất, hạn chế được dịch bệnh và ít ảnh hưởng từ thiên tai. Ảnh: Lê Bình.

Kỹ sư Đoàn Văn Nam, phụ trách Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh đánh giá, các mô hình nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao tiết kiệm được nước, chi phí đầu vào và kiểm soát được môi trường.

“Với việc ứng dụng các khoa học kĩ thuật, nó giúp mình quản lý tốt môi trường, nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm. Đây không chỉ là xu thế tất yếu hiện nay mà còn là bước đột phá, nâng cao sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp nói chung trong quá trình hội nhập như hiện nay”, kỹ sư Đoàn Văn Nam chia sẻ.

Trong bối cảnh ngành tôm nói riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu gặp nhiều khó khăn, việc nuôi trồng càng tiết kiệm chi phí sản xuất sẽ càng bền vững, có lợi nhuận.

Đơn cử, với hệ thống sử dụng hệ thống nước tuần hoàn của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, mô hình này giúp tiết kiệm không chỉ nước, điện mà các hóa chất xử lý và thời gian. Nước được sử dụng ít hơn so với bình thường và còn được tái sử dụng cho chính mùa vụ kế tiếp.

“Qua thống kê, chúng tôi thấy chỉ cần sử dụng khoảng 1,5 - 1,8 mét khối nước/kg tôm. Trong khi đó, với các mô hình bên ngoài cần sử dụng từ 4 - 6 mét khối nước/kg tôm, tức giảm được gần ba lần.

Đó không chỉ là nước mà một loạt chi phí kéo theo. Nên dù giá bán tôm có giảm thì chúng tôi cũng đỡ lo”, ông Nguyễn Kim Chuyên phân tích.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang phát triển nuôi trồng thủy sản trên 3 vùng sinh thái ngọt, mặn lợ và nuôi trên biển, theo hướng công nghệ cao, bền vững. Trong đó, các vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao ở các huyện: Đất Đỏ, Xuyên Mộc.

Mô hình nuôi tôm rộng 300ha của công ty nuôi trồng thủy sản Minh Phú Lộc An tại huyện Đất Đỏ. Ảnh: Lê Bình.

Mô hình nuôi tôm rộng 300ha của công ty nuôi trồng thủy sản Minh Phú Lộc An tại huyện Đất Đỏ. Ảnh: Lê Bình.

Nông dân có thể thả giống quanh năm và không bị lệ thuộc khung lịch mùa vụ. Vì vậy, lợi nhuận thu được cao hơn từ 2 - 3 lần so với nuôi tôm thông thường, lên đến 150 - 200 triệu đồng/1.000 m2/vụ.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ cao đồng bộ để tạo sự liên kết, nâng cao chất lượng và sản lượng tiêu thụ.

Công ty Minh Phú Lộc An cũng đang triển khai kế hoạch liên kết với các hộ dân tại huyện Đất Đỏ để nuôi tôm sinh học và bao tiêu sản phẩm. Chiến lược này nhằm cải thiện và tăng nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến, xuất khẩu của doanh nghiệp hiện vẫn đang còn thiếu.

Bình luận