Sơn La một thập kỷ leo đồi: [Bài 3] Quái kiệt cà phê chè số 1 Việt Nam

Bình luận · 82 Lượt xem

Ông Nguyễn Xuân Thao không chỉ là chủ Hợp tác xã cà phê đầu tiên đạt chuẩn OCOP 5 sao mà còn thay đổi cộng đồng nơi diện tích cà phê chè lớn nhất nước.

Sau đúng 10 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng về lĩnh vực nông nghiệp, bức tranh nông nghiệp Sơn La hôm nay có nhiều thành tựu. Loạt bài là những ghi chép ở những vùng đất, gặp gỡ những con người đã góp phần làm nên kỳ tích mà nhiều người vẫn gọi là hiện tượng nông nghiệp Sơn La.

Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao. Ảnh: Tùng Đinh. 

Dáng người dong dỏng, làn da rám nắng cùng với cặp kính lúc nào cũng thường trực trên… đỉnh đầu, thoạt nhìn người khác dễ lầm tưởng ông Nguyễn Xuân Thao là một gã thợ hàn hơn là Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao danh tiếng. Lạ thay đấy lại là người mà một lãnh đạo lâu năm trong ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La bảo tôi nhất định phải gặp. Bởi nếu nói về cà phê chè Arabica trên miền đất dốc Sơn La, hiếm có ai có thể qua được cái “gã thợ hàn” ấy. Một quái kiệt vùng Trung du miền núi phía Bắc, quái kiệt cà phê chè số 1 Việt Nam.

Thì tôi vốn là thợ hàn thật mà. "Quái kiệt" Nguyễn Xuân Thao cười vui vẻ. Chính xác hơn là thợ cơ khí. Cứ tưởng suốt đời gắn bó với máy móc, ai ngờ cuối cùng lại bập vào cà phê rồi đeo đuổi nó suốt hơn ba chục năm nay không tài nào dứt ra được. Tôi nói với anh, nếu coi công cuộc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất dốc ở Sơn La là một cuộc cách mạng thì việc giữ gìn, phát triển diện tích 21.000ha cà phê chè Arabica lớn nhất cả nước hiện nay của Sơn La cũng là một kỳ tích trên miền đất dốc.

Cây cà phê chè Arabica trên đất Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh. 

Người thay đổi Hua La

 

Vùng đất Hua La vốn là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người Thái, nằm ở phía tây nam thành phố Sơn La. Giáp phố thị mà đất đai bạt ngàn, màu mỡ, cuốc lên cứ đỏ thẫm như màu thịt trâu tươi, đứng từ QL6 nhìn lên cứ tưởng như đang lạc giữa đại ngàn Tây Nguyên lộng gió. Cả một miền núi đồi mênh mông rặt chỉ thấy thấy cà phê ngan ngát đang kỳ đậu quả, thi thoảng mới xen lẫn một vài khoảnh người dân trồng xoài, trồng nhãn. Dễ hiểu thôi, bởi Hua La là một trong 3 địa điểm, cùng với Mai Sơn và Thuận Châu, những nơi mà người Pháp lựa chọn trồng thử nghiệm cây cà phê chè Arabica vào nửa đầu thế kỷ trước. Sau này, khoảng những năm 1990, cà phê chè cũng là giống cây trồng được lựa chọn khi nhà nước chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc, giúp bà con xóa đói giảm nghèo trên vùng cao Tây Bắc.

Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản Hoàng Văn Thụ, nơi ngày trước là đất của Đội sản xuất số 7 của nông trường chuyên trồng sắn, trồng ngô. Vừa đi vừa chậm rãi kể, năm 1994 cây cà phê chè được đưa vào “leo dốc” ở Hủa La rồi sang các vùng trọng điểm khác như Mai Sơn, Thuận Châu... Theo quy hoạch lúc đó Sơn La sẽ có khoảng 29.000 - 30.000ha cà phê, nhà nước cũng thành lập Công ty Chè - Cà phê và Cây ăn quả Sơn La nhằm cung ứng giống để bà con trồng đại trà, thay thế diện tích trồng sắn, trồng ngô ngày trước, đồng thời gánh vác nhiệm vụ bao tiêu sản phẩm. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, khoảng chừng 4 - 5 năm, doanh nghiệp nhà nước làm ăn bết bát, không bao tiêu được sản phẩm nữa nên bà con chán, ngay giữa vùng trọng điểm như Hua La có người chặt bỏ quay trở lại trồng ngô, trồng sắn, chuyển sang trồng cây ăn quả. Cây cà phê chè trên đất Sơn La bước vào thời kỳ bị ghẻ lạnh. Đỉnh điểm là giai đoạn 2014 - 2015, giá một cân quả cà phê tươi chỉ có 3.000 đồng, trong khi tiền đầu tư, tiền công chăm sóc tính ra đã mất hơn 5.000 đồng.

Người thay đổi Hua La. Ảnh: Tùng Đinh. 

Giống như bao người khác ở Hua La, gia đình ông Thao có khoảng 4ha trồng cà phê chè Arabica. “Chứng kiến cảnh bà con phá bỏ cà phê, thú thực ban đầu tôi cũng muốn chặt quách đi để chuyển sang cây ăn quả hay chí ít cũng trồng sắn, trồng mía bán cho các công ty, nhưng rồi nghĩ lại, cây cà phê tuy giá cả có lúc lên, lúc xuống nhưng chưa bao giờ nhà nước phải giải cứu, chưa khi nào bà con phải mang đi đổ như nhiều loại nông sản khác. Vậy phải chăng là do cách làm mình chưa đúng mà thôi”, Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao hồi tưởng.

Nghĩ chán chê ông Thao quyết định bỏ ngang công việc cơ khí, tập trung mày mò học hỏi với khát vọng phải thay đổi số phận của cây cà phê chè Sơn La. Nhất là khi nghiên cứu tài liệu về về Brazil, quốc gia trồng cà phê trước Việt Nam khoảng 250 năm, ông Thao tự hỏi, cũng là giống cà phê chè ấy nhưng tại sao họ lại làm ra được các loại cà phê đặc sản, bán giá cao nhất thế giới mà mình lại cùng cực, thê thảm thế này? Hỏi han khắp nơi cuối cùng ngộ ra nút thắt nằm ở khâu chế biến, là câu chuyện tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Từ sản xuất đến chế biến, thị trường phải đi vào chuỗi, biết được tiêu chuẩn người ta, hiểu được văn hóa người ta mới có hy vọng chứ cứ sản xuất manh mún, bón phân vô cơ vô tội vạ, thích hái lúc nào thì hái, xát đãi tùy hứng, ai mua?  

Năm 2016, ông Thao thành lập Hợp tác xã cà phê Bích Thao, hợp tác xã cà phê đầu tiên của tỉnh Sơn La. Cuộc cách mạng “những việc cần làm ngay” mà người đàn ông sinh năm 1962 ấy đặt ra là thay đổi phương thức sản xuất sang hướng hữu cơ, thay đổi phương pháp lên men truyền thống sang lên men tự nhiên, chuyển từ cách làm cà phê thương mại theo lối công nghiệp sang cà phê đặc sản.

Cây làm giàu của người Thái ở Hua La. Ảnh: Hoàng Anh. 

Bắt đầu từ chính vườn nhà. Giám đốc Thao mời các nhà khoa học về nghiên cứu chất đất, tư vấn kỹ thuật và vào tận Tây Nguyên tìm hiểu những loại giống mới như THA1, TN5, TN6, TN9, TN10…, giúp chống biến đổi khí hậu tốt hơn, ít sâu hại hơn và năng suất cao hơn từ 20 - 30%, chịu hạn tốt hơn, cỡ nhân to hơn... Thành công rồi mới dám nhân rộng. Đi đến từng bản, vào tận từng nhà vận động bà con chuyển đổi, nhưng ban đầu thứ ông Thao nhận lại chỉ là những cái lắc đầu. Giá cà phê đang rẻ, lại có người đến bảo phải chăm bón theo quy trình, tuyển chọn trái chín đảm bảo độ đường, thu hái theo tiêu chuẩn, lên men 60 tiếng thay vì 12 tiếng như cách làm lâu nay… Tốn công rách việc. Không ít người bảo thế.

Cuối cùng ông Giám đốc Hợp tác xã phải bỏ ra 1,5 tỷ đồng để thuê một ông thầy người Ấn Độ tên là Ipo về cầm tay chỉ việc cho mấy xã viên ít ỏi. Mất đâu hơn 2 tháng mới có một vài người hiểu được giá trị của cà phê đặc sản. Cũng nhờ học hỏi mà lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện quy trình lên men cà phê chè Arabica mô phỏng lại quá trình tiêu hóa của con chồn, ngay tại Hợp tác xã cà phê Bích Thao. Ông thầy Ipo nói, các nhà khoa học ở Đức, Anh, Mỹ nghiên cứu trong dạ dày con chồn có chất enzym giống như chất xúc tác lên men bằng việc ém khí. Hiểu được quy trình của nó, thay vì mình phải nuôi chồn để làm cà phê cũng có thể can thiệp được bằng công nghệ, bằng quy trình lên men thủ công.

Khó khăn đôi chút là trước giờ bà con thu hái, sơ chế lên men theo phương pháp cũ đâu đó chỉ mất hơn 10 tiếng thì giờ đây phải làm ít nhất từ 30 - 40 tiếng, căn cứ vào nhiệt độ thời tiết, đêm xuống dưới 10 độ C phải dừng nên có những mẻ cà phải mất đến tầm 70 tiếng. Tuyển chọn kỹ càng sau đó đem ra phơi ở nhà màng, 2 - 3 ngày, 90 ngày sau mới mang đi xát đãi, chế biến. Đúng là tốn công mất sức hơn thật, nhưng nhờ học theo ông thầy người Ấn Độ mà Hợp tác xã cà phê Bích Thao có thể hoàn thiện quy trình lên men tự nhiên, ép hương tự nhiên để cho ra khoảng 800 loại hương trái cây trong quả cà phê chè Arabica. Hình thành từng tệp hương vị khác nhau, chào bán từng thị trường phù hợp. Đó có thể là cà phê mang hương vị mật ong, dâu tây, thậm chí đến mùi sầu riêng Bích Thao cũng có thể làm ra được. Mất 5 năm cho thị trường Đức, 7 năm cho thị trường Nhật Bản. Quãng thời gian ấy Hợp tác xã cà phê Bích Thao hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến cà phê chè Arabica Sơn La để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe nhất, của những thị trường khó tính nhất.

"Quái kiệt" cà phê chè Arabica. Ảnh: Tùng Đinh. 

Mỗi năm, hợp tác xã xuất khẩu khoảng 6.000 tấn cà phê đặc sản, thường với giá khoảng 230.000 đồng/kg. Sản phẩm cà phê của Bích Thao đã đi đến 20 quốc gia trên thế giới, trong đó nhiều nhất là thị trường Mỹ với khoảng 2.000 - 4.000 tấn mỗi năm. Ngoài cà phê, Bích Thao cũng là hợp tác xã đầu tiên ở tỉnh Sơn La chế biến thành công sản phẩm trà Cascara từ vỏ cà phê với tác dụng chống lão hóa, giảm mỡ máu, men gan… Mỗi một cân bán với giá 1,8 triệu đồng, xuất sang Pháp có thể lên tới 8 triệu đồng/kg. Đơn hàng về liên tục, như năm nay, ông Thao nói không có cà phê mà bán. Nếu không có gì thay đổi, độ 2 - 3 năm nữa thôi, thị trường cà phê ở Trung Quốc chắc chắn sẽ bùng nổ, người trồng cà phê nếu làm chuẩn chỉ muốn không giàu cũng khó.

Bích Thao cũng là Hợp tác xã đầu tiên chế biến thành công sản phẩm cà phê hòa tan sấy thăng hoa từ hạt cà phê chè Arabica cao cấp. Đó lại là một sáng tạo khác của quái kiệt Nguyễn Xuân Thao. Chọn những quả cà phê ở độ chín phù hợp, không lẫn với quả xanh rồi chiết xuất thành nước, lại tiếp tục cho vào máy sấy ở nhiệt độ âm 45 độ C để tách nước ra chỉ lấy tinh bột cà phê. Sau 30 tiếng đồng hồ, 40kg bột cà phê nguyên chất chỉ còn lại 2kg cà phê tinh chất. Năm 2022 Hợp tác xã cà phê Bích Thao được Bộ NN-PTNT chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao, cũng là đơn vị duy nhất đạt chuẩn OCOP cao nhất ở thời điểm đó.

Nơi nông dân thu 1,2 - 1,8 tỷ đồng/ha

Bây giờ thì khỏe rồi. Giọng ông Thao đột nhiên hào hứng. Không hẳn là tiền bạc. Điều quan trọng hơn cả mà Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao đúc kết, sau những cái lắc đầu ngày trước, bây giờ Bích Thao đã có hơn 150ha cà phê đặc sản của các hộ thành viên, cộng với 1.500ha của 800 hộ dân liên kết. Năm vừa rồi những hộ dân canh tác cà phê theo kiểu cũ chỉ thu được tầm 8 - 15 tấn/ha, bán vào thời điểm đắt nhất cũng chỉ 9 - 12 nghìn đồng/kg. Vậy mà những hộ dân liên kết với Bích Thao làm cà phê đặc sản lại bán với giá từ 20 - 25 nghìn đồng/kg.

Một ha cà phê chè ở Hua La có thể thu từ 1,2 đến 1,8 tỷ đồng. Ảnh: Tùng Đinh. 

Vị giám đốc quái kiệt chia sẻ, kể từ năm 2018 trở lại nay, các thành viên trong chuỗi của Bích Thao làm cà phê không biết lỗ là gì. Tính bình quân mỗi 1 ha cà phê chè Arabica ở Sơn La bây giờ thu khoảng từ 1,2 - 1,8 tỷ đồng/năm. Đấy đơn thuần chỉ những nông hộ làm “cà thóc” bán lại cho hợp tác xã, còn nếu chế biến sâu thêm có thể thu trên 3 - 4 tỷ đồng/năm.

Thành thử, đất đai ở Hua La giờ không có chỗ cho cây trồng khác nữa. Các xã viên của Bích Thao có những người sở hữu đến 10ha rồi mà vẫn đi sang Sông Mã, đi lên Sốp Cộp, Yên Châu, Thuận Châu thuê đất trồng cà phê chè. Hỏi họ với giá cà phê như hiện tại mỗi năm thu về khoảng bao nhiêu tiền, ông Thao bâng quơ, trừ chi phí đi thì kiếm hơn chục tỷ đồng là cùng.

Trở lại với câu chuyện cây cà phê chè Arabica trên đất Sơn La, số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La thể hiện, diện tích chính xác cà phê đến thời điểm hiện tại là 20.782ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 17.717ha với sản lượng cà phê nhân mỗi năm đạt khoảng 1.300 tấn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công chia sẻ thêm, để phát triển bền vững ngành cà phê, Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Kết luận số 863-KL/TU ngày 11/5/2023 về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Mục tiêu của Sơn La sẽ phát triển khoảng 25.000ha cà phê với sản lượng 40.000 tấn nhân, phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững khoảng 18.000ha...

Để hiện thực những mục tiêu ấy, vai trò của những con người như ông Thao và HTX cà phê Bích Thao vừa là hạt nhân vừa là động lực. Bằng chứng là sau thành công của mô hình hợp tác xã, bây giờ Sơn La đã có thêm nhiều nhà đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến như Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến với công suất thiết kế 10.000 tấn cà phê quả tươi/năm; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế với công suất thiết kế 10.000 tấn cà phê quả tươi/năm; Hợp tác xã chè, cà phê AVINA, Công ty Cổ phần chế biến cà phê Sơn La có công suất thiết kế 20.000 tấn cà phê quả tươi/năm; Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, công suất thiết kế 10.000 tấn cà phê quả tươi/năm; Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh, công suất thiết kế 10.000 tấn cà phê quả tươi/năm; Hợp tác xã cà phê Đào Chiềng Ban, công suất thiết kế 1.500 tấn cà phê quả tươi/năm…

Sản phẩm cà phê nhân của Hợp tác xã cà phê Bích Thao. Ảnh: Tùng Đinh. 

Mỗi một doanh nghiệp là hạt nhân của một chuỗi liên kết, trong đó vai trò cộng đồng được đề cao đang cùng nhau hiện thực khát vọng mang hương vị cà phê chè Sơn La từ núi rừng Tây Bắc vươn ra thế giới. 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Sơn La xuất khẩu được 16.900 tấn cà phê, thu về 53,9 triệu USD. Quái kiệt Nguyễn Xuân Thao cũng bảo, một không gian mênh mông đang mở ra với câu chuyện cà phê chè Arabica trên miền đất dốc. Với diện tích lớn nhất nước, nếu nâng cao chuỗi giá trị, chuẩn hóa vùng nguyên liệu, đầu tư chế biến sâu rồi đây cà phê Arabica Sơn La cũng sẽ ngon nhất nước, người dân trồng cà phê ở Sơn La cũng sẽ giàu nhất nước.

Bài học lớn từ cộng đồng

Trong câu chuyện với chúng tôi, điện thoại của “quái kiệt” Nguyễn Xuân Theo liên tục đổ chuông. Những cuộc gọi từ lãnh đạo huyện Mai Sơn, Sông Mã, Sốp Cộp, Quỳnh Nhai… mong muốn Hợp tác xã Bích Thao hợp tác, hỗ trợ người dân xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình canh tác cà phê bền vững, đào tạo người dân sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường... Ông Thao nói, đó cũng là khát vọng của bản thân, bởi xu thế của cà phê trong thời gian tới không ai có thể đi một mình.

Sau khi xây dựng Nhà máy chế biến cà phê với công suất 20 tấn nhân/ngày, kế hoạch của ông Thao trong năm 2025 - 2026 sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy chế biến với công suất 25.000 tấn/năm. Từ vùng nguyên liệu đến công nghệ, thị trường..., chiến lược phát triển của Bích Thao đã được hoạch định rõ, được đúc rút từ 2 bài học đã theo “quái kiệt cà phê chè” suốt bao năm.

Một hệ sinh thái thưởng thức cà phê gắn liền với nét văn hóa đậm đà bản sắc đồng bào Thái ở Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh. 

“Tôi bỏ nghề cơ khí để khởi nghiệp với nghề cà phê xuất phát từ khẩn cầu của một người nông dân, bao giờ em bán được cà phê sẽ gửi tiền mua máy cho bác. Thành công ở thị trường quốc tế là nhờ đánh giá của một khách hàng người Đức, chúng tôi chọn sản phẩm của anh ngoài chất lượng còn là vì có yếu tố cộng đồng, mang giá trị bản địa”, ông Thao chia sẻ.

Điểm chung của hai bài học ấy là muốn đi xa không thể đi một mình. Câu chuyện của cà phê tới đây sẽ mang nhiều vấn đề về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, một hạt cà phê muốn bán được phải chứng minh nó không lấn đất rừng… Tất cả những bài toán đó sẽ được giải quyết nếu anh biết sẻ chia lợi ích, biết đặt giá trị cộng đồng lên trên hết.

Đó cũng là giá trị của Bích Thao, như thông điệp mà “quái kiệt” Nguyễn Xuân Thao cho in trên mỗi hộp sản phẩm: Một hệ sinh thái thưởng thức cà phê gắn liền với nét văn hóa đậm đà bản sắc đồng bào Thái ở Sơn La.

“So với Cầu Đất (Lâm Đồng) hay Hướng Hóa (Quảng Trị), cây cà phê chè Arabica ở Sơn La có thể không có được điều kiện lý tưởng về độ cao, hay khí hậu, nhưng bù lại hơn hẳn về điều kiện ánh nắng mặt trời. Thành thử ở nhiều cuộc thi, sản phẩm cà phê chè Arabica của Sơn La luôn vượt trội so với nhiều nơi khác. Đặc biệt, với diện tích rộng lớn, thuận lợi tổ chức sản xuất để tạo vùng nguyên liệu lớn và đầu tư chế biến sâu, cà phê Sơn La sẽ dễ tạo thành ngành hàng quy mô phục vụ xuất khẩu”, Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao khẳng định.

Bình luận