Ðắk Nông có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là phát triển nông nghiệp, trong đó có cây hồ tiêu. Hồ tiêu được Ðắk Nông xác định là một trong bốn sản phẩm chủ lực cấp tỉnh. Trong giai đoạn 2004-2022, sản xuất hồ tiêu tại Ðắk Nông có nhiều biến động tăng, giảm cả về diện tích, năng suất và sản lượng, cụ thể: Giai đoạn 2004 đến 2010, diện tích hồ tiêu biến động tăng hằng năm khoảng 300 đến 500 ha/năm; giai đoạn 2011-2015 diện tích hồ tiêu tăng khá nhanh, bình quân hằng năm tăng khoảng 1.000-2.000 ha/năm.
Giai đoạn 2016 đến 2020, do giá hồ tiêu trên thế giới tăng cao, nên diện tích hồ tiêu trên địa bàn tiếp tục tăng nhanh vào các năm 2016, năm 2017, năm 2018; đỉnh điểm diện tích tăng mạnh cao nhất vào năm 2016 với 11.500 ha. Giai đoạn từ sau năm 2018 đến nay, diện tích hồ tiêu Ðắk Nông ổn định ở mức 33.000-34.000 ha.
Tính đến hết năm 2023, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh Ðắk Nông đạt 33.789 ha, sản lượng đạt 70.685 tấn, tăng 28.458 tấn so với 2018. Hiện Ðắk Nông đứng thứ nhất ở khu vực Tây Nguyên và cả nước về diện tích trồng hồ tiêu, sản lượng đứng thứ hai cả nước (sau tỉnh Ðắk Lắk). Diện tích hồ tiêu tập trung nhiều nhất là ở các huyện: Ðắk Song (13.984 ha), Ðắk R’lấp (5.410 ha), Ðắk Mil (4.163 ha).
Ðể phát triển hồ tiêu trở thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu trên thị trường thế giới, Ðắk Nông đã ban hành những định hướng cụ thể về phát triển ngành hàng hồ tiêu thông qua các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể. Trong đó, định hướng phát triển cây hồ tiêu theo hướng phát triển vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Ðắk Nông đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tỉnh sẽ duy trì diện tích trồng hồ tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 34 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng 52 nghìn tấn và năm 2030 diện tích đạt khoảng 33,6 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng 60 nghìn tấn; hình thành và phát triển bốn vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất tập trung với diện tích 3.049 ha tại các vùng trọng điểm sản xuất hồ tiêu của tỉnh. Ðịnh hướng đến năm 2025, tỉnh phát triển được bảy vùng hồ tiêu hữu cơ với diện tích 650 ha, đến năm 2030 phát triển 13 vùng hồ tiêu hữu cơ với diện tích 1.900 ha...
Hiện nay, việc sản xuất hồ tiêu sạch theo hướng bền vững đã và đang được thực hiện hầu hết các địa phương trồng tiêu trọng điểm của Ðắk Nông. Ðến hết năm 2023, tỉnh có 24 cơ sở thực hiện sản xuất hồ tiêu theo các tiêu chuẩn chứng nhận, với diện tích 3.144,3 ha. Tỉnh đã công nhận hai vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận Hà và Thuận Hạnh, huyện Ðắk Song, với diện tích 1.549,4 ha.
Tại hai vùng hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao này, người dân sản xuất, liên kết và được bao tiêu sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ và Rainforest, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Ðắk Song, Chỉ dẫn địa lý hồ tiêu Ðắk Nông và đang từng bước phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, tại huyện Ðắk Song đang triển khai “Dự án thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” trong khuôn khổ chương trình cảnh quan hồ tiêu bền vững tại huyện Ðắk Song do Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH phát triển và hỗ trợ từ nguồn tài trợ của Liên minh châu Âu (EU).
Cùng với việc sản xuất hồ tiêu sạch, hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững, trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông đang dần hình thành các hình thức liên kết mới, giữa người dân và doanh nghiệp từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế và chế biến hồ tiêu, áp dụng các quy trình sản xuất bền vững, sản xuất hữu cơ, sản xuất tiêu sạch…
Ðiều này đã góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế từ việc trồng hồ tiêu. Các hộ liên kết được hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm với giá sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) cao hơn 3.000 đồng/kg, tiêu chuẩn hữu cơ cao hơn 1,5 lần so với sản xuất thông thường. Trong đó: VietGAP đạt diện tích 322,8 ha; hữu cơ là 601,7 ha; các tiêu chuẩn khác như Flo, Rainfores,… là 2.219,8 ha.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðắk Nông Phạm Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, Ðắk Nông sẽ chú trọng nâng cao chất lượng, phát triển liên kết chuỗi giá trị, ưu tiên phát triển sản xuất hồ tiêu theo hướng sinh học, sản xuất hữu cơ. Tỉnh sẽ tập trung phát triển liên kết chuỗi giá trị ngành hàng hồ tiêu gắn với các liên kết trong sản xuất, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu thông qua các vùng sản xuất tập trung; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; phát huy lợi thế chỉ dẫn địa lý sản phẩm hồ tiêu Ðắk Nông để xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm tiến tới tạo lập thương hiệu hồ tiêu Ðắk Nông trên thị trường.
Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Ðắk Nông đã và đang tập trung triển khai các nhóm giải pháp căn cơ như tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn; sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, chất lượng cao. Các ngành chức năng sẽ đa dạng hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Ngành nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã; tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với hộ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất-chế biến-tiêu thụ.
Triển khai hướng dẫn người dân ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ vào sản xuất; thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu sản xuất đến từng hộ, từng lô, thửa đất, giống cây trồng, độ tuổi, làm cơ sở để phát triển các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa. Tỉnh sẽ đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến đầu tư và xây dựng thương hiệu hồ tiêu của tỉnh nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu ngành hàng hồ tiêu Ðắk Nông.