Ông Hoàng Công Trúc, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp điện năng xã Thạch Sơn (Phú Thọ), cho biết HTX hoàn toàn tự tin về vấn đề sổ sách, chứng từ kế toán, tài chính minh bạch nhưng việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ vẫn không hề thuận lợi. Các thủ tục, quy định để HTX được hưởng thụ chính sách hỗ trợ còn rất phức tạp, không chỉ không phù hợp với thực tiễn cũng như quy mô, cấu trúc HTX.
Còn không ít vướng mắc
Đại diện một HTX tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, việc đăng ký tên, ngành nghề tưởng chừng là đơn giản nhưng khi đăng ký ngành nghề, HTX mới thấy vẫn có những ngành nghề không hoặc chưa được quy định trong văn bản pháp luật.
Chính vì vậy, dù đã chuẩn bị tên HTX và ngành nghề để đăng ký từ trước, tuy nhiên khi đến làm việc với cơ quan quản lý tại địa phương, HTX phải thay đổi. Trong khi ngay trong Luật HTX đã có quy định “HTX được kinh doanh, sản xuất trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm”.
HTX có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nên cần có môi trường thuận lợi để phát triển. |
Đặc biệt, nhiều vấn đề trong đăng ký, hay làm thủ tục hồ sơ để tiếp cận chính sách hỗ trợ của các HTX hiện nay vẫn còn rất phức tạp. Thậm chí, mỗi cơ quan quản lý ở từng địa phương lại có sự hướng dẫn một cách khác nhau, gây khó khăn, lúng túng không nhỏ cho các HTX. Điều này còn gây ra sự nghi ngờ, hiểu sai chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong (Hòa Bình) cho biết, có lẽ do chưa tin tưởng vào mô hình HTX nên hiện nay, các ngân hàng chưa cho HTX vay vốn theo hình thức tín chấp mà chỉ cho vay theo hình thức thế chấp tài sản. Sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý tại địa phương cũng thiếu sự thống nhất khiến HTX mất rất nhiều thời gian, càng tạo thêm áp lực cho HTX.
Còn ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội) kể, dù đã hoàn thiện cả tập hồ sơ dày gần một gang tay theo yêu cầu của ngân hàng nhưng khi biết đơn vị hoạt động theo mô hình HTX thì phía ngân hàng đã không có thiện chí hỗ trợ vay vốn.
Tránh những "cái chết… cuối đường hầm"
Có thể thấy, môi trường phát triển, đầu tư kinh doanh của các HTX vẫn gặp rất nhiều điều chưa thuận lợi, thậm chí còn bị lép vế, không công bằng so với các doanh nghiệp. Điều này khiến không ít lãnh đạo, thành viên HTX cảm thấy “tủi thân” trong quá trình sản xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Liên (Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch –AFT), kinh doanh riêng lẻ theo mô hình hộ kinh doanh chỉ có thể “nhẹ lo” lúc đầu. Về lâu dài, xu thế làm ăn theo hộ cá thể, hay thậm chí phát triển những doanh nghiệp bé li ti cũng sẽ khó tồn tại. "Chính vì vậy, làm gì nếu biết cái chết chờ mình ở cuối đường hầm? Câu trả lời là chỉ có liên kết làm ăn theo mô hình kinh tế tập thể, HTX mới hạn chế được khó khăn và đi được đường dài", bà Liên nói.
Vậy nhưng thực tế hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh của các HTX có thể nói là chưa thực sự dễ dàng dù Nhà nước đã có không ít chính sách hỗ trợ. Trước thực tế này, tại Hội thảo tham vấn chuyên gia về đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức ngày 18/7, các chuyên gia cho rằng chính sách đã có nhưng việc triển khai chính sách như thế nào tại các cấp ngành ở địa phương và sự kết hợp giữa các bộ ngành mới là điều quan trọng để các HTX không bị thiệt thòi trong tiếp cận chính sách cũng như đầu tư kinh doanh.
Cụ thể là Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhưng hiện có những HTX được thành lập nhưng vẫn chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi chính quyền địa phương. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng HTX thành lập chỉ để đủ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hoặc HTX thành lập nhưng khó bứt phá để thích ứng với thị trường.
PGS.TS. Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng ban Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, HTX không chỉ có chức năng phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy tính cộng đồng. Chính vì vậy, thúc đẩy môi trường kinh doanh đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là điều hết sức cần thiết.
Hiện, Luật HTX 2023 đã bổ sung các quy định về hệ thống thông tin quốc gia về HTX và quy định đăng ký, tổ chức lại, giải thể theo hướng đơn giản hóa, số hóa như cho phép HTX đăng ký thành lập trực tuyến, sử dụng số định danh cá nhân thay cho các giấy tờ pháp lý cá nhân. HTX tự chịu trách nhiệm thực hiện giải thể và cơ quan quản lý sẽ xóa tên trên hệ thống đăng ký sau 180 ngày tương tự như Luật Doanh nghiệp... Đây là một trong những thuận lợi giúp giảm chi phí cho các tổ chức kinh tế tập thể trong gia nhập và rút khỏi thị trường.
Ông Lưu Ngọc Lương, Trưởng phòng Tổng hợp, Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, Luật HTX 2023 đã thể chế đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết 20-NQ/TW. Các tiêu chí lựa chọn đối tượng hưởng thụ chính sách dựa trên bản chất tốt đẹp của mô hình HTX. Tuy nhiên, để các chính sách này đến được với các HTX, vẫn cần sự vào cuộc của các bên liên quan. Trong khi một vấn đề hiện nay là tại các địa phương chưa có đơn vị chuyên trách về quản lý HTX, cơ quan quản lý HTX mới dừng ở cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, để tạo môi trường thuận lợi cho HTX, các chuyên gia cho rằng cần rà soát, sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan đến HTX nhằm tạo sự thống nhất trong quá trình áp dụng. Ngay như vấn đề đánh giá, xếp loại HTX hiện nay cũng chưa có sự thống nhất giữa hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gây khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể trong quá trình áp dụng.
Huyền Trang