Những luống rau xanh mướt trên mặt nước
Tới thăm mô hình trồng rau thủy sinh theo hữu cơ tại Trang trại hữu cơ Tâm An của anh Nguyễn Văn Đắc (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với 400 luống rau quả gồm bầu, bí, mướp, cà chua, khổ qua, hành, rau xanh các loại… của xanh mướt trên những tấm bè nổi trên mặt hồ.
Những luống rau này được trồng trên những chiếc bè được kết từ vỏ chai nhựa, lục bình và rơm. Chúng lênh đênh trôi trên mặt nước, mặc cho con nước lên xuống mỗi ngày. Thực tế, mô hình này đã được áp dụng rất nhiều tại một số nước châu Á, nhưng đây có lẽ là hình thức canh tác còn khá hiếm tại Việt Nam.
Anh Đắc chia sẻ, đây là công trình hình thành từ việc “cái khó ló cái khôn”. Vốn dĩ, anh Đắc rất yêu thích làm nông nghiệp hữu cơ nhưng ít đất sản xuất nên chưa theo đuổi được đam mê. Nhận thấy khu vực Long An có diện tích mặt nước khá nhiều, cộng với lục bình dày đặc nên anh đã mày mò thiết kế những chiếc bè thả nổi để trồng rau.
Mỗi bè được anh Đắc thiết kế có diện tích 3m2 (1m ngang x 3m chiều dọc), dùng chai nhựa và lưới bao để kết với nhau, cố định bằng khung tre. Mặt bè được phủ phụ phẩm từ lục bình khô, rơm ủ với các loại phân hữu cơ. Để cố định bè, anh Đắc buộc chúng với nhau và cố định với bờ.
“Tôi tận dụng tất cả những thứ có được mà ở nơi đây người ta không dùng tới như chai nhựa, lục bình dồi dào phơi khô, rơm bao la từ những cánh đồng lớn… Tất cả là những nguyên liệu tuần hoàn của nông trại Tâm An. Việc thu gom chai nhựa với số lượng lớn cũng là vấn đề lớn tại vùng sâu vùng xa như xã Mỹ An. Kết những chiếc bè như thế nào để vừa tiết kiệm, lại vừa mang lại hiệu quả cao cũng là điều khiến tôi suy nghĩ nhiều", anh Đắc tâm sự.
Sau nhiều tháng thành công với mô hình trồng rau thủy sinh trên hồ, anh Đắc nghiệm ra rằng phương pháp này trồng dễ dàng hơn nhiều so với việc trồng thổ canh như truyền thống hay thủy canh. Đơn giản bởi hình thức canh tác này gần như thuận thiên, nước sẽ do cây tự hút theo nhu cầu, còn dinh dưỡng được lấy từ phân hữu cơ vi sinh được ủ từ lục bình, rơm... cung cấp dinh dưỡng cho rau.
Ngoài ra, ưu điểm của trồng rau bằng luống trên mặt nước là cách ly được những côn trùng gây hại, đỡ phải xử lý sâu bệnh lên đến 80% so với trồng trên bờ. Với phương pháp này, anh Đắc tuyệt đối không phải sử dụng thuốc trừ sâu nên vừa nhàn, vừa đỡ chi phí, lại đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Sau nhiều lần thất bại, hiện Nông trại hữu cơ Tâm An đã trồng thành công 400 bè rau thủy sinh với diện tích 3.000m2 mặt nước. Năng suất trung bình của nông trại đạt 300 - 400kg rau quả các loại, giá bán từ 40.000 đồng/kg trở lên (tùy loại).
"Thị trường tiêu thụ chủ yếu của chúng tôi là ở địa bàn huyện Thủ Thừa và TP Tân An (tỉnh Long An). Hiện, nông sản của chúng tôi cũng đang cung cấp rau ổn định, lâu dài cho một chuỗi siêu thị tại TP Tân An. Người tiêu dùng khá ủng hộ sản phẩm của chúng tôi, đó là hạnh phúc lớn nhất", anh Đắc chia sẻ.
Ông Lam Cương (ngụ tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) là một trong 12 nhân công ở Nông trại hữu cơ Tâm An chuyên trồng cấy và chăm sóc rau thủy sinh cho biết: "Công việc ở đây ổn định quanh năm, trông vậy mà dễ chăm sóc hơn rau ở trên bờ, ít sâu bệnh. Hàng ngày, chúng tôi chủ yếu làm thêm bè, trồng thêm rau và thu hoạch chứ không phải phun xịt thuốc do rau trồng trên bè rất sạch sâu bệnh”.
Hướng đi mới cho Long An, Tây Ninh
Anh Đắc cho biết đang có kế hoạch phát triển lên 1.000 bè nổi trên diện tích nông trại rộng gần 5ha của mình. Hiện các nhân công đang tập trung kết bè, ủ hoai mục lục bình, rơm rạ để làm phân hữu cơ vi sinh nuôi rau.
Ấp ủ của chủ nông trại Tâm An không chỉ là canh tác rau mà còn biến nơi đây thành khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái, sẽ là chốn bình yên cho những người yêu thiên nhiên và muốn học hỏi về phương pháp trồng rau thủy sinh.
“Ở Tâm An, chúng tôi còn giữ được gần như vẹn nguyên sự hoang dã. Nơi đây, chim về kiếm ăn và trú ngụ cũng rất nhiều. Chúng tôi mong muốn nơi đây sẽ được phục vụ người dân, các đoàn nghiên cứu đến tham quan, nghiên cứu về nông nghiệp hữu cơ và thưởng thức những nông sản thuần tự nhiên”, anh Đắc chia sẻ.
Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An tự hào, mô hình sản xuất thủy sinh của Trang trại hữu cơ Tâm An được coi là điểm sáng của tỉnh Long An, mở ra nhiều hướng đi mới cho ngành nông nghiệp của tỉnh.
“Mô hình này không mới, cũng chưa chứng minh được hiệu quả vượt trội so với những gì chúng ta đã thấy từ các mô hình sản xuất thổ canh truyền thống. Thế nhưng, nó mở ra cho bà con Long An hướng đi mới, dễ làm và rất thành công.
Long An có nguồn lục bình dồi dào, có mặt sông Vàm Cỏ Đông rộng mênh mông, có nhiều ao hồ, nhất là ao hồ sau khi khai thác đất làm nguyên liệu xây dựng đang bị bỏ hoang và cũng có nhiều vỏ chai nhựa đã qua sử dụng chất đống ở các vựa ve chai… Đó là tất cả những gì để mô hình này mở rộng và phát huy hiệu quả”, bà Khanh chia sẻ.
Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn, bà Khanh cũng khuyến cáo, mô hình trồng rau bè thuỷ sinh này mới áp dụng trong ao hồ - nơi có mặt nước tĩnh lặng và độ pH tương đối ổn định. Khi quyết định nuôi trồng ở mặt sông thì cần tính đến việc tác động của dòng chảy, sóng từ phương tiện tàu thủy và độ pH bất ổn…
Ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, Tây Ninh cũng như tỉnh Long An có nguồn nguyên liệu lục bình dồi dào, diện tích mặt sông, kênh rạch vẫn còn bị bỏ không khá nhiều nên cũng khá phù hợp để phát triển trồng rau thủy sinh.
Mỗi năm, ngành chức năng Tây Ninh phải xử lý lượng lớn lục bình trên hệ thống sông, kênh rạch. Nguồn lục bình cũng được coi như một loại rác thải phải xử lý rất tốn chi phí hoặc đốt bỏ gây lãng phí. Chưa kể, lục bình ở những tháng cao điểm gây nhiều khó khăn cho bà con nông dân và giao thông đường thủy.
Chia sẻ câu chuyện trồng rau hữu cơ thủy sinh của anh Đắc với "tư lệnh" ngành nông nghiệp Tây Ninh, ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh này khá bất ngờ và thích thú trước hiệu quả của mô hình này. Ông Xuân cho biết, mô hình này ông được nghe khá nhiều tại một số nơi nhưng ở Long An - địa phương có nhiều nét tương đồng với Tây Ninh thì chưa.