Chăm sóc, bảo vệ thủy sản mùa mưa bão: [Bài 2] Thấp thỏm vào vụ tôm

Bình luận · 64 Lượt xem

Giá tôm giảm sâu cộng tình hình dịch bệnh gia tăng khi mưa, nắng thất thường khiến người nuôi thấp thỏm.

Thấp thỏm nhiều nỗi lo

Dù đang vào vụ thu hoạch xuất bán, nhưng các trại, hợp tác xã nuôi tôm thẻ chân trắng tại Bà Rịa - Vũng Tàu rất lo lắng vì đang thời điểm giao mùa khiến cho tôm dễ phát sinh dịch bệnh, chậm lớn.

Lứa tôm được thả sau Tết Nguyên đán đúng ra sẽ bội thu từ giữa tháng 6 nhưng với nhiều nông dân, vụ thu hoạch tôm năm nay không mấy thuận lợi.

Hơn 10 năm trong nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Phan Đức Đạt (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) chưa khi nào ngao ngán như vụ tôm năm nay. Thời tiết Nam bộ vừa trải qua đợt nắng nóng rồi bất ngờ chuyển sang mưa khiến tôm bị sốc nhiệt chết hoặc phát sinh dịch bệnh, chậm lớn. Năng suất, chất lượng, kích cỡ tôm… từ đó ảnh hưởng theo.

“Tôm đến tuổi bán rồi nhưng kích cỡ không đạt nên phải nuôi thêm 1 - 2 tuần nữa, chi phí chắc đội lên nhiều. Năm nay, giá tôm thấp quá, chỉ còn 140.000 đồng/kg, giảm gần 40.000 đồng so với đầu năm. Với tình hình này, người nuôi lỗ nặng”, ông Đạt chia sẻ.

Nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Đất Đỏ như đang ngồi trên đống lửa. Năm nay, tôm dễ bị dịch bệnh, chậm lớn hơn mọi năm. Nhiều hộ đang tiếp tục vỗ béo tôm mới được xuất bán vì phải đáp ứng kích cỡ. Đa phần đang băn khoăn không biết có nên xuống giống tôm đợt mới hay không trước tình hình dịch bệnh và giá bán như hiện nay. 

Cần bổ sung oxy hợp lý bằng quạt nước là một trong những biện pháp giúp tôm khỏe mạnh trong điều kiện thời tiết bất ổn. Ảnh: Lê Bình.

Cần bổ sung oxy hợp lý bằng quạt nước là một trong những biện pháp giúp tôm khỏe mạnh trong điều kiện thời tiết bất ổn. Ảnh: Lê Bình.

Theo Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, từ nay đến cuối năm, thời tiết tiếp tục thay đổi theo hướng cực đoan với áp thấp nhiệt đới, mưa, bão xảy ra không theo quy luật. Nắng nóng gay gắt xen những cơn mưa khiến môi trường thay đổi đột ngột, tạo điều kiện cho dịch bệnh thủy sản phát triển.

Tôm rất nhạy cảm với thời tiết xấu vào mùa mưa, độ pH và độ mặn trong nước giảm khiến các loại vi khuẩn, nhất là các loại gây bệnh đường ruột, bệnh gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, chân đỏ… phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ tôm chết hàng loạt.

Những ngày này, ông Bùi Thế Vương, Quản lý HTX Chợ Bến (xã An Ngãi, huyện Long Điền) đang tăng cường bổ sung vitamin C, men tiêu hóa đường ruột, vi sinh… vào trong thức ăn để phòng ngừa dịch bệnh và tăng sức đề kháng cho con tôm thẻ chân trắng.

“Chúng tôi đang tăng cường bón vôi để ổn định độ pH và diệt vi khuẩn có trong ao tôm mỗi khi mưa. Các ao nuôi của hợp tác xã đều có màng che, cản trở phần lớn lượng nước mưa xuống ao nuôi, cũng như giảm nhiệt độ khi nắng nóng. Từ đó, tôm đỡ bị sốc nhiệt do thời tiết thay đổi”, ông Vương cho hay.

Với kinh nghiệm của mình, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn nước. Dù sử dụng công nghệ nước tuần hoàn, tái sử dụng khi nuôi tôm nhưng hợp tác xã vẫn "cẩn tắc vô ưu".

Cụ thể, ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc Hợp tác xã thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm định kỳ bằng cách sử dụng kính hiển vi để kiểm soát mật độ khuẩn gây bệnh. Sau đó, hợp tác xã sẽ có giải pháp xử lý kịp thời, ngăn ngừa được bệnh trên con tôm.

Hợp tác xã cũng tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt tạp, giáp xác trong nuôi trồng thủy sản. Chấp hành nghiêm thời hạn ngưng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trước khi thu hoạch theo quy định và hướng dẫn của nhà sản xuất.

“Đó cũng là cách mà trong năm qua chúng tôi chưa bao giờ để xảy ra dịch bệnh. Hợp tác xã cũng chưa bao giờ để tôm rơi vào trường hợp bệnh như là phân trắng hoặc đốm trắng”, ông Chuyên thông tin.

Bổ sung khoáng chất và vitamin vào trong thức ăn để phòng bệnh, tăng sức đề kháng cho tôm. Ảnh: Lê Bình.

Bổ sung khoáng chất và vitamin vào trong thức ăn để phòng bệnh, tăng sức đề kháng cho tôm. Ảnh: Lê Bình.

Phòng bệnh là chính, chữa bệnh là "bất đắc dĩ"

Trong nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là công tác phòng bệnh, còn trị bệnh chỉ là giải pháp tình thế.

Từ trước khi vào mùa mưa, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu đều tiến hành công tác thu mẫu nước quan trắc và cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản để khuyến cáo bà con nông dân các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Nhiệt độ thay đổi cũng khiến cho sức ăn của tôm giảm từ 10 - 15%. Hơn nữa, lượng oxy trong nước giảm sẽ khiến cho tôm dễ mắc bệnh hơn. Chính vì vậy, biện pháp hữu hiệu hiện đang được các hộ nuôi áp dụng là theo dõi thường xuyên và bổ sung oxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm hạn chế thấp nhất.

Chi cục Thủy sản tỉnh cũng khuyến cáo nông dân nên thả nuôi tôm ở mật độ thưa, cải tạo ao nuôi tốt, chủ động các biện pháp phòng và trị bệnh cho tôm nuôi như sử dụng vi sinh định kỳ 10 - 15 ngày/lần, hạn chế thay nước. Khi trời chuyển mưa thì bón vôi theo bờ ao, kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến cáo, bà con tập trung chú ý đến thời tiết khi chuyển mùa hoặc là có những bất thường.

Ví dụ, tôm có dấu hiệu giảm ăn hoặc bỏ ăn phải có giải pháp kịp thời. Trong đó, nên kiểm tra lại một số yếu tố về môi trường để xử lý kịp thời, tránh trường hợp xảy ra cực đoan ồ ạt không phản ứng kịp.

“Bà con chỉ nên bổ sung khoáng chất và vitamin vào trong thức ăn để phòng bệnh, tăng sức đề kháng. Tuyệt đối không được sử dụng kháng sinh để trị bệnh cho tôm. Việc sử dụng thuốc phải được cán bộ chuyên môn hướng dẫn mới có hiệu quả và lợi bất cập hại”, ông Thi khuyến cáo.

Người nuôi cần thăm non thường xuyên môi trường ao nuôi, quan trắc chất lượng nguồn nước để có hướng xử trí kịp thời. Ảnh: Lê Bình.

Người nuôi cần thăm non thường xuyên môi trường ao nuôi, quan trắc chất lượng nguồn nước để có hướng xử trí kịp thời. Ảnh: Lê Bình.

Ngoài ra, đối với nuôi thâm canh, bán thâm canh, người nuôi nên lựa chọn giống tôm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt. Khuyến cáo người dân nên thực hiện ương gièo con giống trước khi thả nuôi thương phẩm, chỉ thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Mật độ hợp lý được khuyến cáo trên tôm thẻ là < 80 con/ m2 và tôm sú là 10 - 15 con/m2.

Người nuôi cũng nên cho ăn với khẩu phần và chế độ hợp lý theo kích cỡ và mật độ tôm nuôi, giảm 15 - 30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng. Định kỳ 10 - 15 ngày/lần bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng để tăng sức đề kháng cho tôm.

“Người nuôi nên duy trì mực nước trong ao nuôi tối thiểu 1,3 - 1,5m, đồng thời chạy quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tăng cường oxy và giảm thiểu thiếu oxy cục bộ.

Ngoài ra, khi tảo phát triển mạnh có thể dùng các biện pháp phù hợp để diệt tảo. Có thể thay nước ao từ 20 - 30% để giảm mật độ và ngăn sự phát triển của tảo trong ao”, ông Thi khuyến nghị.

Người nuôi nên duy trì ổn định pH trong giới hạn cho phép (7,5 - 8,2) bằng vôi bột (CaO). Định kỳ 2 tuần/lần rải vôi xung quanh bờ ao hoặc đào rãnh xung quanh bờ ao. Người nuôi cũng nên chủ động thu hoạch thủy sản nuôi khi đã đạt kích cỡ thương phẩm để tránh thất thoát ngay khi có mưa, bão xảy ra.

Bình luận