Đi tìm những cánh đồng đã mất

Bình luận · 238 Lượt xem

Liệu có cách nào không đánh đổi kinh tế lấy môi trường, Việt Nam vẫn đứng số một, số hai về xuất khẩu gạo mà con trẻ được xuống đồng chơi, bắt cá không?

Anh Nguyễn Đăng Khoa (Công ty Cổ phần Hóa nông AHA) vốn là một kỹ sư xây dựng, sau rẽ ngang sang làm nông và có tiến bộ kỹ thuật được Cục Trồng trọt công nhận. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Đăng Khoa (Công ty Cổ phần Hóa nông AHA) vốn là một kỹ sư xây dựng, sau rẽ ngang sang làm nông và có tiến bộ kỹ thuật được Cục Trồng trọt công nhận. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp của một kỹ sư xây dựng

Bài liên quan

Anh Nguyễn Đăng Khoa (Công ty Cổ phần Hóa nông AHA, thuộc Cẩm Châu Agri Group) trăn trở. Trong cuộc đời có những sự xoay chuyển đến không ngờ. Anh chắc vẫn mãi là một kỹ sư xây dựng lập nghiệp ở TP.HCM hoa lệ nếu bố không mất.

Ngay từ sinh viên năm thứ ba anh đã lập công ty về xây dựng và sự nghiệp cứ thế thẳng tiến cho đến khi gặp biến cố bố mất, hai em đi học xa, phải trở về Tiền Giang tiếp quản cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp và trang trại của gia đình.

Để hiểu về một lĩnh vực mới, anh đi học văn bằng hai về nông nghiệp tại Đại học Cần Thơ. “Trong xây dựng, xây một cái nhà đẹp chỉ làm vui một gia đình nhưng trong nông nghiệp, một phát kiến có thể ảnh hưởng, thay đổi đến cả ngàn người", anh Khoa tâm sự.

Lúc anh bắt đầu với mảng cây ăn trái, tiếp quản khu vườn 25ha chanh không hạt của gia đình thì liên tục gặp vấn đề với nhện đỏ, vẽ bùa, ghẻ. Nhân công xịt thuốc hóa học chịu không nổi phải xin nghỉ. Nghĩ rằng bệnh do tự nhiên thì tự nhiên chắc sẽ có cách khắc chế, anh mày mò thử dùng đến vài chục tổ hợp các loại khoáng chất tự nhiên để trị trong gần 3 năm, cho đến một ngày phun xong không thấy còn con nhện đỏ, vẽ bùa nào nữa.

Biện pháp dùng khoáng để quản lí sâu bệnh chẳng những đã giúp cho trang trại của anh đỡ tốn 700 triệu đồng tiền thuốc BVTV mỗi năm, mà cũng chấm dứt tình trạng công nhân than thở vì phun thuốc hóa học quá mùi và độc hại.

Phun khoáng bằng dây bay ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phun khoáng bằng dây bay ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhược điểm của phương pháp dùng khoáng này là phải phun nhiều lần, mỗi lần cách nhau cỡ 10 - 15 ngày. Lần đầu có thể chưa thấy hiệu quả ngay, vẫn thấy sâu, rầy, nhện sống trơ trơ, bò bình thường, phải lần hai mới thấy kết quả. Từ đó, dù giá chanh có xuống đến mấy nhưng trang trại vẫn có lãi.

Sau đó, anh được ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt gợi ý áp dụng trên cây lúa sẽ có hiệu quả rộng hơn, giúp được nhiều người hơn nên đã chọn Viện Lúa ĐBSCL để làm khảo nghiệm. Lúc này ngoài các loại khoáng anh còn anh nghiên cứu bổ sung thêm vi sinh vào.

“Nhiều người không hề tin có giải pháp bỏ hẳn thuốc sâu, bệnh hóa học từ 10 ngày sau sạ tới khi thu hoạch mà lại cho năng suất tương đương, chi phí giảm, đặc biệt là nó lại tới từ một người chưa nghiên cứu gì về lúa. Có thể xem đó là một may mắn. Mình đã tìm ra được giải pháp thì phải có trách nhiệm phổ biến nó”, anh Khoa kể.

Sau 3 vụ thử nghiệm tại Viện Lúa ĐBSCL thành công, anh Khoa mới tiếp tục thử diện rộng ở các tỉnh. Qua  2 vụ, anh sáng chế ra giải pháp phun khoáng bằng dây bay với suy nghĩ nếu phun bằng máy rải phân bình thường thì sẽ bụi và bay ngang, trong khi phương pháp này cần khoáng phải bay xuống. Cách để chuyển luồng gió đó xuống thì phải có ống.

Anh đã thử nhiều loại ống như ống nước bằng nhựa nhưng nặng quá, không bay nổi nên kéo rất mệt, thử tiếp các loại khác mới ra được cấu trúc phù hợp. Đó là ống nhựa PE phi 70mm, trọng lượng 7 - 8g/m, đục lỗ phi 10mm bên dưới, dài 30 - 50m, nối với máy thổi gió rải phân tạo phản lực nâng dây khi phun. Khi phun ống 20 - 30m sử dụng một máy thổi, tốc độ di chuyển 1m/s, đạt năng suất gần 8 phút/ha. Khi phun ống 40 - 50m thì sử dụng 2 máy thổi ở 2 đầu (tốc độ di chuyển 1m/s, đạt năng suất gần 4 phút/ha). Nếu dùng 1 máy thì ông chồng 60 tuổi cùng vợ ra phun chỉ 10 phút là được 1ha...

Clip: Drone phun khoáng trên đồng.

Suốt 5 năm trời với gần 1.000ha lúa được áp dụng, giải pháp mới này đã được Bộ NN-PTNT công nhận là một tiến bộ kỹ thuật. “Mình mới đi được quãng đường 1/10, còn 9/10 là phổ biến nó ra, khó khăn vô cùng. Thực tế bây giờ khuyến cáo nông dân không dùng thuốc BVTV nó hơi xa vời bởi lẽ họ sợ mất năng suất không ai đền. Năng suất phụ thuộc vào nhiều tố như mật độ sạ, lượng phân bón, rồi cách chăm sóc, không thể kiểm soát được mà dám bảo đảm. Bởi thế mình vẫn không cấm dùng thuốc BVTV nhưng khuyến khích khi xài chừa ra 1 ô nhỏ đừng phun để đối chứng và không dùng 13 hoạt chất mà châu Âu cấm. Giá bán lúa được doanh nghiệp bao tiêu cao hơn 200 - 500đ/kg so với lúa sản xuất thông thường...”, anh Khoa kể.

Cánh đồng xưa và nay

Anh Khoa hồi ức, bản thân mình không lớn lên ở cạnh cánh đồng mà biết cánh đồng qua lời kể của ông bà. Những cánh đồng không có mùi thuốc sâu. Những cánh đồng không phải lo lắng khi lội xuống. Những cánh đồng mà người ta có thể ngửi thấy mùi thơm tinh khiết của lúa đang ngậm sữa, thấy cá lội tung tăng bên dưới. Những cánh đồng đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt.

Hậu quả của việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học, phân hóa học làm mất môi trường sinh thái có thể chưa thấy rõ ràng nhưng cái mất trước chính là giá trị tinh thần, sự gắn kết của con người với cánh đồng. Người ta ghê sợ các cánh đồng bởi sợ hóa chất, sợ mùi khó chịu của nó gây hại. Người ta không dám cho con xuống ruộng trong khi ông bà xa xưa như là sống trên đồng ruộng.

“Mình có đứa con 10 tuổi thích đi chơi ngoài ruộng nhưng lần nào mẹ nó biết cũng cấm, không cho xuống. Rồi thế hệ con của nó sẽ thế nào nữa đây? Không có giải pháp là chết. Cái chết đến không sớm thì muộn”, anh Khoa gay gắt.

Hình ảnh thường thấy, phun thuốc trừ sâu khi đến vụ. Ảnh: NNVN. 

Hình ảnh thường thấy, phun thuốc trừ sâu khi đến vụ. Ảnh: NNVN. 

Về việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật nói chung, anh phân tích, đầu tiên phải là công ty thu mua lúa đặt ra yêu cầu, thứ hai là đại lý vật tư nông nghiệp trong vùng cho mua nợ vật tư, thứ ba là nhân công chuyên thực hiện việc phun xịt, chăm bón chịu làm. Mỗi xóm ấp có chục người như vậy làm từ sạ, dặm, phun xịt đến rải phân bởi 80 - 90% nông dân Nam Bộ hiện nay không làm những việc đó. Quyền quyết định thứ tư, cuối cùng mới là nông dân.

Một tiến bộ kỹ thuật phải qua hết 3 lớp người kia mới tới được nông dân. Khó nhất là đội nhân công chuyên làm dịch vụ phun xịt. Họ không quan tâm đến sức khỏe, môi trường hay chất lượng của nông sản mà là tiền công trên mỗi ha mình làm dịch vụ. Họ bớt vật tư của nông dân, họ chọn cách dễ làm và quen thuộc.

Khi drone (thiết bị bay không người lái) xuất hiện, các công ty bao tiêu bắt đầu mạnh dạn đầu tư vật tư kèm dịch vụ thì các cửa hàng vật tư nông nghiệp, đội nhân công phun xịt dần bị đẩy ra khỏi chuỗi, hình thành nên phương thức áp dụng các kỹ thuật mới nhanh chóng. Chuỗi giá trị của sản xuất lúa gạo lúc đó sẽ chỉ còn gồm công ty đầu tư - bao tiêu, HTX mạnh và nông dân. Tất nhiên, đầu ra của sản phẩm doanh nghiệp phải trả cao hơn giá thị trường vì còn phải cạnh tranh với thương lái. Trả bằng là nông dân bán cho thương lái rồi có thể không trả tiền doanh nghiệp đã đầu tư vật tư.

Phun khoáng bằng dây bay. 

Phun khoáng bằng dây bay. 

Ở huyện Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) vụ đông xuân 2022 - 2023 dự kiến áp dụng 300ha lúa theo giải pháp của anh Khoa nhưng thực tế mới chỉ thực hiện được gần 100ha do thiếu công phun, vì đội làm dịch vụ không thích. Ví dụ, trung bình 1 vụ phun 8 - 10 lần thuốc BVTV hóa học, mỗi lần 10 - 12 bình 20 lít/ha, mỗi bình được trả 20 - 30.000đ là họ được 1,5 - 3 triệu đồng/ha. Đằng này, giải pháp bằng khoáng chỉ phun 6 lần, mỗi lần 2 bình, trả cao cũng chỉ 600.000đ/ha, cộng thêm 1 lần phun thuốc ốc, 1 lần phun thuốc cỏ nên họ chê.

Anh Khoa tâm sự, 30 năm chúng ta làm lúa cao sản đã hình thành một lối mòn nguy hiểm trong tư duy rằng phải đánh đổi môi trường lấy lợi nhuận, phải lệ thuộc vào hóa chất thì mới có năng suất. Không ai tin sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ rẻ hơn hướng hóa học nên không chịu tìm tòi giải pháp.

Anh phân tích: "Giải pháp mới còn chưa được trọn vẹn nhưng mình có một niềm tin rằng, nay không làm được thì tháng sau, năm sau, thậm chí 10 năm sau sẽ làm được. Đời mình không làm được thì đời con cháu mình sẽ làm được. Phải làm để các thế hệ sau tồn tại trong an toàn. Không có sự lựa chọn nào khác. Nếu cứ thấy thuốc trừ ốc, thuốc trừ cỏ hóa học dễ làm, giá rẻ mà không có giải pháp thay thế là không được.

Cận cảnh phun khoáng bằng dây bay. 

Cận cảnh phun khoáng bằng dây bay. 

Nhà nước hiện đã có những chính sách về bảo vệ môi trường trong sản xuất lúa nhưng chưa đủ. Điều quan trọng nhất là tư duy hóa học tạo ra năng suất, tiết kiệm đã ăn sâu vào đầu không chỉ nông dân mà cả nhiều cán bộ nông nghiệp, nhà quản lý.

Trong giấc mơ của mình, mọi người làm lúa 3 vụ theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn quốc tế mà vẫn đủ năng suất, chi phí thấp, kèm theo phục hồi hệ sinh thái dưới ruộng với cá, tôm, cua và giảm phát thải đến âm. Trồng lúa khi đó là bảo vệ môi trường. Tất cả những cái đó có thể thực hiện được nhờ khoa học công nghệ chứ không phải là ước mơ viển vông nữa.

Thực tế, giải pháp phun khoáng cùng vi sinh của mình đã giảm chi phí sản xuất lúa từ 15 triệu đồng/ha/vụ xuống còn 10 - 11 triệu đồng gồm cả giống, phân và BVTV trừ cỏ, ốc; giảm chi phí thuê nhân công từ 11 triệu đồng/ha/vụ xuống còn 8 triệu đồng; giảm phát thải khí nhà kính xuống âm nhờ cố định được carbon ngay trong đất”.

Bình luận