Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2023 đạt 3,18%

Bình luận · 360 Lượt xem

Chiều 5/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

 

Chiều 5/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

 

Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

 

Năm 2023, ngành nông nghiệp xây dựng chương trình công tác, kịch bản tăng trưởng, kế hoạch cụ thể với chủ đề “Đoàn kết - Sáng tạo – Sâu sát - Thân thiện”. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của ngành, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành và địa phương, sự chung sức, vượt khó của các thành phần kinh tế và Nhân dân, sản xuất nông nghiệp đã đạt được kết quả tốt.

 

 

Theo đó, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản đạt 9.098 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng đạt 3,18%; giá trị sản phẩm/1 ha canh tác đạt 95 triệu đồng (tăng 5 triệu đồng so với 2022); tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,5% (tăng 0,8% so với năm 2022); 18/20 chỉ tiêu của ngành đạt và vượt tiến độ được giao.

 

Toàn tỉnh hiện có 296 hợp tác xã, 336 tổ hợp tác nông nghiệp, 146 trang trại; có 36 mô hình liên kết, 16 doanh nghiệp tham gia liên kết, trong đó có 13 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực (quế, chè, dược liệu, chuối, dứa…); 197 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

 

Đến nay, toàn tỉnh có 2/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 62/127 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, trong đó có 5 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”, 177 thôn kiểu mẫu, 237 thôn nông thôn mới.

 

Các ngành hàng chủ lực theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có sự phát triển rõ nét, bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Các cây trồng chủ lực được đầu tư theo chiều sâu, sản xuất theo các quy trình an toàn, hữu cơ, xây dựng thương hiệu, xây dựng mã số vùng trồng và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

 

Với chủ đề hành động năm 2024 của tỉnh “Đoàn kết - Kỷ cương - Hành động - Hiệu quả - Phát triển”, ngành nông nghiệp phấn đấu giá trị sản xuất đạt 9.520 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng đạt 4,65%; phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức 24 chỉ tiêu, kế hoạch đã được giao.

 

Theo đó, ngành tiếp tục duy trì ổn định sản xuất đảm bảo an ninh lương thực, phát triển theo quy hoạch vùng sản xuất, vùng sinh thái theo Nghị quyết 10; tổ chức trồng mới 1.700 ha, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng năm 2024 đạt 59,2%; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản; phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên đầu tư hiện đại hóa các nhà máy chế biến nông - lâm - thủy sản...

 

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thảo luận làm rõ thêm những khó khăn, hạn chế của ngành nông nghiệp năm 2023, đồng thời đề xuất các giải pháp, thống nhất mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

 

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương nỗ lực của ngành nông nghiệp trong năm 2023. Đồng chí đề nghị ngành nông nghiệp cần có các giải pháp khắc phục những hạn chế để phát triển nông nghiệp hiệu quả, nâng cao đời sống người dân.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng tốc, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch của Đề án số 01 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường, sản xuất hàng hóa. Tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn.

 

Cần khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh; phát huy trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước lĩnh vực nông nghiệp; triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phải gắn với việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án của tỉnh và gắn với quy hoạch vùng sản xuất…

 

Bình luận