Xử lý rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường cho cây vụ đông

Bình luận · 272 Lượt xem

Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị tập trung xử lý các rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường cho cây vụ đông, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói...

 

Nghệ An kỳ vọng lớn vụ đông 2022, tự tin hoàn thành cả 3 mục tiêu

Phấn đấu giá trị sản xuất cây vụ đông 2023 đạt trên 40.000 tỷ đồng

Sản xuất vụ đông năm 2023: Không làm theo phong trào

Ngày 8/9 tại Bắc Giang, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất vụ đông năm 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2023 các tỉnh thành phía Bắc.

 

Đón thời cơ thị trường, tăng tối đa diện tích

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), diện tích cây vụ đông năm 2022 đạt 373.000ha (tăng khoảng 9.000ha so với vụ đông 2021); tổng sản lượng đạt hơn 4,7 triệu tấn (tăng hơn 2.000 tấn); giá trị sản xuất đạt 99 triệu đồng/ha (tăng 3,4 triệu đồng/ha); tổng giá trị sản xuất đạt hơn 36.000 tỷ đồng.

 

Sản phẩm có giá bán cao hơn so với vụ đông 2021 là ngô hạt, ngô sinh khối, đặc biệt là lạc (có sự tăng đột biến). Nhóm rau các loại tăng nhẹ và vẫn duy trì được giá bán cao ngay từ đầu vụ đến cuối vụ. Từ đó, góp phần gia tăng thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích gieo trồng.

 

Một trong những nguyên nhân chính giúp giá trị cây vụ đông 2022 cao hơn so với vụ đông 2021 là do có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng chịu áp lực về thời vụ, giá trị kinh tế không cao như đậu tương, khoai lang sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn và ít chịu áp lực về thời vụ như nhóm hoa cây cảnh, rau ăn củ, rau ăn quả, rau chất lượng cao, ngô thực phẩm phục vụ ăn tươi, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi...

 

Cũng theo Cục Trồng trọt, trên cơ sở những kết quả đạt được ở vụ đông 2022, trong vụ đông 2023, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu ổn định diện tích cây vụ đông khoảng 380.000ha, sản lượng khoảng 5 triệu tấn. Trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho nông dân. Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt trên 40.000 tỷ đồng. Trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 110 triệu đồng/ha.

 

Về cơ cấu giống, nhóm cây ưa ấm (ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, rau ưa ấm) chiếm tỷ lệ khoảng 50% tổng diện tích. Nhóm cây ưa lạnh (khoai tây, rau đậu ưa lạnh) khoảng 50% tổng diện tích.

 

Đặc biệt, các địa phương cần bám sát diễn biến, đón thời cơ thị trường để tăng tối đa diện tích, nhất là các tỉnh, thành có nhiều tiềm năng lợi thế như Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa... Ưu tiên mở rộng diện tích nhóm cây có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, khoai tây chế biến, cây dược liệu, các loại nấm ăn, nấm dược liệu... 

 

 

Về thời vụ, với nhóm cây ưa ấm, thời vụ gieo trồng cần kết thúc trước 10/10. Nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 15/10, riêng với cây khoai tây tập trung trồng từ 25/10 - 15/11. Đồng thời, trồng rải vụ đối với nhóm rau để đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa, giá thấp hoặc thiếu rau đẩy giá lên cao.

 

Đối với cây hoa, bố trí diện tích trồng ở các tỉnh ĐBSH và các vùng tiểu khí hậu ôn đới thuận lợi cho trồng hoa. Bên cạnh nhóm hoa truyền thống (hoa cúc, đồng tiền, hoa lan...), cần mở rộng nhóm hoa chất lượng cao (hoa lily, loa kèn, cẩm chướng…) để đa dạng hoá sản phẩm, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

 

Tạo quỹ đất thuận lợi để gieo trồng cây vụ đông

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, vụ đông ở các tỉnh phía Bắc hiện nay là vụ sản xuất chính. Với định hướng này, các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ, địa phương cần tiếp tục hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất vụ đông 2023 một cách bài bản, hiệu quả hơn.

 

Cụ thể, các địa phương tham khảo danh sách 18 loại cây trồng vụ đông mà Cục Trồng trọt xây dựng cũng như khung thời vụ để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với đặc thù địa phương mình.

 

Thứ trưởng Hoàng Trung trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho 3 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt năm 2021-2022.

 

Bên cạnh đó, vụ đông 2023 dự báo cũng sẽ có những khó khăn do sự thay đổi bất thường của khí hậu, thị trường... Do đó, để đảm bảo sản xuất vụ đông 2023 thắng lợi, Sở NN-PTNT các tỉnh phía Bắc trên cơ sở chính sách chung, căn cứ điều kiện thực tế để chủ động đề xuất, tham mưu cho UBND, HĐND các tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ HTX, hộ sản xuất, doanh nghiệp hợp tác đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó kích cầu tiêu dùng, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ rau màu vụ đông.

 

Đặc biệt, hướng dẫn nông dân tranh thủ tối đa thời tiết thuận lợi thu hoạch nhanh, gọn lúa hè thu, lúa vụ mùa sớm theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, giải phóng đất, tạo thuận lợi cho việc gieo trồng cây vụ đông.

 

Với nhóm cây ưa ấm, cần lựa chọn cơ cấu giống phù hợp, gieo trồng càng sớm càng tốt. Đối với nhóm cây ưa lạnh, cần bố trí thời vụ gieo trồng phù hợp để khai thác tối đa điều kiện đất đai, công lao động nhằm hạn chế thu hoạch số lượng lớn sản phẩm trong một thời điểm gây dư thừa, rớt giá, đồng thời tránh ảnh hưởng đến kế hoạch lấy nước đổ ải vụ đông xuân 2023 - 2024.

 

Cục Trồng trọt khuyến cáo nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 15/10, riêng với cây khoai tây tập trung trồng từ 25/10 - 15/11. 

Đồng thời, bám sát khung thời vụ, diễn biến thời tiết để điều chỉnh cơ cấu giống cây trồng hợp lý. Xây dựng, phổ biến và nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật mới, mô hình canh tác tiết kiệm, giảm vật tư đầu vào như: Giống mới; làm đất tối thiểu; làm ngô bầu; rẽ lúa đặt bầu trồng bí, dưa; che phủ nilon trong trồng bí, dưa, lạc… để tận dụng thời gian, giảm công lao động và tăng hiệu quả kinh tế. Chủ động chỉ đạo quản lý phòng trừ sâu bệnh hại, đặc biệt là sâu keo mùa thu trên cây ngô.

 

Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo triển khai tốt nhất kế hoạch sản xuất vụ đông 2023.

 

Thứ trưởng Hoàng Trung cũng giao Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương, đặc biệt với các tỉnh trọng điểm rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông phù hợp, hiệu quả.

 

Chỉ đạo các địa phương thu hoạch lúa hè thu, lúa mùa sớm để kịp thời tạo quỹ đất cho cây vụ đông. Bên cạnh đó, hướng dẫn và kiểm tra thời vụ gieo trồng, đôn đốc việc tổ chức kiểm tra chất lượng giống, vật tư sản xuất, ngăn chặn kịp thời hiện tượng kinh doanh giống, các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng.

 

Giao Cục BVTV chỉ đạo chi cục trồng trọt và BVTV các tỉnh tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi, phát hiện những đối tượng sâu, bệnh hại mới để có biện pháp xử lý kịp thời.

 

 

Bình luận