Năm 2023, ngành Nông nghiệp thể hiện vai trò 'trụ đỡ' nền kinh tế

Bình luận · 165 Lượt xem

Năm 2023 được đánh giá là năm thực hiện đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Nhờ đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò 'trụ đỡ' của nền kinh tế, góp phần kìm chế lạm phát, tạo vi?

 

Cụ thể, tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là "trụ đỡ" của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD.

 

Thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Năm 2023, Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Năm 2023, Việt Nam thành công thu gần 1.250 tỷ đồng trong lần đầu tiên bán tín chỉ carbon rừng.

 

Năm 2024, ngành Nông nghiệp sẽ đặt mục tiêu cao hơn năm 2023

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng, với truyền thống đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao ở trung ương cũng như ở địa phương, với kinh nghiệm và thành quả của năm 2023, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và người dân, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển hơn, nhanh hơn, bền vững hơn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, kết quả của ngành Nông nghiệp trong năm 2023 ghi nhận sự nỗ lực đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; là sự lãnh đạo, điều hành sát sao xuyên suốt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng hành của các bộ, ngành và địa phương đã chung tay kết nối, quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản trong và ngoài nước cũng như tinh thần vượt khó của các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã và bà con nông dân.

 

Tại hội nghị tổng kết ngành NN&PTNT mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận đóng góp của ngành Nông nghiệp đối với nền kinh tế.

 

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023, ngành Nông nghiệp đã chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là đẩy mạnh đổi mới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đây là những tư tuởng mới hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao trình độ, năng lực hiểu biết, cũng như kỹ năng của nông dân.

 

Trên tinh thần đó, ngành Nông nghiệp đã có tốc độ tăng trưởng 3,83%, cao nhất trong thời gian vừa qua. Theo Thủ tướng, đây là mức đóng góp cao, giải quyết được vấn đề việc làm ở nông thôn, giải quyết lạm phát, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

 

Năm 2024, phát triển nông nghiệp bền vững, minh bạch

 

Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2024 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; mưa lũ diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước nặng nề do tác động của El Nino…; đặc biệt là tác động từ xung đột, bất ổn của thế giới. Mặc dù vậy, ngành NN&PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD…

 

Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; nhất là "Nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm", thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản;...

 

Ngành Nông nghiệp sẽ chú trọng kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng ngành; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất. Cùng với đó, phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu...

 

Đối với mục tiêu và giải pháp của ngành Nông nghiệp, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu cao hơn trong năm 2024; phát huy thế mạnh, đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành cao hơn (khoảng 3,5 - 4%), xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 55 tỷ USD trở lên…

 

Thủ tướng cũng yêu cầu trong năm nay, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, coi đây là động lực mới, đòi hỏi khách quan, lựa chọn đúng đắn, ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO BÙI THANH SƠN:

 

Nhiều nước mong muốn ký hiệp định khung về lương thực với Việt Nam

 

Năm 2023, vai trò trụ đỡ ngành Nông nghiệp với nền kinh tế cũng là thế mạnh đóng góp vào đối ngoại tiếp tục được khẳng định. Trong các cuộc công cán của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, các nước trên thế giới đều bày tỏ sự tin cậy, ngưỡng mộ với những gì Việt Nam làm được trong nông nghiệp.

 

Nhiều nước gặp khó khăn về an ninh lương thực, có cả các nước trong khu vực đã đề nghị Thủ tướng ký hiệp định khung về xuất khẩu lương thực.

 

Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần củng cố các thị trường trọng tâm như Mỹ, ASEAN, các thị trường mới nổi như Mỹ Latin, Trung Đông, châu Phi. Bộ Ngoại giao sẽ đồng hành cùng ngành Nông nghiệp trong các vấn đề thủ tục, chính sách, kết nối. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT trong việc xâm nhập thị trường Halal (thực phẩm dành cho người Hồi giáo).

 

PHÓ THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC ĐÀO MINH TÚ:

 

Sớm ký hợp tác toàn diện giữa ngành Ngân hàng và Nông nghiệp

 

Sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong năm 2023 rất đáng ghi nhận, thể hiện ở nhiều mặt như bộ mặt khang trang của nông thôn; sản phẩm OCOP xuất hiện ở nhiều kênh phân phối; tình trạng “được mùa mất giá” không còn… Đặc biệt, an ninh lương thực luôn được giữ vững.

 

Thời gian qua, ngành Ngân hàng và Nông nghiệp luôn phối hợp chặt chẽ. Một trong những chương trình phối hợp lớn giữa ngân hàng và nông nghiệp trong năm 2023 là gói vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn, chương trình đến nay đã giải ngân được hơn 9.000 tỷ đồng.

 

Với những kết quả đó, đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan quan tâm, chỉ đạo ký hợp tác toàn diện giữa hai ngành (ngân hàng - nông nghiệp) trong thời gian sớm nhất.

 

Khánh Linh

Bình luận