Thủ tướng: Khơi thông chuyển đổi số, tạo động lực cho nông nghiệp sinh thái

Bình luận · 196 Lượt xem

Nhấn mạnh 16 chữ 'Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững', Thủ tướng tin tưởng ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đột phá trong năm 2024.

Chiều 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ NN-PTNT tổ chức.

 

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính - trụ sở Bộ NN-PTNT, tại Hà Nội - đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, các hiệp hội, ngành hàng.

 

Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị thống nhất đánh giá, năm 2023, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng

 

Đồng thời, tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự giúp đỡ, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và nỗ lực vượt khó đương đầu với thử thách, hành động quyết liệt, sáng tạo, bứt phá vươn lên trên tất cả các lĩnh vực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và bà con nông dân trong thực hiện cơ cấu lại và xây dựng nông thôn mới của Bộ và toàn ngành.

 

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

 

Trong bối cảnh nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, ngành nông nghiệp và phát triển nông thông tiếp tục xác định cần phát huy hơn nữa vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; tiếp tục triển khai hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp.

 

Mục tiêu nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 - 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 - 55 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 82%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%.

 

Ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng thành công toàn ngành nông nghiệp trong năm 2023.

 

“Trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Ngành nông nghiệp Việt Nam, từ bị động, lúng túng đã chuyển trạng thái sang chủ động, tự tin, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế. Về sản xuất, chế biến, người dân và doanh nghiệp cũng chuyển trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang đột phá trong nông nghiệp”, ông nói.

 

Đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu là ngành hàng rau quả, với con số kỷ lục 5,6 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với kỷ lục được thiết lập trước đó vào năm 2018 là 3,81 tỷ USD. Bên cạnh đó, sầu riêng vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1, với kim ngạch hơn 2 tỷ USD trong năm 2023.

 

Thủ tướng nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, theo đánh giá của các ngân hàng phát triển đa phương. Trong đó, thương mại nông, lâm, thủy sản góp phần ổn định đời sống người dân.

 

Thủ tướng phân tích: “Năm qua, Việt Nam xuất siêu 28 tỷ USD, một phần do chúng ta giảm nhập khẩu nguyên liệu chế biến. Các doanh nghiệp, nông dân có xu hướng sử dụng nguyên liệu đầu vào nội địa, góp phần bình ổn thị trường”.

 

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam ghi nhận đóng góp của ngành nông nghiệp đối với kinh tế Việt Nam.

 

“Chúng ta có nhiều chủ trương đúng đắn trong bối cảnh an ninh lương thực đứng trước nhiều rủi ro. Với những sáng kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Việt Nam dần trở thành đất nước có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Vòng đời cây lúa ngày càng ngắn lại, 1 năm có thể sản xuất 3 vụ – đây là thành tựu của khoa học công nghệ về chọn tạo, nghiên cứu giống”, Thủ tướng bàn về vai trò đảm bảo an ninh lương thực của ngành.

 

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực đã trở thành nhà xuất khẩu gạo nằm trong tốp 3 thế giới. Nhờ các giống mới, chất lượng, các tiến bộ kỹ thuật, sản lượng lúa năm qua đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022 dù diện tích giảm khoảng 9.000ha.

 

Năm 2023, quy mô kinh tế nước ta đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, thu nhập GDP khoảng 4.300 USD/người. “Trong thành tích chung của cả nước, nông nghiệp được mùa, được giá. Tôi ghi nhận, đánh giá cao đóng góp của toàn ngành; đời sống bà con được nâng lên rõ rệt, đồng bào càng thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”, Thủ tướng nói.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sản xuất lương thực thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát bởi dịch vụ ăn uống chiếm 33,56% trong “rổ” hàng hóa dịch vụ tính CPI. Các kết quả góp phần khắc phục giải quyết, đạt mục tiêu, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm, nông dân thực sự là chủ thể, trung tâm của xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.

 

Năm của hội nhập, xúc tiến, quảng bá, mở rộng thị trường

Bên cạnh khái quát một số kết quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số điểm quan trọng khác. Thứ nhất, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và xây dựng thể chế, Bộ NN-PTNT đã cùng các Bộ, ngành, các địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ một cách linh hoạt, sáng tạo, tập trung xây dựng, trình nhiều chương trình, đề án.

 

Trong đó, có Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; Dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp…

 

Bộ NN-PTNT cũng phối hợp tổ chức nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế như Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam, Festival Tôm, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo.

 

Đồng thời, cùng các Bộ, ngành xây dựng một số luật được thông qua như Luật Bất động sản, Luật Nhà ở và tích cực hoàn thiện luật liên quan đến nông nghiệp như Luật Đất đai, Luật Tổ chức tín dụng. Bộ NN-PTNT cũng đã chủ động đề xuất lãnh đạo Chính phủ làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.

 

Trên cơ sở đề xuất của Bộ NN-PTNT, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng nhà nước có gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ, đến nay đã giải ngân được hơn 70%. Từ đó, Thủ tướng khẳng định Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ về tín dụng cho ngành nông nghiệp.

 

Thứ hai, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng nông dân trí thức. Đây là những tư tuởng mới hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao trình độ, năng lực hiểu biết, cũng như kỹ năng của nông dân.

 

Trên tinh thần như vậy, ngành nông nghiệp đã có tốc độ tăng trưởng GDP ngành 3,83%, cao nhất trong thời gian vừa qua. Theo Thủ tướng, đây là mức đóng góp cao, giải quyết được vấn đề việc làm ở nông thôn, giải quyết lạm phát, khẳng định vai trò trụ đỡ.

 

Thứ ba, là phát triển, mở cửa thị trường, phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị, chuyển đổi số, các địa phương triển khai thương mại điện tử tốt.

 

Bộ NN-PTNT cũng phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức nhiều hội nghị với cơ quan đại diện, thương vụ ở nước ngoài, triển khai thương mại biên giới, đặc biệt với Trung Quốc; Xây dựng đề án xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU...

 

Bên cạnh đó thích ứng linh hoạt, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tăng cường giao dịch thông qua sàn thương mại điện tử, hỗ trợ địa phương tiêu thụ nông sản; Làm việc với doanh nghiệp, thị trường bên ngoài để đa đạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng để tiếp cận thị trường tốt hơn.

 

Xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái thành công

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định 2023 là năm mà ngành nông nghiệp “được mùa, được giá”, và đạt được sự ghi nhận của quốc tế về thương hiệu.

 

“Tôi lấy ví dụ như gạo của chúng ta được thế giới ghi nhận. Đây là điều tự hào, thể hiện đổi mới sáng tạo, thể hiện thương hiệu quốc gia. Văn minh lúa nước của Việt Nam là một nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc”, Thủ tướng nói.

 

Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận những thành tựu của ngành nông nghiệp, song cũng đề nghị Bộ NN-PTNT cùng các địa phương, doanh nghiệp, nông dân “tuyệt đối không chủ quan”. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng dù còn nhiều khó khăn trước mắt, gồm cả những khó khăn không dự đoán được, ngành nông nghiệp cũng cần luôn chủ động, ứng phó những tình huống không thể báo trước.

 

“Nền kinh tế của chúng ta còn khiêm tốn, đất nước đang phát triển, sức chống chịu có hạn, tất cả những yếu tố này đều tác động đến ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn tin tưởng ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục gặt hái thành công với tinh thần ‘vượt cơn gió ngược’, như trong năm 2023”.

 

Dẫn chứng về những điều khó dự đoán, sự biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho biết trong những năm qua, ông theo dõi thấy miền Trung mưa lũ vào tháng 10, tháng 11. “Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nước nay. Mấy năm nay lụt bão nhiều từ Thanh Hóa đổ vào miền Trung. Do đó, chúng ta càng cần bình tĩnh, sáng suốt vượt gió ngược như năm 2023”.

 

Liên quan đến Nghị định 67 về hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền đánh cá, Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với các địa phương khắc phục vấn đề về vốn.

 

Quyết tâm cao hơn để gỡ thẻ vàng IUU

Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có kế hoạch đi các tỉnh để triển khai gỡ thẻ vàng IUU. “Phải tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật vì lợi ích của chính người dân, của đất nước”, Thủ tướng nói.

 

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các địa phương mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt, quyết đoán hơn. Giải quyết tồn đọng của ngành nông nghiệp. Thủ tướng lấy ví dụ dự án hồ Bản Mồng - công trình đại thủy nông lớn nhất Nghệ An đã được tháo gỡ khó khăn về vốn, sau chuyến công tác của ông và Bộ trưởng Lê Minh Hoan hồi năm ngoái.

 

Trên cơ sở những thành công của năm 2023, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp phải có tư duy luôn đổi mới, tầm nhìn phải có chiến lược. “Không bị động, không lúng túng. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Phải phát huy tinh thần này, mà thực tế chúng ta đã làm được trong năm 2023”, Thủ tướng cho biết.

 

Trong bối cảnh thế giới còn nhiều phức tạp, sự đứt gãy xảy ra ở một số thị trường. Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp chủ động chuyển hướng thị trường, đơn cử như thị trường Trung Quốc. Tựu trung, Thủ tướng cho rằng nguyên nhân quan trọng của thành công năm 2023 là sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

 

Một số bài học khác được Thủ tướng đề cập là sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ NN-PTNT và các bộ ngành liên quan. “Chúng ta cần phải chủ động sản xuất cái gì người ta cần, chứ không phải cái gì mình có. Phải phối hợp các bộ ngành để tìm hiểu thị trường. Tinh thần là chủ động phối hợp chặt chẽ hiệu quả. Phải có sự kết nối, chung tay giữa các bộ ngành, trung ương và địa phương, người dân và doanh nghiệp, giữa nhà khoa học”.

 

Để có sự ủng hộ của nông dân, sự đồng hành của doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng cần phải có chủ trương “đúng và trúng”. Sự phát triển của nông nghiệp là góp phần vào ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. “Tôi rất mừng khi thấy chúng ta không có ai thiếu ăn. Dự trữ gạo hiện là 200.000 tấn. Giáp Tết rồi mà chưa thấy địa phương nào đề xuất cứu trợ. Đây là điều đáng mừng. Tôi kiểm tra kho gạo liên tục, gạo thiếu là phải mua ngay. Lúc Covid, chúng ta xuất 165.000 tấn gạo, một số ý kiến hoang mang, nhưng một tháng sau chúng ta mua lại để bù vào kho”.

 

Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp cùng các địa phương chú trọng, chủ động phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực cho cấp dưới, tăng cường giám sát kiểm tra. “10ha lúa, 20ha rừng cứ đưa lên Thủ tướng, Thủ tướng làm sao biết hết được. Làm thế là thêm một cấp hành chính”, Thủ tướng nói.

 

Ông lấy ví dự thời làm ở địa phương, xin xây dựng sân golf rất khó. Khi đó, ông đã đề xuất với lãnh đạo Chính phủ là để địa phương quyết. “Sân golf không có gì xấu, nếu đó là nơi đất cằn cỗi. Không nên cực đoan, chúng ta phải tính hiệu quả sử dụng trên đất. Thậm chí có thể di dời bãi rác, bãi tha ma để làm, nếu hợp lý”, Thủ tướng nói.

 

Bài học tiếp theo được Thủ tướng đề cập là phát huy tính tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại. “Chủ động phát huy tối đa, đi lên từ chân trời, cửa biển, mảnh đất của mình. Tôi đề nghị các tỉnh phát huy tối đa điểm này, không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể… Sơn La là một điển hình. Ai nghĩ Sơn La phát triển được như bây giờ: Không thành có, khó thành dễ. Điều này cho thấy sự chủ động của chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng. Tư duy, phương pháp luận là rất quan trọng”.

 

Về chỉ tiêu năm 2024, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp cần “thừa thắng xông lên”, đặt mục tiêu tăng trưởng từ 3,5 - 4%, vì năm nay đã 3,8%. Thủ tướng bày tỏ ông có niềm tin ngành nông nghiệp hoàn toàn có thể đạt được con số 55 tỷ USD xuất khẩu, bởi đã có thành công năm nay với con số 53 tỷ USD.

 

Thủ tướng cho biết ông đã đề cập với Bộ NN-PNTT về phương châm lãnh đạo 16 chữ: Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững.

 

Kiên trì phương châm 16 chữ

Nhận định năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn, thách thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ NN-PTNT không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, không chủ quan, lơ là, cũng không cũng không bi quan, lo sợ trước những diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức. 

 

Thay vào đó, cán bộ, công nhân viên chức phải tự tin hơn, bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh, trong đó coi nội lực là yếu tố quyết định, cơ bản, ngoại lực là yếu tố quan trọng, đột phá.

 

Về phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng cơ bản nhất trí với những đề xuất của Bộ NN-PTNT, cũng như ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương tham gia tại Hội nghị tổng kết. Với phương châm 16 chữ, Thủ tướng nhấn mạnh thêm 11 nội dung.

 

Một là, quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp. Ngoài ra, ổn định tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ, xây dựng đội ngũ trong sạch vững mạnh, bộ máy tinh gọn, hiệu quả

 

Hai là, tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức kinh tế chia sẻ. Coi đây là động lực mới cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

 

Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ này. Bởi trong bối cảnh hiện tại, đây là đòi hỏi khách quan, cũng là sự đòi hỏi đúng đắn, ngành nông nghiệp cần ưu tiên đầu tư phát triển. Trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo cần tập trung triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cho nông nghiệp, phát triển thị trường các bon.

 

Ba là, hoàn thiện thể chế, trong đó có 3 quy hoạch ngành là lâm nghiệp, bảo tồn quy hoạch nguồn lợi thủy sản và cảng cá. Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch luôn phải đi trước, và phải có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, phát huy hết tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng là cách để huy động nguồn lực xã hội.

 

Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp tiếp tục rà soát, đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư để phát huy hơn nữa sức mạnh, tiềm năng trong năm 2024 - năm tăng tốc của giai đoạn 2021-2025.

 

Bốn là, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đề án, dự án theo 3 trục sản phẩm, cơ cấu lại sản xuất theo vùng, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Riêng với chương trình OCOP, Thủ tướng đề nghị phải có 5 yếu tố: khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng nguyên liệu, có vốn đầu tư và có thị trường tiêu thụ.

 

Năm là, tổ chức lại sản xuất, hiệu quả gắn với chuyển đổi số, phát triển hệ thống HTX, gắn với tái cơ cấu về nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức một cách đồng bộ, bài bản tổng kết lý luận về nông nghiệp, nông thôn, bám sát và giải quyết các vấn đề xuất phát từ thực tiễn.

 

Sáu là, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, chú trọng vào khâu giống, phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, để nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng chuỗi ngành hàng bền vững.

 

Bảy là, làm tốt dự báo cung cầu, thông tin và tình hình trường, kết nối người sản xuất, người tiêu dùng, trang thủ lợi thế các FTA thế hệ mới đã ký kết như EVFTA, CPTP, RCEP, UKVFTA... Cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào 1 thị trường, đa dạng hóa thị trường nông sản, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp.

 

Tám là, phát triển kinh tế biển, tăng cường nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, giảm cường lực khai thác, tập trung giải quyết dứt điểm khuyến nghị của EC, gỡ thẻ vàng IUU trong năm 2024. Ngăn chặn xử lý tàu cá trái phép nước ngoài. Tập hợp nguồn lực cho phát triển hạ tầng thủy sản.

 

Chín là, tăng cường quản lý bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ, hoàn thành kết hoạch năm 2024, thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu một số điều chỉnh sao cho phù hợp với đề án.

 

Mười là, Chương trình Mục tiêu quốc gia quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục đích cụ thể hóa, đưa các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, góp phần cải thiện diện mạo nông thôn và cơ cấu lại nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

 

Tuy vậy, còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế, trong đó kinh phí cho công tác lập các đồ án quy hoạch khá lớn, nhất là đối với các xã trong việc lập quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn để đáp ứng yêu cầu thực hiện tiêu chí theo quy định của Trung ương.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở: “Xây dựng nông thôn mới cần đi đôi với phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho người dân. Chúng ta đã đạt được nhiều thành công nhất định, nhưng thực tiễn đã có nhiều thay đổi. Do đó, Bộ NN-PTNT cùng các ban, ngành, hiệp hội cần ngồi lại, cùng rà soát các tiêu chí nông thôn mới, không để tình trạng chạy theo quy chuẩn mà ảnh hưởng đời sống vùng nông thôn.”

 

Mười một, về mục tiêu hội nhập quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò bảo vệ quyền, lợi ích quốc gia, cũng như quyền hợp pháp của người dân và doanh nghiệp trên trường quốc tế. Với kinh nghiệm dày dạn và thành quả năm 2023, Thủ tướng tin tưởng, ngành NN-PTNT sẽ tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ, bền vững hơn trong thời gian tới.

 

“Chúng ta phải làm sao để người nông dân ngày càng giàu có, phải tự hào về nền văn minh lúa nước nhưng cũng không ngần ngại đổi mới kỹ thuật. Đó là mục tiêu làm mới động lực cũ, để toàn ngành tiếp tục tăng trưởng bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể những người làm công tác nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đã đạt được, tiếp tục chung sức, đoàn kết, đồng lòng, kỷ luật, kỷ cương, đổi mới sáng tạo hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa.

 

Với khí thế mới, động lực mới, toàn ngành nông nghiệp sẽ kiến tạo thành công mới, hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, góp phần vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.

 

Ngành nông nghiệp đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2024

Thứ nhất, tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi; kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để bảo đảm kế hoạch sản xuất; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

 

Tổ chức triển khai và thu hút các nguồn lực thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

 

Thứ hai, định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả, gắn với phát triển kinh tế nông thôn.

 

Thứ ba, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.

 

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Thu hút các nguồn lực đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, trong đó có hạ tầng thủy sản góp phần sớm gỡ Thẻ vàng IUU đối với khai thác thủy sản.

 

Thứ năm, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường.

 

Thứ sáu, đổi mới phương thức, nội dung, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh vào nông nghiệp, nông thôn.

 

Văn Việt - Bảo Thắng - Linh Linh - Quỳnh Chi

 

Bình luận