Đánh thức tiềm năng xuất khẩu Hải Phòng: [Bài 3] Tạo cơ chế phát triển hợp tác xã

Bình luận · 174 Lượt xem

Nhiều hợp tác xã ở Hải Phòng đã có cách làm sáng tạo để đưa nông sản vươn tầm, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Khi chúng tôi kết nối với bà Đỗ Thị Thúy Hà - Giám đốc hợp tác xã đầu tư phát triển Sông Giá (HTX Sông Giá) ở huyện Thủy Nguyên để làm việc thì được biết, bà đang cùng đoàn công tác TP Hải Phòng ở Bỉ để kết nối xuất khẩu nông sản đến Vương quốc Bỉ. Đây là một điển hình trong việc hiện thực hóa kỳ vọng của các hợp tác xã trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.

 

HTX Sông Giá đang có gần 7.000m2 để tập trung sản xuất các sản phẩm rau, quả nhà lưới. Đây là mô hình trồng rau, củ, quả theo phương pháp hữu cơ, sử dụng nhà lưới với hệ thống tưới nhỏ giọt phục vụ xuất khẩu được đầu tư bài bản bậc nhất tại Hải Phòng.

 

Hiện tại, HTX đang trồng các loại dưa như: Bạch ngọc đường, Kim ngọc đường, Kim hoàng hậu, dâu tây... Một năm trồng 4 vụ cây ăn quả ngắn ngày trong đó 3 vụ chính. Mỗi vụ dưa thường kéo dài từ 65-70 ngày, sản lượng dưa HTX thu hoạch được sau 1 vụ đạt trên 10 tấn. Sản phẩm dưa được bán tại vườn với giá trung bình 60.000 đ/kg. 

 

Bà Hà chia sẻ, điểm khác biệt cơ bản giữa mô hình trồng rau củ quả trong nhà lưới của HTX với những mô hình khác không chỉ bởi quy mô lớn, đầu tư đồng bộ mà còn ở chính quy trình khép kín mà đơn vị đã xây dựng và kiểm soát thành công.

 

 

Để đạt chất lượng tốt nhất, mỗi gốc dưa chỉ để 1 quả, đơn vị sử dụng 100% thuốc phòng, trừ sâu bệnh vi sinh. HTX dành riêng khu nuôi trùn quế với diện tích 250m2 chuồng nuôi để cung cấp sản phẩm phân bón cho nông trại. Sản phẩm phân trùn sau khi được thu gom từ trang trại nuôi sẽ được đem về trộn với trấu, cám, xơ dừa, đất và một số hợp chất khác để làm đất - giá thể trồng cây.

 

Theo bà Hà, khó khăn lớn nhất của quá trình trồng cây ăn quả ngắn ngày trong nhà lưới theo chị Hà lại chính là khâu phòng trừ sâu bệnh. Bình thường trồng dưa ở ngoài trời sẽ không tránh được tình trạng quả bị đốm đen do bọ dưa; ong châm. Muốn hạn chế việc quả dưa bị sần, đốm đen, người trồng thường phải phun rất nhiều thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc hóa học.

 

Đối với trồng dưa trong nhà màng cũng vậy, dù công nghệ nhà màng góp phần giảm tải sâu bệnh đáng kể so với phương pháp trồng truyền thống, nhưng do dưa trồng luân canh tăng vụ thường xuyên nên vẫn phát sinh một số loại sâu, bệnh như rệp, bọ trĩ, nấm. Chỉ khi kiểm soát, xử lý được tốt khâu phòng trừ bệnh bằng phương pháp vi sinh, không sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc hóa học thì sản phẩm làm ra mới an toàn, sạch.

 

Để chủ động phòng trừ sâu, bệnh, hiện HTX mua vi sinh gốc từ các phòng nghiên cứu vi sinh về nhân giống. Để nuôi cấy vi sinh, cán bộ phụ trách sẽ dùng các chế phẩm như nước đường vàng, cám, kết hợp nhiều hợp chất khác như tinh dầu sả,... Mỗi loại vi sinh sẽ sử dụng để phòng trừ một loại sâu, bệnh khác nhau.

 

Làm chủ công nghệ để nâng cao giá trị nông sản. Ảnh: Đinh Mười.

Làm chủ công nghệ để nâng cao giá trị nông sản. Ảnh: Đinh Mười.

 

Đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các nguyên tắc cơ bản như: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách. Trong quá trình canh tác, cán bộ HTX liên tục theo dõi sự phát triển của cây, các loại sâu bệnh phát sinh và báo lại cho cán bộ kỹ thuật của đơn vị nghiên cứu, cung cấp giống vi sinh để điều chỉnh sao cho phù hợp.

 

Theo tìm hiểu, hiện tại, 100% các sản phẩm do HTX sản xuất ra như: đất, phân bón từ trùn quế, thuốc trừ sâu bệnh sinh học... Kết quả cho thấy cây phát triển rất tốt, chất lượng quả ngon, sạch. Sản phẩm dưa vàng chủ lực của HTX được Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản vùng I kiểm định theo định kỳ, tất cả các chỉ số liên quan (41 chỉ số) đều đạt chất lượng tốt, có đủ tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu.

 

“HTX đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng cho việc lắp dựng 3.500m2 nhà lưới, xây dựng hạ tầng gồm đường vòng quanh nông trại, gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của HTX và các sản phẩm OCOP của địa phương, khu vực trải nghiệm cho khách thăm quan... Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống nhà lưới trồng dưa khá lớn nhưng bù lại tuổi thọ của nhà lưới có thể sử dụng kéo dài từ 5 - 10 năm. Hơn nữa, lựa chọn trồng dưa trong nhà lưới còn giúp giảm sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng, phù hợp với nhiều không gian cũng như điều kiện khí hậu, sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu”, bà Hà cho biết.

 

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng, mô hình trồng dưa trong nhà lưới của HTX Sông Giá là điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp sạch của TP Hải Phòng, đủ các tiêu chí xuất khẩu. Những năm qua, hoạt động sản xuất tại đây đã mang lại thu nhập cao, tạo việc làm cho lao động trên địa bàn là nơi để người dân đến thăm quan, học tập kinh nghiệm sản xuất.

 

Ở Hải Phòng không chỉ có hợp tác xã Sông Giá có sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu mà nhiều đơn vị khác cũng đang thành công trong việc xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế như: HTX Cấp Tiến, HTX Quyết Tiến, HTX Thụy Hương,... Nhiều sản phẩm OCOP đã có mặt trên thị trường các nước như: cá mòi kho Làng Chài, rươi Thịnh Phát, trà Núi Ngọc, gạo Kiến Quốc,…

 

Rõ ràng, với cách làm sáng tạo, bài bản, chuyên nghiệp, phát huy được thế mạnh các sản phẩm, tận dụng được cơ chế chính sách, các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn toàn có thể đưa sản phẩm vươn xa, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Tuy vậy, để “đánh thức” được các hợp tác xã cơ quan chức năng cần phân loại để có chiến lược tiếp cận chủ động, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ phù hợp. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần thiết kế các khoản vay tùy thuộc năng lực hấp thụ vốn, năng lực tổ chức chuỗi cung ứng, năng lực tài chính của mỗi hợp tác xã, khoản vay có thời gian phù hợp với chu kỳ kinh doanh sản phẩm.

 

Điều quan trọng để thúc đẩy các hợp tác xã phát triển trong bối cảnh chú trọng liên kết vùng là các tỉnh cần làm tốt khâu tuyên truyền vận động doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tự nguyện liên kết với nhau trên cơ sở chung động lực, lợi ích. Cần có cơ chế thông thoáng để hợp tác xã dễ dàng được vay vốn ưu đãi, được tập huấn kỹ thuật, chia sẻ với nhau để nâng cao trình độ sản xuất, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro thông qua các chính sách hỗ trợ hợp tác xã, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân.

 

“Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của HTX là điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp sạch tại huyện Thủy Nguyên, mang lại thu nhập cao, tạo việc làm cho lao động trên địa bàn. Từ mô hình này, chúng tôi đã khuyến khích người dân đến thăm quan, học tập kinh nghiệm để có thể nhân rộng, nâng cao thu nhập”, ông Nguyễn Mạnh Chiến, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thủy Nguyên cho hay.

 

 

Đinh Mười

 

Bình luận