Việt Nam sắp làm chủ công nghệ sản xuất giống tôm hùm bông

Bình luận · 268 Lượt xem

Nhằm góp phần phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững, các nhà khoa học Viện III đang nỗ lực làm chủ công nghệ sản xuất giống nhân tạo và thức ăn công nghiệp.

PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho biết, Viện III còn 2 giai đoạn lột xác nữa sẽ ra con tôm bông trắng. Ảnh: KS.

PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho biết, Viện III còn 2 giai đoạn lột xác nữa sẽ ra con tôm bông trắng. Ảnh: KS.

Còn 2 giai đoạn nữa là sản xuất được giống tôm hùm

Tại hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” do các đơn vị Cục Thủy sản, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Thú y, Văn phòng Bộ NN-PTNT cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức vào cuối tuần qua tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt Viện III) cho biết, thời gian qua, Viện III đang nỗ lực nghiên cứu để làm chủ công nghệ sản xuất giống tôm hùm bông nhân tạo.

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, Viện III đã bắt tay nghiên cứu con giống tôm hùm bông từ nhiều năm trước. Năm 2010, Viện III đã tạo ra ấu trùng tôm hùm bông đến giai đoạn thứ 5, sau 89 ngày ương nuôi. Từ thời điểm sau đó đến tháng 11/2023, nhóm nghiên cứu của Viện III đã tạo ra ấu trùng tôm hùm bông đến giai đoạn thứ 9, sau hơn 120 ngày nuôi.

Theo các tài liệu từ trước đến nay, ngay cả Australia, từ ấu trùng đến thành tôm hùm bông trắng cần đến 150 ngày.

Nuôi tôm hùm bông trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Nuôi tôm hùm bông trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

“Đến nay nhóm nghiên cứu đã thực hiện tới gian đoạn 120 ngày với tỷ lệ sống đạt khoảng 0,5%, trong khi điều kiện đề tài cấp nhà nước chỉ cần đạt 0,001%”, ông Nha chia sẻ và cho biết thêm, với tỷ lệ sống này cho thấy đó là tín hiệu đáng mừng, bởi trên thế giới chưa có nước nào sản xuất thành công giống tôm hùm bông và thương mại.

Như vậy, với kết quả nghiên cứu của Viện III đến giai đoạn 9 và bắt đầu tạo ra ấu trùng tôm hùm giai đoạn thứ 10, tức là còn 1-2 giai đoạn lột xác nữa là ra con giống. Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Võ Văn Nha hiện chưa đi được tới giai đoạn 10 bởi nhóm nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân chính. Một là, để lột xác chuyển sang giai đoạn tôm bông trắng thì cần nhu cầu dinh dưỡng khá đặc biệt. Hai là, có thể chất lượng môi trường bể nuôi sau 120 ngày chưa đáp ứng phù hợp cho ấu trùng lột xác.

Do đó, trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của Viện III sẽ tiếp tục nỗ lực để khắc phục những khó khăn trên để tiến tới làm chủ công nghệ sản xuất con giống.

Nghe những vướng mắc của Viện III, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến gợi ý đối với vấn đề môi trường, nhóm nghiên cứu cần quan trắc nơi tôm hùm sinh sản ra giống để nắm bắt những tiêu chí, từ đó tạo ra môi trường trong bể như tự nhiên. Còn vấn đề dinh dưỡng phải nghiên cứu đặc tính sinh lý, tiêu hóa và nhu cầu rồi mới đưa ra khẩu phần và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bộ NN-PTNT sẵn sàng chủ trì hội thảo với các nhà khoa học để cùng Viện giải quyết rốt ráo vấn đề.

Sản xuất thành công thức ăn công nghiệp cho tôm hùm

Ngoài con giống, Viện III cũng đã nỗ lực nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi tôm hùm. Theo đó, từ 2016 đến nay, Tiến sĩ Mai Duy Minh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã nghiên cứu quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm từ các nguyên liệu như bột cá, bột mì, bột đậu nành, bột cám và bột mực.

TS Mai Duy Minh cho biết đã sản xuất được thức ăn công nghiệp cho tôm hùm. Ảnh: KS.

TS Mai Duy Minh cho biết đã sản xuất được thức ăn công nghiệp cho tôm hùm. Ảnh: KS.

“Hiện chúng tôi đã sản xuất được thức ăn công nghiệp cho nuôi tôm hùm với chi phí khoảng 120 ngàn đồng/kg”, Tiến sĩ Mai Duy Minh khẳng định.

Tiến sĩ Mai Duy Minh cho biết, các kết quả triển khai nuôi tôm hùm trên bể bằng thức ăn công nghiệp đều mang lại hiệu quả về tỷ lệ sống, tăng trưởng cũng như chất lượng sản phẩm.

Đối với tôm hùm xanh sau 8-10 tháng nuôi đạt 0,3 kg/con, tỉ lệ sống trên 75%, FCR (hệ số thức ăn):  2-2,2. Tôm hùm bông sau 16-18 tháng nuôi đạt 0,8 kg/con, tỉ lệ sống trên 75%, FCR: 2,6-2,8.

Về chất lượng thức ăn công nghiệp cho tôm hùm đảm bảo, vì kể cả tôm nuôi bị còi từ lồng bè đem về nuôi trong bể vẫn có thể lột xác, phát triển bình thường.

Thức ăn công nghiệp cho tôm hùm. Ảnh: KS.

Thức ăn công nghiệp cho tôm hùm. Ảnh: KS.

Tuy nhiên hiện chưa áp dụng cho nuôi tôm hùm lồng trên biển vì điều kiện dưới lồng có dòng chảy làm giảm khả năng nhận biết thức ăn của tôm. Ngoài ra, trong lồng nuôi cho nhiều cá tạp nên khi thả xuống sẽ cạnh tranh thức ăn với tôm hùm. Từ đó khiến hệ số thức ăn quản lý chưa hiệu quả.

Do đó, thời gian tới, Viện III sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm ra giải pháp phù hợp để người nuôi có thể sử dụng thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm lồng trên biển.

Được biết, giống và thức ăn chiếm hơn 80% giá thành trong nuôi tôm hùm thương phẩm. Do tôm hùm chưa có giống nhân tạo nên phụ thuộc nguồn khai thác tự nhiên và nhập khẩu. Tuy nhiên những năm gần đây, con giống ngoài tự nhiên cạn kiệt nên bà con nuôi chủ yếu từ con giống nhập khẩu tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mặt khác, từ tháng 5/2023 Trung Quốc đã sửa Luật Bảo vệ động vật hoang dã, trong đó quy định cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh các loài trong danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ; trong đó có tôm hùm bông. Thêm vào đó, tôm hùm bông nuôi xuất khẩu sang Trung Quốc cần đáp ứng các điều kiện không được đánh bắt trực tiếp từ biển và phải có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế hệ F2). Do đó, hiện nay các nhà khoa học của Viện III đang nỗ lực ngày đêm nghiên cứu để có con giống nhân tạo tôm hùm bông sẽ góp phần lớn cho nghề nuôi này phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, việc đưa thức ăn công nghiệp trong nuôi tôm hùm, không chỉ hạn chế dịch bệnh, chất thải môi trường mà còn đóng góp rất tích cực vào hoạt động khai thác có trách nhiệm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến gợi ý, trong nghiên cứu mình phải khôn ngoan đứng trên vai những người khổng lồ. Các đề tài nghiên cứu phải mang tầm quốc tế, chứ không riêng gì trong nước và phải gắn nội dung và tính trạng nghiên cứu. Mặt khác mình phải hợp tác quốc tế để có nền tảng bởi nhân lực không có, thiết bị lạc hậu, cơ sở vật chất xuống cấp thì việc nghiên cứu ví như đặc điểm sinh lý tiêu hóa, sinh lý sinh sản sẽ rất khó khăn.

 

Bình luận