Trả lại cho đất những gì đã lấy

Bình luận · 231 Lượt xem

TP.HCM Với phương châm 'trả lại cho đất những gì đã lấy', HTX Rasa Foods đã ủ phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất rau hữu cơ với chi phí thấp.

Sử dụng phân hữu cơ, vi sinh sản xuất từ các loại phế phụ phẩm nông nghiệp không chỉ giúp giảm được lượng phân bón hóa học, đảm bảo sản xuất ra sản phẩm an toàn mà còn giúp bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận. Nhận thấy điều này, HTX Rasa Foods đã tăng cường tự sản xuất phân bón hữu cơ để sử dụng cho vườn rau của HTX và là HTX điển hình trong sản xuất rau sạch của huyện Hóc Môn (TP.HCM).

Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn), chúng tôi đến thăm HTX Rasa Foods đúng lúc các nhân viên tại đây đang tổ chức thu gom phế phụ phẩm nông nghiệp để ủ phân hữu cơ bón cho khu vực chuyên trồng rau của HTX.

Ủ phân hữu cơ trong vòng 1 - 2 tuần là có thể sử dụng. Ảnh: Trần Trung.

Ủ phân hữu cơ trong vòng 1 - 2 tuần là có thể sử dụng. Ảnh: Trần Trung.

Ông Mai Văn Khánh, Giám đốc HTX Rasa Foods phấn khởi cho biết, ngay từ khi thành lập, HTX đã kiên định với mục tiêu sản xuất rau sạch. Xuất phát từ phương châm “trả lại cho đất những gì đã lấy từ đất”, việc tự ủ phân hữu cơ vi sinh đã gánh được 60 - 70% vật tư sử dụng, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.

Theo ông Khánh, phương pháp làm phân hữu cơ vi sinh tương đối dễ thực hiện. Chỉ cần thu gom các phế phụ phẩm nông nghiệp có trong vườn kết hợp cùng chế phẩm sinh học chứa các vi sinh vật có lợi, sau đó ủ trong vòng 1 - 2 tuần là có thể sử dụng.

“Việc sử dụng phân hữu cơ được ủ từ rác thải hữu cơ trong quá trình sản xuất và sinh hoạt không chỉ giúp bảo vệ được môi trường, mà còn tạo nên một nguồn dinh dưỡng dồi dào cho đất, cung cấp dinh dưỡng hoàn hảo cho cây trồng.

Ngoài ra, phân hữu cơ còn hạn chế được sâu bệnh gây hại cây trồng do tiêu diệt được các loại ký sinh trùng và hạt cỏ dại. Khi sử dụng phân hữu cơ, nhu cầu sử dụng, tưới nước cũng giảm đi, tăng số lượng các loại giun và vi sinh vật làm đất tơi xốp, màu mỡ...”, ông Khánh cho biết.

Với lợi thế vùng ven đô TP.HCM có thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước, cùng quy trình bài bản từ khâu sản xuất đến bàn ăn, HTX Rasa Foods đã xây dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. HTX từ 7 thành viên đến nay đã có 12 thành viên sản xuất trên diện tích hơn 2ha.

Hiện rau của HTX đã có mặt tại hầu hết cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị uy tín. Mới đây, sản phẩm rau cải thìa của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và HTX đang phấn đấu đạt OCOP 4 sao năm 2024.

Tận dụng nguồn phân bón hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp giúp sản xuất ra sản phẩm rau an toàn, hữu cơ. Ảnh: Trần Phi.

Tận dụng nguồn phân bón hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp giúp sản xuất ra sản phẩm rau an toàn, hữu cơ. Ảnh: Trần Phi.

“Thành phố hiện đang hướng tới nông nghiệp sạch và xanh. Đây là một trong những tiêu chí mà chúng tôi muốn hướng đến và mong muốn địa phương có những hỗ trợ về mặt khoa học để có những sản phẩm mang tính bền vững, lâu dài hơn”, ông Khánh chia sẻ.

Ông Đoàn Văn Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Tam Thôn cho biết, Thới Tam Thôn là "thủ phủ" rau ăn lá của huyện Hóc Môn. Sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ đang là xu hướng tất yếu của người trồng rau tại địa phương. Trong đó, HTX Rasa Foods là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này.

Những năm gần đây, giá vật tư nông nghiệp thường xuyên biến động theo hướng tăng lên. Trước sức ép lớn về chi phí sản xuất cũng như nhằm duy trì sản xuất lâu dài, bền vững, việc tận dụng nguồn phân bón hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp của HTX Rasa Foods có lẽ là phương pháp tối ưu nhất giúp nông dân tăng lợi nhuận, đảm bảo cung cấp sản phẩm hữu cơ, an toàn đến người tiêu dùng.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với HTX Rasa Foods để vận động, hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật ủ phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ. Đây cũng là cách giúp nông dân sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, góp phần nâng tầm nông sản địa phương. Những năm gần đây, nhu cầu về rau an toàn, hữu cơ ngày càng cấp thiết đối với bếp ăn của từng gia đình, phong trào trồng rau sạch ngày càng phổ biến, góp phần tạo nên một “vành đai xanh” cho TP.HCM”, ông Đoàn Văn Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Tam Thôn nhấn mạnh.

Trần Phi - Trần Trung
Bình luận