Thả bèo hoa dâu, trồng lúa không tốn một đồng phân bón

Bình luận · 211 Lượt xem

KIÊN GIANG Mỗi ha trong suốt vụ lúa sẽ tạo ra khoảng 25 tấn bèo hoa dâu. Chúng tự phân hủy thành phân bón để trồng lúa hữu cơ, không cần bón thêm phân hóa học.

Tự tay canh tác 2,5ha lúa và liên kết với nông dân làm hàng chục ha lúa mùa nhưng ông Lê Quốc Việt (thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) không tốn bất cứ khoản chi phí đầu tư nào để mua phân bón, thuốc BVTV hóa học. Cách làm của ông Việt là đi vớt bèo hoa dâu về nhân giống rồi thả xuống ruộng cho chúng tự sinh sôi nảy nở, ken đặc trên mặt nước. Khi già, bèo hoa dâu sẽ tự chết đi, chìm xuống, phân hủy thành phân hữu cơ, tạo dinh dưỡng cho cây lúa phát triển.

Ông Lê Quốc Việt kiểm tra bèo hoa dâu trong ruộng. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Quốc Việt kiểm tra bèo hoa dâu trong ruộng. Ảnh: Trung Chánh.

Là người có mấy chục năm công tác trong ngành nông nghiệp nên ông Việt tự làm thí nghiệm để biết lượng bèo có được trong từng vụ lúa. Chờ khi bèo đã nở đặc mặt ruộng, ông làm cái thước đo ô vuông đặt xuống và vớt toàn bộ số bèo bên trong. Từ số bèo vớt lên, ông tỉ mẩn cân, đo, đong đếm rồi nhân lên.

Ông Việt cho biết, mỗi ha mặt ruộng khi bèo hoa dâu đã nở dày đặc thì lượng bèo tương đương khoảng từ 12 - 13 tấn. Mỗi vụ lúa mùa kéo dài hơn 6 tháng bèo sinh sôi nảy nở được 2 đợt. Như vậy, trong suốt vụ lúa sẽ có khoảng 24 - 26 tấn bèo hoa dâu được phân hủy thành phân bón hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho lúa. Do đó, chẳng cần bón thêm phân bón hóa học lúa vẫn xanh tốt, cho bông to và chắc hạt, đạt năng suất như kỳ vọng.

Hơn nữa, mỗi năm ông Việt chỉ cấy một vụ lúa mùa truyền thống. Cắt lúa xong là phơi đất, cho đất nghỉ ngơi nhiều tháng ròng. Các loại cỏ, rau đồng ông cứ để chúng mọc tự nhiên, sau đó dùng dao phảng phát ngang gốc và trục vùi vào đất để làm phân xanh. Để bảo vệ lúa khỏi các loại sâu bệnh hại, ông Việt nuôi vịt trời thả vào ruộng để chúng ăn ốc, nuôi dưỡng cá đồng tự nhiên để ăn các loại sâu, rầy. Chuột thì bắt bằng bẫy rập…

Ông Việt bảo: “Tôi làm theo cách trồng lúa truyền thống của ông bà xưa, khi chưa có phân hóa học, cày bừa bằng trâu. Hạt lúa gieo xuống tự mọc lên, hút dưỡng chất trong tự nhiên mà sống. Chỗ nào xấu thì rắc cho ít phân hữu cơ tự ủ. Lúa thu hoạch, đập tách hạt, phơi khô, làm sạch đến xay xát gạo để ăn cũng đều bằng thủ công”.

Bèo hoa dâu trong ruộng cung cấp phân bón hữu cơ cho cây lúa phát triển, tạo ra những bông lúa dài cả gang tay nặng trĩu hạt. Ảnh: Trung Chánh.

Bèo hoa dâu trong ruộng cung cấp phân bón hữu cơ cho cây lúa phát triển, tạo ra những bông lúa dài cả gang tay nặng trĩu hạt. Ảnh: Trung Chánh.

Để nhân rộng mô hình trồng lúa hữu cơ theo cách thuyền thống này, nhiều năm qua ông Việt đã liên kết với hàng chục hộ nông dân quanh khu vực. Ông cung cấp các giống lúa mùa đã được chọn lọc qua nhiều vụ, được đánh giá có chất lượng gạo ngon, hợp khẩu vị với những người thích hoài niệm về loại gạo sản xuất truyền thống và ký hợp đồng thu mua lại lúa hàng hóa khi thu hoạch.

Vào cuối tháng 6/2023, sau thời gian vận động, ông Việt đã tập hợp được 30 nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất lúa mùa để thành lập Hợp tác xã Nông dân sáng tạo. Vụ lúa năm nay, các thành viên hợp tác xã đã ký hợp đồng sản xuất 22ha lúa mùa làm theo quy trình hữu cơ truyền thống. Toàn bộ sản lượng lúa sẽ được Công ty Lê Gia (một thành viên của gia đình ông Việt) thu mua để chế biến gạo lúa mùa cung ứng ra thị trường.

Đến nay, đã có một số sản phẩm gạo lúa mùa được ông Việt đăng ký và được tỉnh Kiên Giang cấp chứng nhận đạt sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Với số lượng có hạn, “Lúa mùa Tư Việt – vị ngon từ quá khứ” đang âm thầm len lỏi vào thị trường, đáp ứng nhu cầu của những vị khách muốn thưởng thức loại gạo ngon truyền thống.

Đào Chánh
Bình luận