Lịch sử ngàn năm chỉnh trang ruộng đồng của người Nhật

Bình luận · 243 Lượt xem

Ở Nhật Bản, 'hồ không có tên trên bản đồ' là khái niệm về vùng trũng, khó canh tác, hễ mưa là ngập và họ phải chỉnh trang ruộng đồng để loại bỏ chúng.

Ruộng đồng ở Nhật Bản được dồn điền, đổi thửa, tạo nên những cánh đồng có kích thước lớn, thuận lợi cho cơ giới hóa. Ảnh: Tùng Đinh.

Ruộng đồng ở Nhật Bản được dồn điền, đổi thửa, tạo nên những cánh đồng có kích thước lớn, thuận lợi cho cơ giới hóa. Ảnh: Tùng Đinh.

Từ ngàn năm trước

Người Nhật quan niệm, đất và nước là những yếu tố cơ bản trong sản xuất lương thực, điều không thể thiếu cho cuộc sống của con người. Do đó, từ những năm 300 trước Công nguyên, Nhật Bản đã thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa và chỉnh trang ruộng đồng, cải tạo nguồn nước cho nông nghiệp.

Ở giữa thời kỳ Yayoi (năm 300 – 250 TCN), nghề trồng lúa nước đã phát triển ở Nhật Bản và các thửa ruộng đã xuất hiện ở khu vực Tohoku, tỉnh Aomori. Sau đó khoảng 1.000 năm, đến thời kỳ Kofun, khoảng những năm 700, Nhật Bản đã cho ra đời những mảnh ruộng vuông vức được gọi là hệ thống tách thửa Jori với diện tích mỗi thửa khoảng 109m2.

Cùng với đất đai, giai đoạn này thủy lợi của Nhật Bản cũng được cải thiện bằng việc sử dụng các sông ngòi nhỏ và phát triển theo từng trang viên. Giải pháp này được duy trì trong khoảng 1.000 năm, cho đến khi hệ thống cấp thoát nước hiện đại hơn ra đời vào giai đoạn 1700 – 1800.

Cụ thể, từ hệ thống sông ngòi nhỏ và vừa, các hệ thống kênh tưới tiêu được xây dựng, nối tiếp đó là các kênh đào để phục vụ thủy lợi cho sản xuất nông nghiệp ở khắp nơi trên toàn Nhật Bản.

Ở Nhật Bản, khái niệm “hồ không có tên trên bản đồ” được dùng để chỉ các vùng trũng, cứ mưa lớn là ngập thành hồ nên rất khó canh tác. Để biến những khu vực này thành các cánh đồng màu mỡ, người Nhật xây dựng các trạm bơm tiêu để chống ngập.

Hệ thống tưới tiêu được bố trí bên cạnh các ruộng lúa của Nhật Bản. Ảnh: Tùng Đinh.

Hệ thống tưới tiêu được bố trí bên cạnh các ruộng lúa của Nhật Bản. Ảnh: Tùng Đinh.

Đối với những cánh đồng nước ngập nhẹ, họ lắp đặt hệ thống đường ống dưới đáy ruộng để hạ mực nước ngầm, điều chỉnh được độ khô – ướt của ruộng theo ý muốn. Điều này giúp biến những ruộng chỉ trồng được lúa thành ruộng đa mục đích, có thể trồng được cả hoa màu khác như đậu nành, khoai tây, rau xanh… và nâng cao được săng suất cũng như chất lượng lúa.

Trong công tác dồn điền, đổi thửa, khoảng vài trăm năm trở lại đây, Nhật Bản liên tục có chính sách cải thiện hiện trạng ruộng đồng. Những thửa ruộng nhỏ, méo mó, được ít người sử dụng sẽ được gộp lại thành các thửa lớn, vuông vức và hấp dẫn người nông dân.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông nội đồng của Nhật Bản cũng được cải thiện mạnh mẽ. Nếu như trước đây là những đường đất hẹp thì hiện nay ở các vùng nông thôn Nhật Bản, đường nội đồng đều được thảm nhựa, rộng khoảng 3m, đủ cho các phương tiện cơ giới hóa hoạt động.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ kéo dài cả ngàn năm, hiện nay, Nhật Bản có khoảng 2,3 triệu ha ruộng nước, hơn 1,9 triệu ha ruộng cạn. Về thủy lợi, quốc gia này có khoảng 2.000 con đập, trên 3.000 trạm bơm và khoảng 50.000km kênh thoát nước.

Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đánh giá, hiện nay cơ sở hạ tầng đất nông nghiệp và nguồn nước của họ đã cơ bản được hoàn thành và đang bước sang giai đoạn “quản lý và bảo tồn”. Điều quan trọng đối với Nhật Bản hiện nay là duy trì được những hệ thống này ở trạng thái tốt để khai thác và truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Các cây lúa mọc lại sau thu hoạch được giữ nguyên và sẽ cày lẫn với đất làm phân bón hữu cơ cho vụ mới. Ảnh: Tùng Đinh.

Các cây lúa mọc lại sau thu hoạch được giữ nguyên và sẽ cày lẫn với đất làm phân bón hữu cơ cho vụ mới. Ảnh: Tùng Đinh.

Lợi ích từ chỉnh trang ruộng đồng

Một trong những chính sách lớn về đồn điền đổi thửa của Nhật Bản là nâng các thửa có diện tích 3.000m2 lên 5.000m2. Điều này giúp canh tác hiệu quả hơn với sự tham gia của máy móc. Những thửa ruộng có cạnh dài hơn (từ 100mx30m lên 100mx50m) giúp cơ giới hóa hiệu quả, nhất là đối với các loại máy tự hành dựa trên định vị vệ tinh (GPS).

Ngoài ra, các thửa đất lớn cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân đầu tư xây dựng các nhà lưới, nhà màng nhằm ứng dụng canh tác công nghệ cao. Ví dụ, thay vì phải chở nước từ xa đến, giờ đây họ có thể lắp đặt hệ thống tưới tự động có kiểm soát bằng vòi phun.

Tiến bộ này cũng đóng góp một phần vào các giải pháp đối phó với tình trạng thiếu nhân lực nông nghiệp đang phổ biến ở nhiều địa phương của Nhật Bản.

Bên cạnh mở rộng diện tích từng thửa, việc chỉnh trang hệ thống đường đi, đường phân định giữa các thửa ruộng cũng được quan tâm. Điều này giúp các máy móc nông nghiệp có thể dễ dàng di chuyển từ thửa này sang thửa khác mà không cần đến đường công cộng.

Đường nội đồng ở nông thôn Nhật Bản được trải nhựa, tạo thuận lợi cho máy móc di chuyển. Ảnh: Tùng Đinh.

Đường nội đồng ở nông thôn Nhật Bản được trải nhựa, tạo thuận lợi cho máy móc di chuyển. Ảnh: Tùng Đinh.

Trên hết, việc chỉnh trang ruộng đồng, cải thiện thủy lợi giúp ngành nông nghiệp phát triển tốt hơn, đem lại giá trị cao hơn vì hợp lý hóa được sản xuất, trồng được những loại cây có giá trị cao.

Ví dụ, nhờ có máy gieo hạt và máy thu hoạch, nông dân Nhật Bản mở rộng được diện tích trồng đỗ đỏ Dainagon Kyoto, loại cây có giá trị cao nhưng trước đây sản lượng thấp vì chỉ thu hoạch bằng tay.

Sau khi có cơ sở hạ tầng mới, sản lượng đỗ được cải thiện, diện tích trồng được mở rộng và điều này giúp người nông dân có thể đưa ra những chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Cụ thể, với sản lượng lớn, nông dân có thể kết hợp với cách doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo để cung cấp nguyên liệu và tạo ra giá trị cao hơn cho loại nông sản này, giúp người nông dân tăng thu nhập.

Tại Nhật Bản, các dự án chỉnh trang ruộng đồng được thự hiện theo cấp Nhà nước hoặc địa phương (tỉnh, thành phố) theo quy trình từ lên ý tưởng đến khảo sát, sau đó là lập kế hoạch, điều chỉnh và triển khai cải tạo.

Khi thực hiện dự án, ngoài việc thông qua các thủ tục như lấy ý kiến, kêu gọi sự đồng thuận của người nông dân, dự án còn phải có cơ chế đảm bảo quyền lợi cho những người liên quan.

Điều này giúp tăng cường sự đoàn kết, hợp tác ở các thôn, làng và cũng làm cho người nông dân có thể thấy được tương lai của ngành nông nghiệp tại địa phương.

Bình luận