Sáng kiến SAPLING hỗ trợ nông hộ chăn nuôi trâu, bò ở Sơn La

Bình luận · 208 Lượt xem

Dự án Năng suất chăn nuôi bền vững (SAPLING) hỗ trợ nông hộ nhỏ ở Sơn La tham gia vào chuỗi giá trị toàn diện, qua đó cải thiện sinh kế.

Bà Nguyễn Thị Thịnh, cán bộ điều phối hợp phần Thị trường và chuỗi giá trị của Dự án SAPLING. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bà Nguyễn Thị Thịnh, cán bộ điều phối hợp phần Thị trường và chuỗi giá trị của Dự án SAPLING. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ở Sơn La, người dân tộc thiểu số chiếm 83% dân số với tỷ lệ đói nghèo, suy dinh dưỡng và bất bình đẳng giới cao nhất cả nước theo đánh giá của CGIAR (Liên minh các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp quốc tế). Sinh kế người dân địa phương phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi, chủ yếu là sản xuất quy mô nhỏ. 

Tính đến năm 2021, tỉnh Sơn La có đàn trâu, bò 350.000 con, đàn lợn 700.000 con và đàn gia cầm 7 triệu con. Tuy nhiên, sản xuất chăn nuôi hiện phải đối mặt với một số thách thức như năng suất, hiệu quả chăn nuôi thấp; công tác quản lý an toàn thực phẩm chưa hiệu quả, khả năng tiếp cận thị trường hạn chế, thiếu cạnh tranh. 

Trong bối cảnh đó, Dự án "Năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới" (gọi tắt là SAPLING) được triển khai tại huyện Mai Sơn và huyện Phù Yên nhằm giải quyết những thách thức trên.

Sáng kiến này nhấn mạnh mục tiêu hỗ trợ người dân cải thiện sinh kế thông qua tăng năng suất chăn nuôi và tiếp cận thị trường, đóng góp vào Chiến lược Phát triển Chăn nuôi Quốc gia giai đoạn 2021-2030

Huyện Mai Sơn từng là địa bàn của Dự án CGIAR trước đó, với đa dạng sản xuất từ chăn thả, quảng canh đến thâm canh, tận dụng sức mạnh của cây trồng và vật nuôi kết hợp nhiều điều kiện kinh tế, xã hội và sinh thái. Huyện Phù Yên là địa bàn mới gia nhập dự án từ tháng 4/2022, được lựa chọn vì nguồn thức ăn sẵn có, tài nguyên phong phú, đàn gia súc lớn, cơ sở hạ tầng tốt và sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương.

Để đảm bảo kết quả tích cực, Dự án không chỉ giúp nông dân Sơn La tăng năng suất trang trại, mà còn hỗ trợ họ ứng dụng khoa học công nghệ về giống, di truyền, sức khỏe vật nuôi và thức ăn chăn nuôi. Qua đó, nông hộ nhỏ có khả năng tự quản lý hệ thống chăn nuôi, phát triển các phương án chăn nuôi thâm canh theo định hướng kinh tế tuần hoàn.

Bà Nguyễn Thị Thịnh, cán bộ điều phối hợp phần Thị trường và chuỗi giá trị của Dự án SAPLING chia sẻ: “Sở dĩ người nông dân quá quan tâm tới giá thị trường - vốn khó dự đoán, khó thay đổi định mức mà quên mất rằng họ hoàn toàn có thể kiểm soát giá thành đầu vào. Chúng tôi tập trung thành lập các tổ, nhóm chăn nuôi giữa các hộ nông dân, hướng dẫn họ cách tính chi phí sản xuất”.

Được biết, các tổ, nhóm nông dân Sơn La quan tâm đến kinh tế tuần hoàn. Dựa trên mong đợi của họ, SAPLING dự kiến sẽ giới thiệu một số mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay ở địa phương, như dùng men vi sinh ủ phân, ủ cỏ. Tận dụng phế phẩm nông nghiệp để tối ưu hóa nguyên liệu sản xuất. Bà Thịnh cho biết thêm, dự án SAPLING nhận được sự hưởng ứng cao từ nông dân Sơn La, bước đầu đã giúp họ hiểu cách giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi. 

Bà Karen Marshall (Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế) trình bày về công cụ CLEANED. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bà Karen Marshall (Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế) trình bày về công cụ CLEANED. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ví dụ, người dân ở đây vẫn thường trồng cỏ, tuy nhiên họ thường để cỏ mọc quá già, không thu hoạch mà dự trữ cho những khi thiếu thức ăn chăn nuôi. Việc này đã bỏ qua thời điểm cỏ đạt hàm lượng dinh dưỡng tốt nhất. Khi trâu, bò ăn vào chỉ hấp thụ được chất xơ nên tăng trưởng ít.

Các cán bộ khuyến nông, nhà khoa học của Dự án đã đồng hành cùng các tổ, nhóm nông dân để theo dõi sát sao cách ủ chua cỏ đúng thời điểm, đúng công thức. Cách làm chính xác sẽ đảm bảo thức ăn đủ chất lượng để sử dụng trong vòng 1 năm kể từ khi quá trình ủ chua hoàn thành.

Ngoài ra, nữ tiến sĩ Karen Marshall (Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế) trình bày về thử nghiệm công cụ CLEANED tại huyện Mai Sơn. CLEANED là công cụ đánh giá tác động môi trường nhanh, giúp người dùng dự báo các tác động của chăn nuôi đối với môi trường nước, đất và phát thải khí nhà kính.

Trong quá trình nghiên cứu chăn nuôi trâu, bò, công cụ CLEANED sử dụng dữ liệu đầu vào từ các khảo sát cơ bản và ý kiến chuyên gia. Với dữ liệu từ nhiều loại hình trang trại đa dạng, phân tầng, việc áp dụng CLEANED đạt được nhiều kết quả tích cực.

Kết quả chạy công cụ CLEANED ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Kết quả chạy công cụ CLEANED ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Các kịch bản can thiệp được đưa ra dựa vào đặc thù địa hình các huyện Sơn La. Đối với các hộ ở ven thung lũng và sườn dốc thực hành nông nghiệp hỗn hợp đã thử nghiệm giảm thâm canh, các hộ gần đường, chợ, ở đáy thung lũng có nhiều đất được tập trung thâm canh.

Dựa vào kết quả chạy công cụ CLEANED, các nhà nghiên cứu đã xác định được tác động môi trường của các biện pháp can thiệp trong hệ thống chăn nuôi. Điều này chứng tỏ tiềm năng của công cụ nhằm hoạch định chính sách, phát triển dịch vụ khuyến nông cho nông dân.

SAPLING là một trong 32 sáng kiến được tài trợ bởi One CGIAR, hướng tới chuyển đổi hệ thống thực phẩm, đất, nước bền vững và linh hoạt; cung cấp chế độ ăn uống đa dạng, lành mạnh, an toàn; đảm bảo cải thiện sinh kế và bình đẳng xã hội. Việt Nam là một trong 6 quốc gia trọng điểm của Sáng kiến SAPLING. 

Bình luận