Con hàu tạo sinh kế cho hàng trăm hộ dân Sa Huỳnh

Bình luận · 201 Lượt xem

Nghề khai thác và nuôi hàu trên đầm nước mặn Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã tạo sinh kế cho hàng trăm hộ dân, trong đó nhiều hộ vươn lên làm giàu.

Trong chuyến tác nghiệp tại phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ), tôi được người bạn chiêu đãi những món ngon từ hàu Sa Huỳnh - sản vật nức tiếng ở vùng biển hoang sơ và thơ mộng. Hàu mua chưa tách vỏ, bạn mang về rửa sạch trước khi sơ chế để nấu nướng. Vỏ hàu không như trai, sò mà uốn lượn tựa cơn sóng từ biển khơi xa vỗ vào bờ. "Hàu sống chen chúc với nhau chứ không riêng lẻ như trai hay sò. Vì vậy khi chúng phát triển, hai mảnh vỏ bị chèn ép nên biến dạng thành những hình thù khá lạ mắt, chổ này lồi lên, chổ nọ lõm xuống", bạn cho biết.

53 năm cạy hàu mưu sinh

Bạn đưa tôi đến gặp bà Võ Thị Tiến (65 tuổi ở tổ dân phố Tân Diêm, phường Phổ Thạnh). Bà Tiến là người cạy hàu lâu nhất còn gắn bó với nghề khá cơ cực để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Gia cảnh khó khăn, 12 tuổi bà theo mẹ ra đầm nước mặn Sa Huỳnh mênh mông sóng nước để mưu sinh. Bên cạnh đầm nước là đồng muối Sa Huỳnh cò bay thẳng cánh trong nắng chiều phai. Đầm nối thông với biển cả qua cửa Sa Huỳnh sớm chiều tấp nập tàu ghe ra vào bến. Trên bến dưới thuyền nói cười rôm rả ngã giá bán mua.

Một phụ nữ đang cặm cụi cạy hàu ở đầm nước mặn Sa Huỳnh. Ảnh: Thanh Kỳ.

Một phụ nữ đang cặm cụi cạy hàu ở đầm nước mặn Sa Huỳnh. Ảnh: Thanh Kỳ.

Ngày ngày, khi thủy triều xuống cạn, xung quanh đầm dần hiện lên những tảng đá lớn nhỏ phủ đầy rêu xanh lẫn bùn xám. Bà Tiến tất tả theo mẹ cùng người làng ra đầm. Dụng cụ hành nghề gồm rổ, giỏ nhựa và thanh sắt đập vẹt một đầu cùng chiếc búa nhỏ. Khi phát hiện hàu bám vào đá hay cây gỗ ven đầm, họ ngồi xuống bên cạnh đút đầu thanh sắt vào trong cạy hàu rồi nhặt cho vào rổ.

Gặp lúc hàu bám dày và chặt vào đá thì dùng cả thanh sắt cùng búa đục để chúng rời ra. Bóng dáng họ lầm lũi, quẩn quanh ven bờ đầm như những thân cò lặn lội sớm trưa. Ngày mưa gió, da thịt tím tái trong lớp nilon mỏng vì rét lạnh. Trưa nắng chói chang, mồ hôi chảy ròng trên gương mặt sạm đen sau bao ngày dãi dầu mưa nắng.

"Hồi đó gia đình khó khăn quá nên tôi chỉ học đến biết đọc, biết viết rồi theo mẹ đi cạy hàu để lo cho anh em ăn học. Hễ nước thủy triều rút là đi, bất kể trời nắng hay mưa. Chú đến gặp tôi hỏi về chuyện hàu ở Sa Huỳnh là đúng rồi đấy. Nghề cạy hàu thì tôi là nhứt nhang (làm lâu nhất) ở xứ này...", bà Tiến tâm sự.

Qua bao thăng trầm, bà Tiến vẫn gắn bó với việc cạy và tách vỏ hàu lắm nỗi gian nan. Giờ hàu tự nhiên ít hơn xưa nên mỗi bữa chỉ được 4 - 5kg hàu thịt bán cho các quán ăn trong vùng với giá mỗi cân 100 - 120 nghìn đồng. Có bữa khách đặt hàng nhiều, bà phải nhờ sự giúp sức của các con. Nhiều người ở Sa Huỳnh mua hàu thịt bà đã sơ chế rồi gói ghém gửi cho người thân sinh sống phương xa. "Nhiều bữa khách đặt nhiều quá nên cạy không đủ. Tôi phải mua hàu nuôi ở đầm nước mặn Sa Huỳnh rồi tách vỏ, lấy phần thịt để bán. Hàu nuôi sống nhờ sinh vật phù du trong nước chứ không cho ăn gì cả nên thịt cũng ngon lắm", bà tâm sự. 

Nuôi hàu tạo sinh kế cho hàng trăm hộ dân

21 năm trước, ông Võ Triệu Dương mua tre cùng lốp xe đạp, xe gắn máy rồi chở đến bên đầm nước mặn Sa Huỳnh. Tiếp đến, ông dùng cưa cắt gốc tre thành những khúc ngắn rồi đóng xuống đầm. Ông dùng cước cột thân tre vào những hàng cọc thành giàn khá vững chắc. Sau đó, ông cột lốp xe vào thân tre rồi thả ẩn trong làn nước, cách đáy đầm tầm 2 tấc.

Bè nuôi hàu bên cầu Thạnh Đức bắc qua đầm nước mặn Sa Huỳnh. Ảnh: Thanh Kỳ.

Bè nuôi hàu bên cầu Thạnh Đức bắc qua đầm nước mặn Sa Huỳnh. Ảnh: Thanh Kỳ.

Trứng hàu lửng lơ trong nước sau khi được thụ tinh phát triển thành ấu trùng bám dày đặc vào lốp xe và cả những thân tre ngả màu vàng nhạt. Chúng tự mở vỏ đớp lấy thức ăn là những sinh vật phù du trôi theo dòng nước. Chừng 3 - 4 tháng, ông thu hoạch rồi cạo sạch lốp xe, dây cước và thân tre để hàu sinh trưởng lứa tiếp theo. "Phải vệ sinh sạch sẽ thì hàu bám vào và lớn nhanh. Nếu để dơ bẩn thì lứa tiếp theo sẽ không đạt sản lượng như trước...", ông Dương cho biết.

Với thâm niên hơn 20 năm nuôi hàu, anh Phùng Quốc Trung trải qua nhiều đợt thua lỗ do mưa bão. Nước lũ từ những ngọn núi phía tây đổ xuống đầm cuốn phăng bè nuôi trôi ra biển. Lắm lúc nước mưa cuốn theo phù sa đỏ quạch làm hàu chết vô số. Những lúc như thế anh nén tiếng thở dài rồi làm lại từ đầu.

Giờ anh Dương đã có 10 bè nuôi hàu với tổng diện tích rộng 500m2. Mỗi năm anh thu được 30 - 40 tấn hàu thương phẩm xuất bán cho khách hàng ở các nơi. "Giờ chúng tôi mua thùng phuy bằng nhựa rồi cột giàn tre chứ không đóng cọc như trước nên chi phí rất lớn, song nuôi như vậy tiện hơn. Mình muốn kéo bè đến khu vực nào cũng được chứ không cố định như trước, tuy nhiên gặp lúc nước lũ lớn thì thiệt hại nhiều hơn, có người mất trắng cả trăm triệu đồng...", anh Dương kể.

Nghề nuôi hàu tạo sinh kế cho hàng trăm hộ dân ở phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi). Ảnh: Thanh Kỳ.

Nghề nuôi hàu tạo sinh kế cho hàng trăm hộ dân ở phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi). Ảnh: Thanh Kỳ.

Vợ chồng ông Nguyễn Cường và bà Trần Thị Thanh có gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi hàu tại đầm nước mặn Sa Huỳnh. Ông bà đang sở hữu hàng chục bè nuôi với tổng diện tích hàng nghìn mét vuông. Hàng năm, vợ chồng ông xuất bán trên 100 tấn hàu vỏ với giá mỗi cân từ 22.000 - 27.000 đồng, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng. Đó là chưa kể khoản thu từ việc cung cấp giống hàu sữa Thái Bình Dương và thu mua hàu thương phẩm của người nuôi trong vùng.

"Vợ chồng tôi vừa đầu tư thêm bè để thả nuôi hàu sữa. Nếu năm nay thời tiết thuận lợi thì lượng hàu thu được cũng đôi ba trăm tấn", ông Cường cho biết. "Vợ chồng tôi xuất bán ra Đà Nẵng, vào Quy Nhơn, Nha Trang và cả Sài Gòn. Đôi khi chú vào những nhà hàng sang trọng trong đó ăn phải hàu tôi nuôi không biết chừng", vợ ông góp chuyện.

Nghề nuôi hàu mang lại thu nhập cao cho người dân phường Phổ Thạnh. Ảnh: Thanh Kỳ.

Nghề nuôi hàu mang lại thu nhập cao cho người dân phường Phổ Thạnh. Ảnh: Thanh Kỳ.

Ông Giã Tấn Tàu - Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh cho biết: Đầm nước mặn Sa Huỳnh có diện tích trên 210ha, là nơi lưu dẫn nước mặn cho đồng muối Sa Huỳnh. Hàng ngày, nơi đây có khoảng trên dưới 400 tàu cá của ngư dân vào neo đậu và bán hải sản.

Đầm là nơi nuôi trồng thủy sản của 120 hộ dân ở địa phương, trong đó có 95 hộ nuôi hàu. "Cấp trên có kế hoạch đầu tư khơi thông cửa biển và nâng cấp cảng cá Sa Huỳnh. Sau khi nâng cấp xong, chúng tôi sẽ bố trí khu vực nuôi để tàu cá ra vào và neo đậu được thuận lợi", ông cho biết.

Bình luận