'Thiên thời, địa lợi' phát triển nông nghiệp hữu cơ

Bình luận · 176 Lượt xem

Để mở rộng sản xuất lúa hữu cơ, tỉnh Bắc Kạn đang xây dựng nhiều mô hình điểm. Hiệu quả từ mô hình sẽ là 'thỏi nam châm' thu hút người dân tham gia.

Hiệu quả từ mô hình nhỏ

Mỹ Phương là xã thuần nông của huyện Ba Bể (Bắc Kạn), người dân bao đời nay đã quen lối canh tác cũ, sử dụng nhiều phân, thuốc hóa học nên đất đai ngày càng bạc màu. Chuyển đổi tìm hướng sản xuất mới là yêu cầu đặt ra với chính quyền và người dân nơi đây.

Vụ mùa năm 2023, gia đình ông Hà Quốc Hiếu ở thôn Thạch Ngõa 1 (xã Mỹ Phương) lần đầu tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ. Với diện tích 4.000m2, gia đình ông thực hiện theo quy trình kỹ thuật do cán bộ chuyên môn hướng dẫn, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Toàn bộ diện tích đều sử dụng phân bón hữu cơ đã ủ với chế phẩm vi sinh. Toàn bộ lúa tại mô hình sau khi thu hoạch được doanh nghiệp thu mua cao hơn so với trồng lúa thông thường.

Ông Hà Quốc Hiếu ở thôn Thạch Ngõa 1 (xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể) giới thiệu ruộng lúa hữu cơ của gia đình. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ông Hà Quốc Hiếu ở thôn Thạch Ngõa 1 (xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể) giới thiệu ruộng lúa hữu cơ của gia đình. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ông Hiếu cho biết, bà con tham gia mô hình được tập huấn cách làm đất, gạn nước, ủ phân hữu cơ và quy trình chăm sóc. Năm nay thời tiết thuận lợi, cánh đồng hầu như không có sâu bệnh, không phải phun thuốc BVTV. Thực hiện theo quy trình canh tác hữu cơ, đặc biệt là bón phân hữu cơ giúp cây lúa có bộ lá thoáng, thân cứng hơn, bông lúa vàng sáng. Nếu như trước đây năng suất lúa thường chỉ đạt khoảng 4 tấn/ha thì sau khi canh tác theo quy trình hữu cơ đạt khoảng gần 5 tấn/ha. "Bà con trong thôn rất mong sang các vụ sau sẽ tiếp tục được hỗ trợ để duy trì trồng lúa hữu cơ", ông Hiếu bộc bạch.

Tại xã Yên Phong (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn), năm nay bà con và chính quyền địa phương rất phấn khởi vì lần đầu tiên lúa sản xuất tại đây được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Yên Phong được thực hiện trên diện tích hơn 8ha với 47 hộ tham gia.

Đây là vụ thứ 2 người dân canh tác hữu cơ với giống lúa Bao Thai, đây là giống lúa đặc sản bản địa có tiếng. Mô hình được Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng (Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn) hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tư vấn đánh giá và hỗ trợ cấp chứng nhận hữu cơ. Chi cục cũng tập huấn, tổ chức hội thảo để tuyên truyền kết quả của mô hình đến đông đảo người dân huyện Chợ Đồn.

Kết quả, đến vụ mùa năm nay, vùng trồng và sản phẩm gạo của mô hình tại xã Yên Phong đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia Việt Nam (TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ và TCVN:11041-5:2018 về gạo hữu cơ). Vùng trồng lúa hữu cơ tại xã Yên Phong cũng đã được cấp mã số vùng trồng.

Bà con tại xã Yên Phong cũng đã thành lập được tổ hợp tác với 47 thành viên, bước đầu hình thành liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giống cây trồng Quốc Anh cung ứng giống, phân bón, men vi sinh, chế phẩm sinh học (cho ứng trả chậm). Hợp tác xã Hồng Luân và Công ty TNHH MTV Thương mại Đông Nam Việt – Donavi liên kết tiêu thụ lúa, gạo hữu cơ.

Sản phẩm gạo hữu cơ của tổ hợp tác trồng lúa hữu cơ xã Yên Phong (huyện Chợ Đồn). Ảnh: Ngọc Tú. 

Sản phẩm gạo hữu cơ của tổ hợp tác trồng lúa hữu cơ xã Yên Phong (huyện Chợ Đồn). Ảnh: Ngọc Tú. 

Vụ mùa 2023, ước lượng gạo hữu cơ tại mô hình ở xã Yên Phong đã tiêu thụ được gần 3,8 tấn và thóc bán được hơn 20 tấn. Sau khi trừ chi phí, 1ha trồng lúa hữu cơ bà con lãi 35 triệu đồng/vụ.  

Ngoài ra, trong vụ mùa 2023, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng Bắc Kạn cũng mở rộng mô hình trồng lúa hữu cơ với diện tích 30ha tại các thôn Pác Cộp, Nà Chợ, Nà Tấc, Nà Mạng, Khuổi Xỏm (xã Yên Phong) với 130 hộ tham gia.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, đánh giá và cấp chứng nhận hữu cơ, hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại.

Theo ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn, cây lúa canh tác hữu cơ tại các mô hình phát triển tốt, chống chịu cao với sâu bệnh hại. Toàn bộ diện tích lúa tại các mô hình không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, năng suất khá cao. Trồng lúa hữu cơ giúp nông dân giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật, bớt được chi phí phân bón hóa học và nhiều loại vật tư khác.

Dồn lực đầu tư lúa hữu cơ

Ngày 20/10/2021, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 1984/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Bắc Kạn có tỷ lệ cho phủ rừng đạt 73,4% (cao nhất cả nước), không khí, nguồn nước phục vụ phát triển nông nghiệp chưa bị ô nhiễm, cây trồng chưa bị tác động nhiều bởi hóa chất bảo vệ thực vật nên rất phù hợp canh tác hữu cơ. Tuy nhiên, với quy mô sản xuất nhỏ, tập quán canh tác cũ nên người dân cần có thời gian chuyển đổi sang trồng hữu cơ.

Các mô hình sản xuất lúa hữu cơ của Bắc Kạn đang dành được sự quan tâm của đông đảo người dân. Ảnh: Ngọc Tú. 

Các mô hình sản xuất lúa hữu cơ của Bắc Kạn đang dành được sự quan tâm của đông đảo người dân. Ảnh: Ngọc Tú. 

Do đó, tỉnh Bắc Kạn xác định đến năm 2025, diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 1% tổng diện tích trồng trọt. Trong đó, vùng trồng lúa đạt chuẩn hữu cơ khoảng 100ha, đến năm 2030 đạt 165ha. Vùng trồng lúa hữu cơ sẽ tập trung ở các huyện Chợ Đồn, Ngân Sơn, Bạch Thông, Ba Bể. Những giống lúa chủ đạo để sản xuất hữu cơ là lúa Bao Thai, Japonica, Khẩu Nua Lếch.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Bắc Kạn sẽ hỗ trợ xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn, hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu, kinh phí cấp giấy chứng nhận hữu cơ. Đáng chú ý, địa phương này cũng sẽ dùng một phần ngân sách hỗ trợ sau đầu tư cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo hữu cơ.

Riêng năm 2023, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng Bắc Kạn đang thực hiện 7 mô hình áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững với tổng diện tích 221ha.

Các mô hình này triển khai tại xã Yên Thượng, Yên Thịnh, Yên Phong (huyện Chợ Đồn); Đổng Xá, Quang Phong (huyện Na Rì); xã Mỹ Phương (huyện Ba Bể) và thị trấn Nà Phặc (huyện Ngân Sơn).

Qua một thời gian triển khai, kết quả đạt được khả quan, năng suất khi chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ tăng so với canh tác thông thường

Bắc Kạn có nhiều giống lúa đặc sản bản địa, có thể gắn với sản xuất hữu cơ để xây dựng thương hiệu, khai thác đa giá trị. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bắc Kạn có nhiều giống lúa đặc sản bản địa, có thể gắn với sản xuất hữu cơ để xây dựng thương hiệu, khai thác đa giá trị. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng Bắc Kạn đánh giátỉnh Bắc Kạn có diện tích trồng lúa không nhiều, nhưng có lợi thế sản xuất nông sản sạch. Trong một thời gian dài, người dân ở Bắc Kạn sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật ít hơn các địa phương khác. Đặc biệt khí hậu, nguồn nước, đất đai ở Bắc Kạn còn tương đối sạch, là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong đó có cây lúa. Nếu quảng bá tốt, liên kết giữa người dân và doanh nghiệp hiệu quả thì sản xuất lúa hữu cơ sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới.

Đối với những mô hình đang thực hiện, ông Hoàng Thanh Bình cho rằng, dù không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân hữu cơ nhưng năng suất vẫn đạt và cao hơn so với canh tác thông thường. Chất lượng hạt gạo nâng lên, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, môi trường đất được cải tạo tốt. Thực tiễn cho thấy quy trình trồng lúa hữu cơ được xây dựng khá dễ làm.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ, hiện nay các địa phương đang vận động người dân, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Ngọc Tú
Bình luận