Mở tư duy mới, mở không gian giá trị mới cho rừng

Bình luận · 126 Lượt xem

Chia sẻ tại sự kiện về lâm nghiệp chiều 20/11, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng đã đến lúc cần mở ra những tư duy mới, những không gian giá trị mới cho rừng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần phải mở tư duy, mở không gian giá trị cho những cánh rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần phải mở tư duy, mở không gian giá trị cho những cánh rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Chiều 20/11, tọa đàm "Xã hội hóa trồng rừng và Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng" được tổ chức tại Bộ NN-PTNT với sự tham dự của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp liên quan cũng như một số đại biểu Quốc hội của các địa phương có rừng.

Mở tư duy, tăng giá trị

Tại sự kiện, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, cần có một tư duy mới về rừng trong bối cảnh phải cân đối giữa sứ mệnh giữ rừng và tạo ra giá trị từ rừng. Cụ thể hơn, Bộ trưởng cho rằng, quan điểm thuê người dân giữ rừng cần chuyển đổi sang làm thế nào để tạo ra được nhiều việc làm, nhiều sinh kế dưới tán rừng thì mới bền vững, hiệu quả và đó là lý do vì sao định nghĩa rừng đa dụng ra đời.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, giá trị của rừng đem lại vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng của rừng. “Nếu chúng ta khám phá được những giá trị to lớn hơn, thì ngay cả các doanh nghiệp cũng sẽ vào cuộc, cùng người dân và cơ quan chức năng để bảo vệ và phát triển rừng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Theo Bộ trưởng, mở cửa rừng là mở một tư duy mới về rừng và tạo ra không gian giá trị nhiều hơn cho rừng. “Rừng không chỉ là kinh tế, giá trị môi trường mà còn giá trị về cộng đồng, giá trị về văn hóa, tín ngưỡng ngàn đời của bà con”, người đứng đầu Bộ NN-PTNT phân tích và nhấn mạnh thêm, khi bà con hiểu được rằng, tán rừng mất đi là giá trị dưới tán rừng cũng mất đi thì ai cũng tự giác giữ rừng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng các doanh nghiệp cần có thêm sự thay đổi, thay vì quan hệ mua - bán với người trồng rừng, có lẽ cần ngồi lại với nhau để xem đó là sự đầu tư, hợp tác với người dân. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể phối hợp với người dân, tạo nên một chuỗi liên kết, hình thành các hợp tác xã, tạo ra sự ưu tiên cho những cộng đồng, tạo ra không gian để bà con có thể giữ rừng một cách tự nguyện và hiệu quả.

"Nhìn rừng không chỉ có rừng, không chỉ có gỗ mà còn là văn hóa, là tín ngưỡng và đó là những giá trị to lớn hơn rất nhiều”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh thêm. Qua đó, không chỉ người dân mà các lực lượng chức năng đang làm công tác giữ rừng cũng yên tâm hơn để hoàn thành nhiệm vụ.

Buổi tọa đàm với sự tham dự của các cơ quan quản lý, tổ chức phi lợi nhuận và các doanh nghiệp liên quan đến rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Buổi tọa đàm với sự tham dự của các cơ quan quản lý, tổ chức phi lợi nhuận và các doanh nghiệp liên quan đến rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp thông tin, Nhà nước hiện đóng cửa rừng tự nhiên ít nhất đến năm 2030, nên rừng đặc dụng, phòng hộ (khoảng 7 triệu ha) phải giữ nguyên. Phần còn lại, khoảng 4 triệu ha rừng phòng hộ cần để phục hồi. Do đó, chỉ còn gần 4 triệu ha có thể khai thác, sản xuất.

Trên thực tế này, ông Bảo nhận định, hạ tầng lâm nghiệp tại các vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên có nhiều dư địa về trồng rừng nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. “Khai thác gỗ từ núi cao thì chi phí vận chuyển sẽ bị đội lên rất nhiều”, Cục trưởng nhìn nhận.

Để gỡ nút thắt về trồng rừng nói chung và xã hội hóa trồng rừng nói riêng, lãnh đạo Cục Lâm nghiệp cho rằng cần xây dựng cụm nhà máy chế biến ở vị trí thích hợp, thuận tiện di chuyển tới vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, ông chỉ ra rằng Việt Nam có lợi thế lớn về giống keo lai. Qua nhiều năm nghiên cứu, các giống này phù hợp với thổ nhưỡng, mau lớn, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Đây có thể đòn bẩy giúp ngành lâm nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỉ USD trong một vài năm tới.

Yêu cầu cấp thiết về xã hội hóa

Tại tọa đàm xã hội hóa trồng rừng, ông Trần Nho Đạt, Phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ - Cục Lâm nghiệp cho biết, hàng năm, rừng Việt Nam cung cấp khoảng 31 triệu m3 gỗ, góp hơn 17 tỉ USD cho kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, rừng còn tiềm năng lớn về giảm phát thải, hấp thụ và lưu giữ các bon và cung cấp dịch vụ môi trường rừng.

Tuy nhiên, bảo tồn, phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, chủ yếu là thiếu quy hoạch vùng trồng gỗ lớn tập trung, chưa có tổ chức sản xuất theo chuỗi và mức thu còn chưa tương xứng với giá trị mang lại.

Ông Trần Nho Đạt, Phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ - Cục Lâm nghiệp chia sẻ về phát triển giá trị đa dụng của rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Trần Nho Đạt, Phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ - Cục Lâm nghiệp chia sẻ về phát triển giá trị đa dụng của rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện Bộ NN-PTNT, trực tiếp là Cục Lâm nghiệp, được giao xây dựng Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến trong tháng 11/2023, Bộ sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ.

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đề án nêu ra 6 giải pháp trọng tâm.

"Chúng tôi ưu tiên các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, phục hồi, nâng cao chất lượng rừng. Song song với đó, là phát triển bền vững lâm sản ngoài gỗ, dược liệu gắn với văn hóa truyền thống của cộng đồng, người dân địa phương", ông Đạt nói.

Tài chính hóa

Làm rõ thêm quan điểm phát triển sinh thái rừng, bà Phạm Thu Thủy, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) cho biết, qua khảo sát từ gần 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển mạnh về lâm nghiệp như Phần Lan, xã hội hóa trồng rừng đang là lựa chọn được nhiều nước ưu tiên.

Theo bà Thủy, kinh nghiệm của các quốc gia phát triển mạnh về trồng rừng là tài chính hóa các cơ chế chính sách liên quan về rừng. Chẳng hạn, họ xây dựng thị trường tín chỉ đa dạng sinh học, hoặc coi các khu rừng như cổ phiếu và mua bán trên sàn chứng khoán.

Để tạo dựng được thị trường này, các nước xây dựng một loạt quỹ đầu tư, quỹ bảo tồn, đồng thời đánh thuế hệ sinh thái rừng, bảo hiểm và thị trường tín chỉ cảnh quan. Bất cứ chủ thể nào muốn khai thác các giá trị từ rừng đều phải thông qua hệ thống này.

Đồng tình với việc kêu gọi xã hội hóa trồng rừng, ở cấp địa phương, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa nhìn nhận, xã hội hóa trồng rừng là huy động và phối hợp người dân, các tổ chức trong tất cả quy trình, từ khâu phát triển giống. Ngoài ra là có cơ chế ràng buộc và lợi ích giữa các bên được hài hòa.

Việc xã hội hóa, theo ông Cường, còn là hợp tác đa bên, liên ngành, giữa địa phương, tổ chức với nhau, thậm chí các quốc gia, khu vực với nhau.

Khi phát huy được các giá trị đa dụng của rừng thì rừng sẽ được bảo vệ một cách tự nguyện. Ảnh: Tùng Đinh.

Khi phát huy được các giá trị đa dụng của rừng thì rừng sẽ được bảo vệ một cách tự nguyện. Ảnh: Tùng Đinh.

Vẫn còn những khó khăn

Bà Ngô Nữ Huyền Trang, Trưởng phòng Đối ngoại phụ trách phát triển bền vững Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam hoan nghênh việc xã hội hóa trồng rừng. Tuy nhiên, bà băn khoăn liệu các nguồn lực đầu tư có đi đúng hướng, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển giá trị gia tăng, đảm bảo sinh kế người dân.

Dù còn một số hạn chế, công tác xã hội hóa trồng rừng được bà Trang thừa nhận là đang ngày càng được người dân và doanh nghiệp, tổ chức quan tâm, hưởng ứng, góp phần thực hiện các chỉ tiêu trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Trong khi đó, ông Hà Đăng Chỉnh, Trưởng phòng nguyên liệu gỗ Công ty CP Woodsland thừa nhận, bản thân doanh nghiệp rất khó thuyết phục người dân giữ rừng gỗ lớn. Bởi thông thường, người dân chọn thời điểm khai thác dựa trên giá thị trường. Việc người trồng rừng chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún khiến tâm lý khai thác tự phát còn là vấn đề nan giải.

Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng, thông qua nhiều chính sách quan trọng như giao đất giao rừng, các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi…

Từ đó đã huy động tổng lực, đa dạng các nguồn vốn để thực hiện, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà  nước chiếm khoảng 17%, còn lại 83% là nguồn vốn xã hội hóa từ huy động đầu tư, đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Bình luận