Chính sách OCOP đi vào cuộc sống ở Ứng Hòa

Bình luận · 193 Lượt xem

Anh Phạm Văn Hoạch- Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội cho biết năm 2021 địa phương mới có 20 sản phẩm OCOP, thuộc vào diện chậm so với nhiều nơi khác.

Tuy nhiên, ngay từ đầu nhiều chủ thể OCOP của huyện Ứng Hòa đã mạnh dạn tham gia các sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm do Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội tổ chức, bước đầu tạo được tiếng vang khá tốt. Nông nghiệp Ứng Hòa có hàng loạt cái top đầu thành phố như số lượng lợn với hơn 100.000 con, số lượng gia cầm với 2,2 triệu con, diện tích nuôi trồng thủy sản với 4.200 ha.

Sản phẩm gạo Khu Cháy của HTX Đoàn Kết. Ảnh: Tư liệu.

Sản phẩm gạo Khu Cháy của HTX Đoàn Kết. Ảnh: Tư liệu.

Về lúa, tuy huyện chỉ đứng khoảng thứ ba thành phố nhưng lại đứng đầu miền Bắc về diện tích lúa Nhật J02, có vụ cấy tới 4.000 ha. Tôi đặc biệt ấn tượng với chất lượng hạt gạo Khu Cháy của HTX Sản xuất, Kinh doanh Nông nghiệp Đoàn Kết do Giám đốc Cao Thị Thủy đứng đầu. Từng là hàng xáo nên chị hiểu rõ những cơ cực của hộ nông dân sản xuất nhỏ cũng như hộ chế biến nhỏ lẻ. Đơn vị của chị hiện đang liên kết với hàng ngàn nông dân để sản xuất lúa J02 với diện tích khoảng 300-400 ha mỗi vụ. Nhờ giá thu mua ổn định, thóc tươi ngay tại đồng cao hơn giá lúa thông thường 400-500đ/kg và năng suất cao hơn 20-30 kg/sào, nông dân đã có mức lãi khá, khoảng 1 triệu đồng/sào, tăng 15-20%.

HTX còn liên kết với công ty TNHH Châu Anh để xây dựng gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa, gạo tại Hà Nội và phân phối tới các đại lý lúa gạo tại nhiều tỉnh thành, mỗi vụ tiêu thụ gần 3.000 tấn thóc và 1.000 tấn gạo. Năm 2020, sản phẩm gạo Khu Cháy đã tham gia đánh giá, phân hạng và được UBND thành phố công nhận OCOP 4 sao. Sau đó, đơn vị được hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng, được thị trường chào đón nên làm ăn mỗi lúc một khấm khá. Vùng sản xuất không chỉ bó hẹp ở trong huyện mà còn ở nhiều huyện và một số tỉnh, thành. Từ đó đã thúc đẩy, khích lệ các chủ thể khác chú ý, tham gia vào chương trình OCOP.

Năm 2022 để đẩy mạnh đăng ký chương trình OCOP, Phòng Kinh tế đề xuất UBND huyện Ứng Hòa hỗ trợ toàn bộ công tác tư vấn, hướng dẫn thiết kế mẫu mã sản phẩm cho các chủ thể OCOP với tổng số tiền đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Huyện còn hỗ trợ trên 100 triệu đồng để xây dựng thí điểm 2 cửa hàng kinh doanh, giới thiệu cho các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương, nhất là đã được chứng nhận OCOP, có thương hiệu, có nhãn hiệu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại HTX Sản xuất và Kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết ở xã Phương Tú và siêu thị Hiền Lương ở xã Hoà Xá.

Nhờ đó mà các chủ thể phấn khởi tham gia chương trình, đến nay đã đạt 44 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm đạt 4 sao. Tiêu biểu có thể kể đến sản phẩm chả vịt Vân Đình được truyền thông rất quan tâm, được  Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Lê Minh Hoan chú ý, sản lượng tiêu thụ rất tốt, mỗi ngày lên tới vài tạ. Các sản phẩm đàn Đào Xá ở xã Đông Lỗ bán buôn bán lẻ trên toàn quốc. Các sản phẩm hương an toàn của xã Quảng Phú Cầu được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến.

Nghề làm hương truyền thống ở xã Quảng Phú Cầu. Ảnh: NNVN.

Nghề làm hương truyền thống ở xã Quảng Phú Cầu. Ảnh: NNVN.

“Nói chung nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm OCOP còn nhiều hạn chế, trong khi để được công nhận các chủ thể phải đem phân tích mẫu rất kỹ từ đầu vào đến đầu ra. Thứ nhất, người tiêu dùng cứ ra chợ thấy rẻ là mua, không hiểu sản phẩm OCOP là như thế nào. Nhưng sau khi sử dụng, được cơ quan chuyên môn phân tích họ mới thấy chất lượng có sự khác biệt với sản phẩm thông thường. Ví dụ như chả vịt, từ nguồn đầu vào có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thịt của các công ty lớn cung cấp, các chất phụ gia nhiều loại nhập khẩu nên chất lượng đảm bảo và ổn định. Hương nếu không biết, mua trên thị trường đốt khói bay mù mịt, không thơm lắm nhưng hương OCOP làm từ nguyên liệu an toàn, thơm, khói không đen...”, anh Hoạch phân tích.

Để chương trình OCOP thực sự đi sâu vào đời sống và phát huy được tác dụng, Nhà nước vẫn còn nhiều việc phải làm như: hỗ trợ các chủ thể đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất, đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ việc thiết kế bao bì, mẫu mã và đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu; hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0, tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng QRcode, tem thông minh, quy trình xác thực chống hàng giả nhằm minh bạch cả quá trình từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ và tạo ra sự tương tác dễ dàng cho khách hàng khi muốn tìm hiểu các sản phẩm OCOP.

Bình luận