Khó khăn cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè

Bình luận · 218 Lượt xem

Hầu hết các địa phương chưa giao khu vực biển hoặc hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển nên khó khăn cấp mã số nuôi trồng thủy sản lồng bè.

Khánh Hoà vướng

 

Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), một trong những vịnh nước sâu, là vùng biển hở tiếp giáp với đại dương, hệ thống động lực dòng chảy tốt giúp cho nước luôn được trao đổi, tự làm sạch, ít bị ô nhiễm.

 

Hơn nữa, mặt nước rộng lớn và môi trường, khí hậu thuận lợi là điều kiện để phát triển nuôi biển. Chính vì vậy, tại đây đã hình vùng nuôi biển trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa, với đối tượng chủ lực gồm tôm hùm và cá biển.

 

Tuy nhiên, thời gian qua nuôi biển ở tỉnh Khánh Hòa nói chung và huyện Vạn Ninh nói riêng chủ yếu mang tính tự phát. Hiện địa phương cũng chưa thực hiện giao khu vực biển hoặc hợp đồng cho thuê khu vực biển cho người nuôi. Điều này gây khó khăn trong việc cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, cũng như giúp người nuôi yên tâm sản xuất.

 

Ghi nhận tại Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong (huyện Vạn Ninh) hiện có 32 thành viên với 4.000 ô lồng nuôi tôm hùm và cá biển. Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch HĐQT HTX Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong cho biết, hiện HTX cũng như bà con nuôi thủy sản lồng bè trên vịnh Vân Phong chưa cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè.

 

Thời gian qua, HTX đã kiến nghị lên huyện và các phòng Tài nguyên và Môi trường, Kinh tế để xin giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên các cơ quan chuyên môn trả lời không đủ thẩm quyền. Do đó, ông kiến nghị chính quyền có hướng dẫn, sớm giao khu vực biển để bà con yên tâm nuôi trồng thủy sản, cũng như đầu tư công nghệ, chẳng hạn như chuyển lồng bè bằng gỗ sang lồng HDPE để thích ứng thiên tai.

 

 

Ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh xác nhận, hiện trên địa bàn chưa có tổ chức, cá nhân nào được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè. Ông cho biết, nguyên nhân do vùng nuôi trên địa bàn chưa có quy hoạch rõ ràng, từ đó địa phương chưa có căn cứ giao khu vực biển cho người dân nuôi trồng thủy sản.

 

“Hiện nay bà con nuôi thủy sản lồng bè trong vùng quy hoạch tạm thời theo Quyết định 5321 của UBND tỉnh Khánh Hòa, theo đó trên địa huyện còn 4 vùng nuôi được phép với tổng diện tích 350 ha. Tuy nhiên trong vực nuôi tạm thời này, bà con chưa ai được giao khu vực biển”, ông Ý chia sẻ.

 

Đối với kiến nghị của HTX Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong, theo ông Nguyễn Ngọc Ý, HTX thuộc tổ chức nên để cấp khu vực biển nuôi trồng thủy sản phải lập dự án xin thuê khu vực biển, sau đó trình lên UBND tỉnh hoặc Ban Quản lý khu Kinh tế Vân Phong xem xét, giải quyết. Sau khi có quyết định cho thuê khu vực biển để nuôi trồng thủy sản thì địa phương có căn cứ làm hồ sơ cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè.

 

Bà Nguyễn Thị Toàn Thư, phụ trách Phòng nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) cho biết, tính đến tháng 10/2023, toàn tỉnh có 74.330 ô lồng nuôi tôm hùm và hơn 10.000 ô lồng nuôi cá biển. Tuy nhiên đến nay, toàn tỉnh chưa có hộ nuôi nào được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè.

 

Vấn đề này không chỉ ở tỉnh Khánh Hòa mà hầu như các địa phương khác cũng như vậy. Bởi muốn cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, các địa phương phải giao khu vực biển hoặc hợp đồng cho thuê khu vực biển cho người nuôi.

 

Tuy nhiên để giao khu vực biển, các địa phương phải căn cứ quy hoạch không gian biển quốc gia cùng với quy hoạch của địa phương về sử dụng khu vực biển. “Hiện nay quy hoạch không gian biển quốc gia trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến. Nên các địa phương cũng không có căn cứ để giao khu vực biển được”, bà Thư chia sẻ.

 

Phú Yên cũng vướng cấp 

Bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết, toàn tỉnh có khoảng 2.000 ha ao đìa nuôi tôm, cá nước lợ, mặn và khoảng 100.000 lồng/bè nuôi tôm hùm và cá biển.

 

 

Tuy nhiên đến nay, toàn tỉnh chỉ mới cấp được 1 giấy chứng nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè (dự án đầu tư nước ngoài) và 133 giấy chứng nhận đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

 

Đối với các cơ sở còn lại chưa được cấp giấy chứng nhận do hồ sơ không đảm bảo, chẳng hạn như chưa có chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất, mặt nước để nuôi trồng thủy sản hoặc giấy phép nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện hoặc quyết định giao khu vực biển hoặc hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.

 

Trước tình hình này, Chi cục Thủy sản Phú Yên đề nghị Cục Thủy sản có văn bản và giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực đối với các cơ sở chưa đủ điều kiện hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận để thuận lợi cho công tác quản lý. Ngoài ra, cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn kỹ thuật đối với lồng bè nuôi biển để tạo cơ sở, đăng ký cho cơ quan quản lý địa phương thẩm định, tham mưu cấp phép nuôi biển theo quy định.

 

Về vấn đề kiến nghị của Phú Yên, ông Nguyễn Văn Hữu, Phó trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản) cho rằng, đăng ký nuôi trồng thuỷ sản lồng bè được Chính phủ quy định tại Nghị định 26 và Nghị định 11. Để tháo gỡ khó khăn cần sửa đổi các văn bản nêu trên.

 

Theo ông Hữu, ngày 23/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2177 về phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ NN-PTNT, trong đó cho phép bãi bỏ điểm b khoản 2 Điều 36. Đến nay Bộ NN-PTNT đã trình sửa đổi Nghị định 26, trong đó đã bỏ điểm b khoản 2 Điều 36.

 

Quy định cấp xác nhận nuôi lồng bè

Theo tìm hiểu của chúng tôi về đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực được thực hiện theo Điều 36, Nghị định 26 của Chính phủ. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh là cơ quan tiếp nhận, thẩm định và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

 

 

 

Hồ sơ đăng ký bao gồm: Đơn đăng ký theo mẫu số 26.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghi định 26; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản hoặc giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện hoặc quyết định giao khu vực biển hoặc hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; sơ đồ mặt bằng vị trí ao/lồng nuôi có xác nhận của chủ cơ sở.

 

Đối với hồ sơ đăng ký lại bao gồm: Đơn đăng ký lại theo mẫu số 27.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghi định 26 của Chính phủ; bản chính giấy xác nhận đăng ký đã được cấp (trừ trường hợp bị mất). Trường hợp có sự thay đổi chủ cơ sở nuôi phải có giấy tờ chứng minh; thay đổi diện tích ao nuôi, mục đích sử dụng phải có sơ đồ mặt bằng vị trí ao/lồng nuôi có xác nhận của chủ cơ sở.

 

Trình tự đăng ký, đăng ký lại nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực bao gồm: Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh, Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh xem xét, cấp giấy xác nhận theo mẫu số 28.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghi định 26 ngày 08/3/2019 của Chính phủ.

 

Còn đăng ký lại nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực khi thuộc một trong các trường hợp sau: giấy xác nhận đăng ký bị mất; bị rách; thay đổi chủ cơ sở nuôi; thay đổi diện tích ao nuôi; thay đổi đối tượng nuôi; thay đổi mục đích sử dụng.

 

Kim Sơ

 

 

Bình luận