Phát triển ngành thủy sản bền vững: [Bài 1] Rắc rối quản lý khu bảo tồn biển

Bình luận · 157 Lượt xem

Khu bảo tồn biển có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học biển, mang lại nhiều lợi ích cả về mặt môi trường cũng như kinh tế - xã hội.

Hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đang dần được hình thành và đi vào hoạt động, góp phần vào mục tiêu bảo vệ các hệ sinh thái biển, bảo tồn các loài thủy sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học và giải trí, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tại một số khu bảo tồn biển còn nhiều tồn tại, hạn chế. Các hoạt động khai thác bất hợp pháp trong vùng lõi vẫn còn diễn ra nên chưa thực sự mang lại hiệu quả, cần khắc phục trong thời gian tới.

 

Theo Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 thành lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển. Tổng diện tích chiếm 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam được quy hoạch thành khu bảo tồn biển để thiết lập cơ chế quản lý. Tuy nhiên, đến nay, mới có 11 khu bảo tồn biển được thành lập và thiết lập cơ chế quản lý, với tổng diện tích vùng biển được quản lý trong khu bảo tồn biển đạt 0,185% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam.

 

Theo bà Bùi Thị Thu Hiền, Quản lý Chương trình biển và vùng bờ, Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN Việt Nam, các khu bảo tồn biển đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo vệ các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, gò đồi ngầm tạo môi trường cho các loài thuỷ sinh vật biển sinh sống và phát triển.

 

“Mặc dù khu bảo tồn biển có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học biển, mang lại nhiều lợi ích cả về mặt môi trường cũng như kinh tế - xã hội, tuy nhiên lĩnh vực này lại chưa thực sự được quan tâm, ưu tiên phát triển; nguồn lực cho lĩnh vực này còn hết sức hạn chế, cả nguồn lực về tài chính và con người. Một só khu bảo tồn biển đã được thành lập nhưng chỉ hoạt động cầm chừng do thiếu nguồn lực.

 

Bên cạnh đó, áp lực, thách thức với các khu bảo tồn biển hiện nay ngày càng lớn, đặc biệt là hoạt động đánh bắt thủy sản theo các phương pháp hủy diệt không bền vững; ô nhiễm biển từ đất liền và trên biển; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động du lịch, đặc biệt trong các đảo vùng lõi; hoạt động phát triển vùng bờ; nhân sự và tài chính chưa đủ…

 

Ngoài ra, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, thiếu chính sách khuyến khích, áp lực giữa bảo tồn và phát triển kinh tế, nhận thức của cộng đồng cư dân trong và xung quanh các khu bảo tồn biển thấp; thiếu cán bộ có chuyên môn sâu về quản lý bảo tồn biển; thiếu các công cụ giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của khu bảo tồn cũng ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý khu bảo tồn biển.

 

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Cục Kiểm ngư, Bộ NN-PTNT) cho rằng, thực tế hiện nay ở một số khu bảo tồn biển còn khá lơi lỏng trong công tác quản lý. Như ở tỉnh Quảng Ngãi, có tình trạng ngư dân sử dụng xung điện để đánh bắt trong cả vùng lõi của khu bảo tồn. Trong khi đó, nếu sử dụng xung điện để đánh bắt thì sẽ làm chết san hô, ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái.

 

“Tài nguyên biển không vô tận, mặc dù là tài nguyên tái tạo, nếu chúng ta không giữ gìn, trân trọng, bảo vệ thì trong tương lai không xa, các hệ sinh thái biển sẽ dần bị suy thoái, nhiều loài thủy sinh vật biển có thể sẽ bị suy giảm không có khả năng phục hồi. Trên thế giới đã có nhiều hệ sinh thái bị suy thoái và không đủ nguồn lực con người để phục hồi lại. Nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ, thì trong tương lai không xa, nhiều vùng biển Việt Nam có thể trở thành “Thủy mạc”", ông Hùng trăn trở.

 

PGS. TS Võ Sĩ Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, hiện nay, hiệu quả quản lý của các khu bảo tồn biển chưa đạt như mong muốn. Vấn đề thực thi pháp luật trên biển còn rất nhiều hạn chế dẫn đến ngay cả những vùng lõi cũng không còn được quản lý tốt và đã bị khai thác quá mức. Vậy nên, nhiều nguồn lợi quý hiếm như hải sâm, bào ngư, tôm hùm trong các khu bảo tồn biển hiện nay không còn nữa.

 

Từ thực tế này, yêu cầu cấp thiết là phải tăng cường công tác quản lý cũng như đảm bảo thực thi pháp luật tốt ở các khu bảo tồn. Theo đại diện Cục Kiểm ngư, trong thời gian tới, Nhà nước sẽ có sự đầu tư để mở rộng các khu bảo tồn biển cũ đồng thời thành lập mới thêm một ố khu bảo tồn ở dọc các tỉnh ven biển trên cả nước, nâng diện tích biển được bảo tồn lên khoảng 455.000ha, chiếm 0,454% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.

 

Ngoài đầu tư, quản lý tốt các khu bảo tồn, IUCN Việt Nam cũng đề xuất thêm các giải pháp như mở rộng các khu vực được bảo vệ như: Khu vực đa dạng đa dạng sinh học cao (các vùng nước trồi, vùng rạn ngầm, vùng gò đồi ngầm); khu duy trì nguồn giống thủy sản; khu vực có biện pháp bảo tồn hiệu quả khác (OECMs); khu bảo tồn biển di động (mMPAs), có ranh giới thay đổi theo không gian và thời gian, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các loài di cư. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp đầu tư vào nguồn vốn thiên nhiên - xu thế toàn cầu mà Việt Nam cũng cần phải chuẩn bị để thực hiện.

 

Lê Khánh

 

Bình luận