Sáng 18/11, Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức Lễ tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam và tổng kết công tác đào tạo, trao bằng tiến sĩ năm 2023.
TS. Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, buổi lễ là dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và cũng là kỷ niệm 29 năm ngày Thủ tướng Chính phủ ký quyết định giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ lĩnh vực chăn nuôi cho Viện Chăn nuôi (ngày 18/11/1994).
Theo TS. Phạm Công Thiếu, Việt Nam từ ngàn đời xưa đã có truyền thống tôn sư trọng đạo. Các thầy cô là những người lái đò cần mẫn trên dòng sông tri thức để tạo ra những công dân có trí tuệ, có phẩm giá.
"Đầu tư tri thức là đầu tư sinh lời nhất. Sau lương thực thực phẩm, giáo dục là nhu cầu số một của mỗi quốc gia. Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ trở thành động lực chính để xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn sánh vai với cường quốc năm châu như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, TS. Phạm Công Thiếu nhấn mạnh.
Với tinh thần đó, Viện trưởng Viện Chăn nuôi kỳ vọng, những nghiên cứu sinh của Viện sẽ tiếp tục có những đề tài khoa học, đem lại giá trị thực tiễn cao, góp phần vào công cuộc tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và công nghiệp.
Báo cáo kết quả đào tạo, PGS.TS Chu Mạnh Thắng, Trưởng phòng Khoa học đào tạo và Hợp tác quốc tế, Viện Chăn nuôi cho biết, từ năm 1994 - 2023, Viện có hơn 100 lượt nghiên cứu sinh tham chương trình đào tạo. Trong đó, hơn 60% nghiên cứu sinh hoàn thành và gần 40% nghiên cứu sinh chưa hoàn thành.
Trong số nghiên cứu sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo tại cơ sở, lĩnh vực chăn nuôi chiếm hơn 55%; dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi chiếm gần 22%; di truyền và chọn giống vật nuôi chiếm gần 23%.
Năm học 2022 - 2023, Viện đã tổ chức thành công bảo vệ luận án cấp cơ sở cho 5 nghiên cứu sinh và 7 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án cấp Viện, đạt 150% so với kế hoạch. Viện làm thủ tục công nhận học vị tiến sĩ cho 6 nghiên cứu sinh.
Số nghiên cứu sinh tốt nghiệp năm 2023 chiếm 33% ở ngành chăn nuôi động vật, 17% ở di truyền chọn giống vật nuôi và 50% ở dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi.
Để công tác đào tạo đạt hiệu quả, Viện đã xây dựng kế hoạch tổ chức giảng dạy các học phần môn học, tổ chức kiểm tra thực địa, thúc đẩy tiến độ cho các nghiên cứu sinh theo học tại Viện. Bên cạnh đó, Viện cũng mở các cuộc hội thảo chuyên đề, seminar, trao đổi học thuật, ứng dụng “Hệ thống quản lý Đào tạo trực tuyến của Viện Chăn nuôi”.
Về kết quả khoa học và công nghệ, trong năm học 2022 - 2023, Viện Chăn nuôi triển khai 173 nhiệm vụ các cấp. Trong đó, 12 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 42 nhiệm vụ cấp Bộ.
Viện tham gia chuyển giao công nghệ, thực hiện 69 nhiệm vụ khoa học - công nghệ với các doanh nghiệp, địa phương, phối hợp viện trường và các đề tài cơ sở. Viện đã phê duyệt thuyết minh 33 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2023 cho toàn khối Viện và đang tích cực triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Viện Chăn nuôi cũng tiến hành nhiều hợp tác quốc tế và hợp tác địa phương trong đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương nghiên cứu, hợp tác, phát triển về lĩnh vực chăn nuôi.
Trong định hướng năm tới, Viện đặt mục tiêu làm tốt công tác tổ chức tuyển sinh năm học 2023 – 2024, phấn đấu đạt từ 2-3 nghiên cứu sinh. Tổ chức giảng dạy 6-8 học phần môn học theo đúng kế hoạch và tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở cho 3-4 nghiên cứu sinh và cấp Viện cho 2-3 nghiên cứu sinh.
Tại buổi lễ, Viện Chăn nuôi đã công bố Quyết định và trao bằng tiến sĩ cho 6 nghiên cứu sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo trong năm 2023, gồm: TS. Tạ Văn Cần, TS. Phạm Hải Ninh, TS. Tạ Thị Hương Giang, TS. Nguyễn Mạnh Tường, TS. Lê Thị Mai Hoa, TS. Lê Văn Hà.
Chia sẻ cảm xúc sau khi nhận quyết định, ông Nguyễn Mạnh Tường, tân tiến sĩ gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến các thầy cô tại Viện Chăn nuôi. Viện là cơ sở vừa nghiên cứu, vừa đào tạo, có công tác quản lý điều hành chặt chẽ, quy trình thủ tục rõ ràng, tạo điều kiện tốt nhất cho các nghiên cứu sinh.
Phương Thảo