TP.HCM - ĐBSCL liên kết phát triển chuỗi giá trị kinh tế xanh, bền vững

Bình luận · 197 Lượt xem

Việc tăng cường liên kết TP.HCM - ĐBSCL sẽ tạo ra sự đồng bộ trong phát triển kinh tế, mở ra cơ hội kinh doanh, đầu tư cho các doanh nghiệp, hướng đến Net Zero.

Hình thành các chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao

Ngày 11/1/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. 

 

Đây không chỉ là cơ hội để 2 "đầu tàu kinh tế" - TP.HCM và TP Cần Thơ phát triển, mà còn là cơ hội, lan tỏa để cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng Đông Nam Bộ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Qua đó, tác động đến liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL và TP.HCM.

 

 

Vì vậy, việc liên kết để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của TP.HCM và vùng ĐBSCL là giải pháp lâu dài nhằm ổn định và phát triển theo định hướng chung, hướng tới NetZero.

 

Đó là nhận định của các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia tại Phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect 2023, do UBND TP.HCM phối hợp Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại TP.HCM, ngày 16/11.

 

Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, việc nghiên cứu khai thác thế mạnh đặc thù, vận dụng cơ chế chính sách giữa 2 thành phố trực thuộc Trung ương trở thành cấp thiết để cùng chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, tìm ra cơ hội, phát huy thế mạnh, tiềm năng.

 

Đặc biệt, Dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ (gọi tắt là Trung tâm liên kết) được hưởng cơ chế chính sách đặc thù và được kỳ vọng sẽ tạo nên động lực tăng trưởng mới cho cả vùng và TP Cần Thơ.

 

 

Đánh giá thực trạng về liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, ông Trường cho biết, thời gian qua, ĐBSCL đã hình thành đa dạng các liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên, chủ yếu vẫn là liên kết theo ngành, cụm ngành hàng chủ lực như thủy sản, lúa gạo, cây ăn trái, rau màu. Do đó, dẫn đến hiệu quả chưa cao, thiếu tính bền vững, đặc biệt vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi.

 

Các hình thức liên kết còn lại chỉ dừng ở giai đoạn thử nghiệm. Do vậy, việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao là rất cần thiết, làm hạn chế việc mất đồng bộ về cung cầu, khắc phục tính dễ bị tổn thương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.

 

Trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ nhìn nhận, luôn thiếu hụt nguồn cung ứng giống cây trồng chất lượng, thiếu năng lực kỹ thuật, quản lý của người nông dân, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ.

 

Chế biến và gia công sản phẩm nông nghiệp là khâu yếu nhất. Các nhà máy chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu của nguồn nguyên liệu đến từ nông dân, gây lãng phí và giảm giá trị sản phẩm nông nghiệp.

 

Vùng ĐBSCL đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường tiêu thụ. Các kênh phân phối chưa được phát triển, rất khó tiếp cận các kênh bán lẻ. Đặc biệt hơn, ĐBSCL thiếu cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ chế biến nông sản nên chưa tạo được động lực phát triển vùng, vốn có lợi thế về sản xuất nông nghiệp.

 

Trong bối cảnh đó, ngày 7/7/2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả cao; xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực của vùng. Theo đó, đến năm 2025, vùng ĐBSCL tập trung xây dựng, phát triển 8 Trung tâm đầu mối về nông nghiệp.

 

Trong đó, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ sẽ là động lực thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL. Đây sẽ là "một điểm đến đa dịch vụ” góp phần hình thành chuỗi sản xuất liên kết gắn với 3 nhà: Nhà nông - Nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Qua đó, khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm.

 

 

Bến Tre sẽ trở thành “vệ tinh” cho TP.HCM

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn nhìn nhận, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và trước những tác động từ tình trạng biến đổi khí hậu, từng địa phương, từng vùng không thể đứng ngoài bước đi có tính tất yếu này. Vì vậy, thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã tiến hành liên kết với nhau để hình thành các tiểu vùng: Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau,…

 

Ông Sơn cho rằng, Bến Tre đang nằm giữa hai trung tâm lớn nhất khu vực và cả nước. Do đó, Bến Tre sẽ tận dụng mọi điều kiện, lợi thế nhằm thúc đẩy liên kết và đồng hành cùng các thành phố để thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung, hướng tới mục tiêu lớn hơn, xa hơn cho cả khu vực và cả nước.

 

"Bến Tre sẽ trở thành “vệ tinh” cho TP.HCM trong các lĩnh vực: công nghiệp, giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, đô thị", ông Nguyễn Trúc Sơn nói và cho biết thêm, trong kế hoạch phát triển của Bến Tre thời gian tới sẽ tập trung phát triển cả về chất lượng và số lượng doanh nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp. Trong giai đoạn 2021-2025, Bến Tre xây dựng chương trình “Phát triển 100 doanh nghiệp dẫn đầu” gắn liền với xây dựng và phát triển gắn liền với chuỗi giá trị lợi thế của tỉnh như cây ăn trái, thủy sản, chăn nuôi. 

 

Theo ông Sơn, Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá cho vùng trong những năm tới.

 

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết này phải được cụ thể hóa thành kế hoạch hành động đối với các lĩnh vực có ưu thế và tăng cường gắn kết khu vực ĐBSCL. Vì vậy, việc kết nối về hạ tầng giao thông, hạ tầng sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản trong và ngoài khu vực là vấn đề cần ưu tiên trước mắt của khu vực.

 

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho rằng, để liên kết vùng hiệu quả, công tác quy hoạch tích hợp cho cả vùng ĐBSCL rất quan trọng. Sau 2 năm triển khai thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL, hàng loạt các công trình đầu tư trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi được triển khai như: dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1; 3 tuyến cao tốc xương sống gồm: cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu… Khi các công trình này hoàn thành, sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, mở ra không gian phát triển mới cho cả vùng.

 

Để hoàn thiện quy hoạch tích hợp ĐBSCL một cách hiệu quả cũng như để thực hiện chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội một cách căn cơ và bền vững hơn, ông Lam cho rằng, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần tháo nút thắt lớn nhất về thể chế.

 

Tại Diễn đàn Mekong Connect 2023, các đại biểu cho rằng, khu vực ĐBSCL là một trong những vùng đất giàu có về tài nguyên, đóng góp quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trong đó, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất và là cửa ngõ giao thương lớn của cả nước.

 

Việc tăng cường liên kết của hai khu vực này sẽ tạo ra sự đồng bộ trong phát triển kinh tế, đồng thời mở ra cơ hội kinh doanh, đầu tư cho các doanh nghiệp.

 

Để đạt được mục tiêu này, cần phải có những đòn bẩy cơ chế, chính sách cụ thể để tăng cường liên kết kinh tế, thương mại giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL. Đặc biệt,trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần có sự kiên trì nỗ lực của các địa phương, các Bộ ngành Trung ương để có những giải pháp thích ứng và dài hạn vì mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, giảm nhẹ tổn thương do biến đổi khí hậu, nhằm thúc đẩy việc hợp tác, liên kết phát triển theo hướng bền vững.

 

Nguyễn Thủy

 

Bình luận