Cần Thơ khởi động mục tiêu 4.000ha lúa hữu cơ

Bình luận · 178 Lượt xem

Tuy không phải nằm trong Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 của Chính phủ, Cần Thơ vẫn quyết tâm hình thành vùng lúa hữu cơ khoảng 4.000ha.

 

Tuy không phải là địa phương nằm trong Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 của Chính phủ nhưng Sở NN-PTNT TP Cần Thơ vẫn quyết tâm hình thành vùng sản xuất lúa hữu cơ với quy mô dự kiến khoảng 4.000ha.

 

Bước đi đầu tiên, địa phương này đang tiến hành khảo sát một số vùng có tiềm năng đưa vào quy hoạch phát triển mô hình lúa hữu cơ, với các tiêu chí kỹ thuật được đưa ra khá khắt khe là: Đảm bảo 100% không sử dụng và ngăn chặn các yếu tố hóa học đầu vào; không sử dụng giống biến đổi gen; thiết kế lại hệ thống thủy lợi độc lập để đảm bảo đồng bộ nguồn nước…

Về định hướng này, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, ông Trần Thái Nghiêm cho biết, khi đã quy hoạch được khu vực sản xuất lúa hữu cơ, bằng nhiều hình thức, ngành nông nghiệp sẽ tác động các biện pháp canh tác để đảm bảo điều kiện thanh thải yếu tố hóa học. Giai đoạn chuyển đổi này mất từ 2 – 3 năm, đồng nghĩa trong khoảng thời gian này nông dân và doanh nghiệp phải chấp nhận việc năng suất lúa bị giảm sâu.

 

Điều này đặt ra vấn đề, nếu mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp không chặt chẽ, doanh nghiệp không đi đường dài, không tâm huyết, vậy ai sẽ chấp nhận những tổn thất này?

 

Qua tìm hiểu thực tế, vào năm 2022, đã có doanh nghiệp đặt vấn đề và đầu tư thực hiện mô hình lúa hữu cơ quy mô khoảng 50ha trên địa bàn TP Cần Thơ. Hình thức của mô hình này là doanh nghiệp “bao” lợi nhuận cho bà con nông dân 50 triệu đồng/ha. Thời điểm đó, khoảng đầu tư này được đánh giá khá cao, nông dân có lợi nhuận rất tốt.

Tuy nhiên sau vụ thử nghiệm đầu tiên, doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì và mở rộng. Bởi theo tiêu chuẩn kỹ thuật canh tác lúa hữu cơ, ngoài vấn đề không sử dụng hóa chất tại chỗ trong quy trình canh tác, doanh nghiệp khi lấy nước từ sông phải xây dựng hệ thống công nghệ xử lý nước trước khi đưa vào từng thửa ruộng. Thế nhưng, trải qua quá trình vận động lại chưa có vùng nào đáp ứng đủ vài trăm ha để doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước.

 

Thời gian tới, sau khi hoàn thành khảo sát và công bố vùng sản xuất lúa hữu cơ, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu UBND TP Cần Thơ ban hành quyết định về nguyên tắc canh tác trong vùng lúa hữu cơ.

 

Ông Trần Thái Nghiêm đánh giá, tiềm năng phát triển vùng sản xuất lúa hữu cơ ở TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL rất lớn. Bởi với 25 triệu tấn rơm rạ toàn vùng, nếu được thu gom một cách bài bản sẽ là nguồn phân bón rất dồi dào.

 

Vừa qua, kết quả từ mô hình thực nghiệm của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) triển khai tại TP Cần Thơ cho thấy, 9 tấn rơm sẽ cho ra được 7 tấn phân bón hữu cơ. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ sinh học, TP Cần Thơ hoàn toàn có thể tận dụng và tác động vào quy trình canh tác lúa hữu cơ.

 

Doanh nghiệp “khát” gạo hữu cơ

Công ty Đại Dương Xanh là một trong những doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu gạo hữu cơ vững chắc trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp này cho biết, nông dân tham gia liên kết sản xuất lúa hữu cơ không lo chi phí đầu tư, doanh nghiệp cam kết thu mua với giá từ 7.000 – 8.000 đồng/kg.

 

Hiện nay, Công ty Đại Dương Xanh đang thực hiện liên kết, thu mua lúa cho HTX theo 2 hình thức là lúa hữu cơ (đạt chứng nhận hữu cơ) và lúa dư lượng (sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong giới hạn cho phép).

 

Ông Mai Văn Tùng, quản lý vùng nguyên liệu của Công ty Đại Dương Xanh chia sẻ, việc triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ rất khó. Thực tế khoảng 3 – 4 năm trở lại đây, chỉ khoảng 30% nông dân tham gia liên kết sản xuất tuân thủ theo quy chuẩn Công ty đưa ra, đến vụ đông xuân 2022 – 2023, tỉ lệ này đã tăng lên 70%. Tuy nhiên điều đáng buồn là thời gian qua, giá lúa biến động, nông dân lại lựa chọn quay lại với cách làm cũ.

 

Ông Tùng cho biết, bản thân rất muốn tìm vùng liên kết để sản xuất lúa hữu cơ nhưng chưa thành công và nếu tìm được chi phí đầu tư cũng không nhỏ, bởi hiện nay chỉ riêng vùng lúa - tôm ở tỉnh Kiên Giang và Cà Mau là thực sự thuận lợi để phát triển lúa hữu cơ.

 

Ông Tùng đánh giá, tại TP Cần Thơ, để chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ là vấn đề lớn bởi điều kiện về hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo, đặc biệt là nông dân chưa tin tưởng. Nếu quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ, chỉ cần một nông dân không đồng ý xem như không thể triển khai.

 

TP Cần Thơ được xác định có lợi thế lớn là trung tâm của vùng ĐBSCL, lúa gạo nông dân sản xuất ra hầu như không gặp khó khăn về vấn đề tiêu thụ. Trong đó, huyện Cờ Đỏ được doanh nghiệp đánh giá có tiềm năng lớn phát triển vùng nguyên liệu lúa hữu cơ với đê bao đầy đủ, trạm bơm khép kín, tương lai rất phát triển.

 

Công ty Đại Dương Xanh cũng đã cam kết đồng hành cùng ngành nông nghiệp Cần Thơ để xây dựng một vùng nguyên liệu lúa hữu cơ trên địa bàn Thành phố. Đây là định hướng được Công ty Đại Dương Xanh xác định đầu tư cho tương lai trong bối cảnh xu hướng thế giới đang thiên về các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường.

 

 

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu chuyển đổi, bản thân doanh nghiệp không thể “tự bơi”, cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước trong việc quy hoạch, thiết kế lại hệ thống thủy lợi.

 

Sau khi các điều kiện trên đảm bảo, Công ty Đại Dương Xanh sẽ hợp tác, liên kết với các HTX, tổ hợp tác để trồng lúa hữu cơ theo quy trình doanh nghiệp đưa ra. Đồng thời, cung cấp 100% vật tư đầu vào, nông dân đảm nhận vai trò chăm sóc ruộng lúa. Giá cả sẽ được thỏa thuận, ký kết ngay đầu vụ trên cơ sở lấy giá lúa sản xuất theo phương pháp truyền thống cộng thêm 800 – 1.000 đồng/kg.

 

Trung bình mỗi năm, Công ty Đại Dương Xanh xuất khẩu khoảng 100 nghìn tấn gạo các loại, trong đó, có 700 - 800 tấn gạo hữu cơ, chủ yếu tại các thị trường Anh, Mỹ, châu Âu, Trung Đông, với loại gạo phổ biến là ST5 có đặc tính mềm, khô cơm.

 

Điều phấn khởi là giá gạo hữu cơ khi xuất khẩu cao hơn 40 – 50% so với gạo sản xuất truyền thống, nhu cầu thị trường cũng tăng dần trong 2 năm trở lại đây. Hiện doanh nghiệp này đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa hữu cơ khoảng 800ha thông qua liên kết với 3 HTX ở tỉnh Kiên Giang và 1 HTX ở tỉnh Cà Mau.

 

Lấy tiêu chuẩn GAP làm "bàn đạp" cho hữu cơ

Tại huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang), địa phương này đang có sự dịch chuyển mạnh từ phương pháp trồng lúa truyền thống sang hướng hữu cơ. Giai đoạn 2020 – 2021, bà con nông dân, HTX trên địa bàn huyện được định hướng trồng lúa sử dụng 50% phân bón hữu cơ. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Vị Thủy, hiện trung bình mỗi năm đã có trên dưới 1.500 – 2.000ha lúa được nông dân canh tác theo hướng hữu cơ.

 

 

Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vị Thủy cho biết, với sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, địa phương sẽ xây dựng mô hình khoảng 100ha thực hiện theo tiêu chuẩn GlobalGAP trong vụ đông xuân 2023 - 2024. Đồng thời, nhân rộng 100ha trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để từng bước tiến tới sản xuất lúa hữu cơ.

 

Hiện toàn huyện Vị Thủy đã sở hữu 240ha lúa được chứng nhận VietGAP, tập trung tại HTX Nông nghiệp Tân Long (xã Vĩnh Tường), HTX Nông nghiệp Vị Thủy 1 (xã Vị Thủy) và HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Kiến Thành (xã Vị Bình). 

 

“Ngành nông nghiệp huyện xác định sản xuất theo hướng hữu cơ hoặc các tiêu chuẩn tiên tiến là giải pháp bền vững để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết hàng vụ. Như ở xã Vị Bình, vài năm gần đây bà con nông dân liên kết được với doanh nghiệp, giá thu mua bao giờ cũng cao hơn bên ngoài từ 300 – 500 đồng/kg”, ông Trí phấn khởi chia sẻ.

 

Hiện tổng diện tích lúa trên địa bàn huyện Vị Thủy đã liên kết với doanh nghiệp thu mua đạt 3.000ha và dự kiến mở rộng thêm khoảng trên 1.000ha trong thời gian tới.

 

Ngày 23/6/2020, Thủ tướng Chính phủ có quyết định 885/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030, trong đó có nhiệm vụ hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng có tiềm năng để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm để đầu tư sản xuất hữu cơ.

 

Đối với vùng lúa hữu cơ, diện tích gieo trồng đạt khoảng 50 - 70 nghìn ha vào năm 2025 và khoảng 100 - 150 nghìn ha vào năm 2030. Trong đó có xây dựng mô hình sản xuất tôm - lúa hữu cơ tại một số tỉnh ĐBSCL, quy mô từ 100 - 200ha.

 

Kim Anh

Bình luận