Người dân thôn Pác Châm (xã Bành Trạch) cho biết, tại nhiều vị trí, lòng sông Năng đã rộng gấp đôi so với cách đây 10 năm. Điều này đồng nghĩa với việc diện tích đất sản xuất ngày bị thu hẹp, có nhiều thửa ruộng ven bờ đã biến mất.
Dọc bờ sông Năng, nhiều nơi đất sản xuất bị sạt lở tạo thành taluy thẳng đứng cao từ 2 đến 3m so với mặt sông. Trong khi đó, hầu hết người dân sống hai bên bờ dựa vào sản xuất nông nghiệp nên mỗi mùa mưa lũ đến, kế sinh nhai của họ lại bị đe dọa.
Tỉnh Bắc Kạn có 3 con sông lớn là sông Cầu, sông Năng và sông Bắc Giang, sau mỗi mùa mưa lũ, sạt lở bờ sông diễn ra ở nhiều nơi. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, diện tích đất canh tác bị xói lở tại tỉnh Bắc Kạn khoảng 370ha.
Bắc Kạn có diện tích tự nhiên khá lớn, nhưng chủ yếu là đồi núi, đất chuyên dùng để sản xuất nông nghiệp chỉ có hơn 44.000ha. Do đó, tình trạng sạt lở bờ sông như hiện nay khiến diện tích đất nông nghiệp dần thu hẹp, tư liệu sản xuất của người dân bị ảnh hưởng.
Trước thực trạng này, tỉnh Bắc Kạn quản lý chặt chẽ việc cấp phép khai thác cát, sỏi dưới lòng sông. Một số mỏ được cấp phép phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến đất sản xuất, không làm thay đổi dòng chảy, được người dân sở tại đồng thuận.
Ngoài ra, ở những vị trí xung yếu thường xuyên sạt lở, ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, nhà cửa, tỉnh Bắc Kạn tập trung nguồn lực xây kè. Trong đó, dự án kè chống xói lở hai bờ sông Cầu (đoạn qua thành phố Bắc Kạn) đã hoàn thành. Tại huyện Chợ Mới, một số vị trí xung yếu dọc hai bờ sông Cầu (thuộc xã Nông Hạ và thị trấn Đồng Tâm) cũng đã được đầu tư xây kè, kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng.
Ông Hoàng Nguyễn Việt, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết, từ nhiều nguồn khác nhau, hàng năm huyện cố gắng cân đối ngân sách đầu tư xây kè chống xói lở ở những vị trí xung yếu nhất, đặc biệt là những nơi bờ sông có thể sạt lở đến khu dân cư. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, một số dự án cấp bách phải chờ nguồn vốn của tỉnh và trung ương đầu tư.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư được 10 công trình kè bảo vệ bờ sông, suối với tổng kinh phí gần 170 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương bố trí hơn 27 tỷ đồng.
Những công trình này đã góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, chống sạt lở bờ sông, suối, bảo vệ an toàn cho khu dân cư, đất canh tác, công trình hạ tầng của nhà nước.
Qua rà soát, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn có 16 khu vực sạt lở bờ sông, suối ở mức độ nguy hiểm cần đầu tư xây dựng công trình, nhu cầu vốn hơn 1.000 tỷ đồng.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục đầu tư một số dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, suối. Theo đó, đầu tư kè chống sạt lở bờ sông Năng thuộc xã Thượng Giáo và thị trấn Chợ Rã (huyện Ba Bể), bờ sông Bắc Giang thuộc thị trấn Yến Lạc (huyện Na Rì), tổng chiều dài hơn 1,7km. Tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Trung ương do Bộ NN-PTNT quản lý.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn cũng sẽ cân đối nguồn vốn, hàng năm đầu tư một số dự án quy mô vừa và nhỏ để giải quyết sự cố sạt lở bờ sông, suối thuộc diện cấp bách.
Ngọc Tú