'Xắn tay' trồng lúa sinh thái, kéo sếu đầu đỏ trở về

Bình luận · 193 Lượt xem

Nông dân ở các vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim đang bắt tay lan tỏa sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nhằm cải thiện môi trường, kéo sếu đầu đỏ trở về.

 

 

Từ trên cao nhìn xuống, khu vực này được chia thành 2 vùng rõ rệt, vùng ô bao khép kín được nông dân sản xuất 3 vụ lúa/năm. Phía đối diện chỉ cách một con kênh là vùng chuyên canh 2 vụ lúa/năm. Mùa này nước lũ đầu nguồn chảy về thấp hơn mọi năm nên việc nuôi trồng thủy sản nơi đây cũng khá yên ắng.

 

Theo những nông dân sống cố cựu nơi đây, hơn chục năm trước, các loài chim, cò tìm đến kiếm ăn ở vùng đệm rất nhiều. Hai phía bờ khô và bờ giữ nước rất phù hợp với điều kiện và đặc điểm thích nghi của từng loài.

 

Chỉ tay về phía ruộng lúa đối diện, ông Nguyễn Văn Mẫn ở ấp Phú Xuân, xã Phú Đức cho hay, nơi này trước đây là những cánh đồng năn. Bà con đã nhiều lần bắt gặp sếu đầu đỏ đến kiếm ăn và sinh sống.

 

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, nhất là người dân sản xuất quanh vùng đệm phần lớn sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ sâu bệnh nên đã ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài chim, cò và sếu đầu đỏ. Từ đó số lượng sếu về Tràm Chim càng lúc càng giảm.

 

Ghi chép của Phòng NN-PTNT huyện Tam Nông cho thấy, trước kháng chiến chống Mỹ, người dân đã thấy sếu đầu đỏ sinh sống ở vùng Tràm Chim. Trong thời chiến, do không thực hiện khảo sát khoa học nên chưa có dữ liệu ghi nhận về sự xuất hiện của loài chim quý hiếm này.

 

Đến năm 1985, sếu đầu đỏ được tái phát hiện ở Tràm Chim. Đặc biệt, năm 1988, thời điểm số lượng sếu được ghi nhận lên đến hơn 1.000 cá thể. Cuối năm 1990, Vườn Quốc gia Tràm Chim được xem là khu vực có nhiều sếu đầu đỏ nhất trong vùng hạ lưu sông Mê Kông.

 

Sự hiện diện của sếu đầu đỏ là một trong những lý do quan trọng cho việc hình thành khu bảo tồn đất ngập nước Tràm Chim, tiền thân của Vườn Quốc gia Tràm Chim ngày nay.

 

Tỉnh Đồng Tháp xác định việc phát triển vùng sản xuất lúa sinh thái tại vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim là cần thiết nhằm tạo điểm đến an toàn cho sếu. Đồng thời, góp phần vào công tác phục hồi đa dạng sinh học, tạo môi trường an toàn cho các loài chim di cư và đến sinh sống tại Vườn Quốc gia.

 

Hiện toàn huyện Tam Nông có trên 32.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó gần 30.000ha canh tác lúa. Thời gian gần đây, quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường được nông dân quan tâm, tuy nhiên quy mô vẫn còn nhỏ lẻ.

 

Kế hoạch phát triển vùng lúa hữu cơ, sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim đã được phát động rộng rãi trong nông dân và bước vào mùa vụ thứ 2.

 

Dự kiến, kế hoạch sẽ được triển khai trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2023 – 2027) sẽ đầu tư phát triển sản xuất 200ha lúa sinh thái kết hợp vùng nuôi thả sếu tự nhiên tại 2 xã Phú Đức và Tân Công Sính. Đồng thời xây dựng và cho ra đời nhãn hiệu Gạo Sếu gắn với doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ. Phòng NN-PTNT huyện Tam Nông sẽ triển khai hỗ trợ cho người dân ghi chép nhật ký đồng ruộng điện tử, tích hợp mã QR để truy xuất nguồn gốc, quá trình sản xuất.

 

Giai đoạn 2 (từ 2028 – 2032) sẽ kế thừa, nhân rộng diện tích canh tác sinh thái lên 950ha. Đồng thời thực hiện chuyển đổi vùng trồng lúa sinh thái thành công ở giai đoạn 1 sang tiêu chuẩn hữu cơ đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.

 

Kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa sinh thái tại vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim hướng tới thực hiện các mô hình sinh kế cho người dân vùng đệm thông qua lồng ghép các chính sách hỗ trợ về cây, con giống, trang thiết bị sản xuất, đào tạo nghề… tạo thu nhập ổn định cho bà con. Cách làm này sẽ hạn chế được tình trạng người dân xâm nhập vào rừng trái phép. Cư dân vùng đệm cũng trở thành lực lượng hỗ trợ đắc lực cho địa phương trong công tác bảo vệ rừng.

 

Cần những nông dân tiên phong

Ông Lưu Văn Tiến, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tam Nông cho biết, vụ hè thu 2023, đơn vị bắt đầu vận động nông dân vùng đệm tham gia thử nghiệm trồng lúa theo hướng hữu cơ. Quá trình này gặp rất nhiều khó khăn, bà con nông dân đăng ký tham gia rất nhiều, lên tới cả trăm ha. Tuy nhiên khi bước vào sản xuất thực tế, nhiều hộ xin rút lui, diện tích giảm lại chỉ còn 37ha.

 

Ông Nguyễn Văn Mẫn là một trong số ít nông dân tiên phong tham gia chuyển đổi 10ha canh tác lúa truyền thống sang trồng lúa theo hướng hữu cơ. Bởi theo ông Mẫn, sếu đầu đỏ đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào với mỗi người dân ở Tam Nông, việc phục hồi môi trường tự nhiên cho sếu sinh sống rất cần sự chung tay của cộng đồng. Ngoài ra, ông cũng vận động những “anh em chí cốt” tập sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

 

 

Nông dân khi tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí lúa giống, phân bón hữu cơ, phun thuốc phòng trị. Ngoài ra, trong quy trình canh tác, bà con cũng được khuyến cáo áp dụng kỹ thuật "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm". Đặc biệt, gieo sạ bằng phương pháp tiên tiến như sạ cụm, sạ hàng hoặc máy bay nông nghiệp không người lái (drone) với lượng giống không vượt quá 100kg/ha. Tiến tới từng bước giảm lượng phân bón hoá học từ 30%, 50%, 70% và 100% đến năm 2027.

 

Qua vụ thử nghiệm đầu tiên, ông Mẫn nhận thấy năng suất lúa tương đương so với trồng lúa truyền thống, nhưng chi phí đầu tư giảm đáng kể.

 

“Áp dụng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ trồng được lúa sạch mà còn tốt cho sức khỏe của mình. Trước đây bà con nông dân làm theo tập quán, thấy cây lúa có sâu là xịt, lúa vàng là rải phân. Nhưng bây giờ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm phun thuốc, giảm bón phân nên môi trường ở đây càng ngày càng tốt lên, các loài chim, cò về đây ở dữ lắm. Nếu mình không làm theo hướng này, con cháu sau này cũng không học hỏi gì được”, ông Mẫn bộc bạch.

 

Ông Mẫn cũng cho rằng, nếu nguyên cánh đồng đồng loạt sản xuất theo hướng hữu cơ, nhưng có một vài hộ không đồng tình sẽ ảnh hưởng đến những hộ xung quanh. Do đó, ông kiến nghị chính quyền địa phương vận động những hộ dân này cho thuê lại đất để đảm bảo môi trường tốt.

 

Thành công bước đầu này đã tạo động lực cho ngành nông nghiệp huyện cũng như bà con nông dân mở rộng quy mô. Theo đó, đến vụ thu đông 2023, hơn 112ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ đã được triển khai cho 20 xã viên của HTX Nông nghiệp Phú Xuân.

 

 

Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc HTX đánh giá, nhờ ứng dụng phương pháp canh tác tiên tiến, năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ nhỉnh hơn so với cách làm truyền thống. Đặc biệt, nông dân tham gia mô hình được doanh nghiệp cam kết bao tiêu lúa với mức giá cao hơn 2,5%/kg so với giá thị trường và tăng dần qua từng năm.

 

Sau khi dự án kết thúc, ông Hùng tin tưởng sản phẩm lúa của bà con xã viên sẽ được công nhận là lúa sạch, an toàn và sinh thái, việc tiêu thụ sẽ ngày càng tốt hơn.

 

Theo ông Lưu Văn Tiến, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tam Nông, để việc liên kết giữa doanh nghiệp với bà con trồng lúa theo hướng hữu cơ ở vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim mang tính dài hạn, cần phải duy trì ít nhất 5 năm để nâng cao lợi nhuận cho người dân. Đồng thời, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp xuất khẩu.

 

Đến thời điểm này, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính ở xã Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười) đã thống nhất chủ trương với UBND huyện Tam Nông thực hiện ký kết thu mua lúa sản xuất theo hướng hữu cơ trong vùng dự án.

 

Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và HTX và bà con nông dân sẽ được thực hiện hàng vụ hoặc hàng năm. Doanh nghiệp liên kết tiêu thụ cũng sẽ được gắn nhãn hiệu Gạo Sếu trên bao bì sản phẩm. Đây cũng là cách quảng bá sản phẩm gạo sinh thái kết hợp với bảo tồn sếu đầu đỏ đến đông đảo thị trường trong nước và thế giới.

 

Vườn Quốc gia Tràm Chim đại diện cho hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên cuối cùng còn sót lại của Đồng Tháp Mười xưa. Đây cũng là khu Ramsar thứ 4 Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới. Là nơi kiếm ăn và sinh sống của 232 loài chim, trong đó có 32 loài quý hiếm, 16 loài nằm trong sách đỏ, đặc biệt là sếu đầu đỏ.

 

Kim Anh

Bình luận