Cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, khai thác dư địa thị trường Đông Bắc Á

Bình luận · 179 Lượt xem

Người sản xuất, doanh nghiệp chế biến Việt Nam được cung cấp các thông tin kết nối thị trường Đông Bắc Á để mở rộng khai thác dư địa, tiềm năng khu vực này.

 

Hiện nay, Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản đến nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, khu vực Đông Á “nổi lên” là thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng để Việt Nam gia tăng xuất khẩu.

 

Đông Á là thị trường xuất khẩu truyền thống nhưng trọng tâm của Việt Nam. Những sản phẩm thủy sản, rau củ quả của nước ta đều ghi nhận lần xuất khẩu đầu tiên đến khu vực này.

 

Do đó, để giúp người sản xuất, doanh nghiệp chế biến, thương mại có thông tin kết nối về thị trường này, ngày 10/11, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), Sở NN-PTNT TP Cần Thơ tổ chức tọa đàm “Kết nối thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường nông sản khu vực Đông Á”.

 

Khu vực Đông Á gồm Đông Bắc Á và Đông Nam Á là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nhiều loại nông sản Việt Nam như: gạo, thủy sản, rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su...

 

Trong đó, khu vực Đông Bắc Á có ba đối tác thương lại lớn của Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm 48% tổng giá trị xuất nhập khẩu của nước ta với thế giới. Ba quốc gia này với dân số khoảng 1,6 tỷ dân, thu nhập bình quân và sức tiêu dùng rất cao. Ông Nguyễn Duy Kiên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đánh giá, đây là thị trường tiềm năng để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn nữa những sản phẩm chất lượng cao.

 

Theo phân tích của ông Kiên, sau dịch Covid-19 và những bất ổn chính trị thời gian qua, câu chuyện trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước đang có những thay đổi. Một số mặt hàng nông sản tăng trưởng rất nhanh, nhưng thủy sản lại chậm. Vì vậy, việc trao đổi, chia sẻ thông tin, định hướng phát triển trong thời gian tới là rất cần thiết.

 

 

Hiện, nước ta đang thực hiện tốt công tác mở cửa thị trường, năng động trong câu chuyện đàm phán gia nhập các Hiệp định Thương mại tự do cả song phương và đa phương. Đặc biệt là tiên phong tham gia những thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Điều này đã mang lại nhiều lợi ích về thuế cũng như cách tiếp cận thị trường tốt cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực thế mạnh như nông, thủy hải sản.

 

9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực Đông Bắc Á đạt 236 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng nông lâm thủy sản có kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD, tăng 14,2%, chiếm 11,3% tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường Đông Bắc Á. Hiện nhóm hàng này chỉ chiếm từ 3 – 4,8% thị phần tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Do đó, ông Kiên cho rằng, dư địa để xuất khẩu sang các thị trường này còn rất lớn, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy.

 

Đặc biệt, đối với thị trường Trung Quốc, trong câu chuyện phát triển thương mại nhất là mặt hàng nông thủy sản, các doanh nghiệp cần quan tâm tiếp cận thị trường Quảng Đông, Quảng Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến. Bởi lâu nay, doanh nghiệp Việt “chuộng” xuất khẩu hàng hóa sang các tỉnh giáp biên giới của Trung Quốc. Thị trường ở phía Bắc hay Hoa Đông còn lớn với sức mua lên tới 400 triệu người, thuộc tầng lớp trung lưu, thu nhập cao, sẵn sàng chi tiền để mua hàng hóa, sản phẩm chất lượng nhưng rất ít sản phẩm của Việt Nam tiếp cận với thị trường này.

 

Hiện nay, thị trường Đông Bắc Á đang đặt ra một số tiêu chuẩn nhập khẩu mới. Điển hình như: Trung Quốc siết chặt quản lý nông thủy sản nhập khẩu, kiểm tra bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc; Hàn Quốc áp dụng hệ thống quản lý danh mục thuốc bảo vệ thực vật (PLS), tăng cường các biện pháp kiểm dịch; hay Nhật Bản tăng cường kiểm dịch.

 

Đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đề xuất doanh nghiệp cần nghiên cứu thông tin để thích ứng với các tiêu chuẩn, xu hướng tiêu dùng mới của thị trường xuất khẩu. Đồng thời, duy trì thị phần thông qua việc tận dụng tối đa các ưu đãi cắt giảm thuế trong các Hiệp định FTA. Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đẩy mạnh việc đưa hàng vào các hệ thống, phân phối lớn tại các nước Đông Bắc Á. Song song đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm khai thác thương mại điện tử xuyên biên giới.

 

Cơ quan này cũng lưu ý doanh nghiệp quan tâm về chính sách thuế quan liên quan đến lệnh 248, 249 của Trung Quốc để đáp ứng đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ phía nước bạn yêu cầu khi xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường này.

 

Đối với các thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải lưu ý giữ uy tín tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đối với nông thủy sản khi xuất vào thị trường này.

 

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu, các sản phẩm của nước ta đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để giữ vững vị thế này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường bày tỏ, “đã có thẻ xanh để vào chợ”, doanh nghiệp phải sản xuất theo tín hiệu thị trường, người tiêu dùng cần mua cái gì, số lượng bao nhiêu, loại hàng nào, chất lượng ra sao và dùng cho mục đích như thế nào… Đặc biệt là phát triển một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững, theo tiêu chuẩn quốc tế.

 

 

Kim Anh

 

Bình luận