Giải pháp nuôi biển bền vững [Bài 1]: Nuôi biển tích hợp đa giá trị

Bình luận · 215 Lượt xem

Trong chuyển đổi nuôi biển từ truyền thống sang công nghiệp, hình thức nuôi biển tích hợp đa ngành sẽ mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế cho người nuôi.

Các địa phương vào cuộc

PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 cho biết, phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp là quy mô sản xuất phải đủ lớn, di chuyển dần từ vùng biển kín ra vùng biển mở, xa bờ, đây là định hướng của ngành nuôi trồng thủy sản trên biển của Việt Nam phải thực hiện trong 20 - 30 năm tới đây.

 

Để chuyển nuôi biển theo thuyên thống sang công nghiệp, việc đầu tiên cần làm là tăng cường tuyên truyền để người nuôi biển nhận thấy việc chuyển đổi sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ví như giảm thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra.

 

“Khi tiếp cận được công nghệ và phương pháp nuôi tiên tiến sẽ giảm được thiệt hại do dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Người nuôi được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nuôi biển như được giao mặt nước, cấp mã số vùng nuôi, hỗ trợ thiệt hại, gia hạn nợ khi xảy ra các rủi ro, sự cố bất thường trong quá trình nuôi; được kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua kênh xúc tiến thương mại…”, PGS.TS Võ Văn Nha nhấn mạnh.

 

Tỉnh Khánh Hòa đã đề ra định hướng rõ ràng. Theo ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, trong thời gian tới đây, đối với vùng biển gần bờ, tỉnh này sẽ thực hiện giao mặt nước biển cho người dân theo Điều 44, Luật Thủy sản 2017 để người nuôi biển yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời hướng dẫn người nuôi biển chuyển đổi từ hình thức nuôi bằng lồng bè gỗ truyền thống sang lồng bằng vật liệu mới (HDPE) chịu được sóng gió, đảm bảo an toàn và mỹ quan, kết hợp với mô hình du lịch biển; nuôi các loại giống mới có giá trị kinh tế, các sản phẩm chủ lực, kết hợp nuôi đa loài để tăng hiệu quả vừa giảm ô nhiễm môi trường.

“Đối với vùng biển hở, Khánh Hòa sẽ kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm có tiềm lực đầu tư nuôi công nghiệp bằng lồng bè hiện đại để tăng nhanh hơn nữa sản lượng nuôi công nghiệp, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi thương phẩm”, ông Quang chia sẻ.

 

Còn tại Phú Yên, tỉnh này đang tổ chức sắp xếp lại kể cả thay đổi vật liệu làm lồng bè và công nghệ nuôi các vùng đầm, vịnh, bãi triểu; đồng thời phát triển đột phá nuôi trồng thủy sản công nghiệp vùng biển mở xa bờ khi hội đủ các điều kiện về kinh tế kỹ thuật, cơ chế chính sách.

 

“Phú Yên định hướng vùng bãi triều đầm, vịnh duy trì khoảng 1.500ha nuôi biển; vùng nước đầm, vịnh khoảng 1.000 ha; vùng biển mở gần bờ và ven bờ khoảng 1.650ha. Nuôi biển sẽ trở thành ngành hàng chủ lực trong lĩnh vực thủy sản, tôm hùm trở thành sản phẩm chủ lực, đóng góp ít nhất 100 triệu USD/năm vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh”, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho hay.

 

Bình Định thì đã tính đến chuyện tổ chức đào tạo nghề nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng cho người dân nuôi biển nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nuôi biển; trong đó tập trung ưu tiên cho việc đào tạo công nghệ lồng nuôi hiện đại và qui trình nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao.

 

“Chúng tôi sẽ xây dựng các mô hình trình diễn nuôi biển bằng hệ thống lồng bè vật liệu mới, vật liệu HDPE, ứng dụng và phát triển công nghệ 4.0 trong quản lý lồng nuôi biển. Tổ chức tuyên truyền, nhân rộng mô hình đạt hiệu quả trong cộng đồng người nuôi biển”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ.

 

Nuôi biển tích hợp đa giá trị

Trong thể chế phát triển nuôi biển công nghiệp chúng ta phải thay đổi tư duy, coi doanh nghiệp là chủ thể, đồng thời phát triển công nghệ tiên tiến, kết hợp với phương thức tích hợp đa ngành.

 

Theo các chuyên gia, chúng ta cần tổ chức lại không gian biển để bảo đảm sự hài hòa giữa khai thác và nuôi trồng, giữa nuôi trồng và chế biến, giữa phát triển thủy sản và phát triển du lịch biển. Các mô hình, hoạt động du lịch biển cần gắn với bảo tồn thiên nhiên, môi trường sinh thái; phát triển bền vững song song với các ngành kinh tế biển như nuôi trồng thủy sản, xây dựng chuỗi giá trị trong nền kinh tế tuần hoàn.

 

Hiện nay, một số loại hình du lịch biển kết hợp nuôi biển là xu hướng ngày càng phổ biến như du lịch trải nghiệm, khám phá các hoạt động chân thực tại địa phương, cơ sở nuôi biển; du lịch đào tạo giao lưu, học hỏi các mô hình, công nghệ mới trong nuôi biển, nuôi trồng thủy sản…

 

Trước những lợi thế từ du lịch kết hợp nuôi biển đem lại, theo các chuyên gia, chính quyền các địa phương cần thiết lập các cụm công nghiệp nuôi biển, đồng thời tăng cường tuyên truyền nhằm giúp cho người nuôi biển nhận biết, triển khai việc cần chuyển đổi sang phương thức, quy mô công nghiệp, giúp gia tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm nuôi trồng, bảo vệ môi trường biển. Ngoài kết hợp giữa du lịch và nuôi biển, cần tích hợp nuôi biển với các ngành kinh tế biển khác như dầu khí, nhựa, điện gió, vận tải biển…

 

PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3: “Mô hình tích hợp nuôi biển với làm du lịch chúng ta cũng cần phải để ý, đặc biệt là các địa phương có biển đang phát triển mạnh về du lịch. Sẽ không còn khái niệm du lịch tiến đến đâu thủy sản lùi tới đó, mà nuôi trồng thủy sản công nghiệp sẽ phát triển song song với du lịch, cả 2 nghề tương tác với nhau để cùng phát triển”.

 

Đình Thung - Kim Sơ

 

Bình luận