Nuôi con đặc sản, thị trường ngách tiềm năng [Bài 1]: Hướng đi khác biệt cho nông hộ

Bình luận · 199 Lượt xem

Nuôi con đặc sản với giá trị kinh tế cao đang là hướng đi hiệu quả cho người chăn nuôi nhỏ lẻ Đồng Nai, giữa bối cảnh nhiều khó khăn bủa vây.

Thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai gần đây có sự dịch chuyển rõ rệt. Chăn nuôi liên kết, quy mô lớn là xu thế tất yếu, đòi hỏi doanh nghiệp và người chăn nuôi phải chuyển đổi nếu không muốn rời cuộc chơi.

 

Từ sau dịch tả heo Châu Phi từ cuối năm 2018 và tình hình dịch bệnh thường xuyên trên đàn gia cầm, kéo theo hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ… bỏ cuộc. Sau đó, cộng thêm, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, đầu ra không ổn định, khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ liên tục thua lỗ, gần như không trụ nổi.

 

Để giúp người nông dân có hướng đi bền vững, định hướng chăn nuôi của Đồng Nai là phát triển những con đặc sản, bản địa mang ưu thế của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong đó, chăn nuôi động vật hoang dã được cấp phép là hướng đi hiệu quả được nhiều nông hộ áp dụng thành công.

 

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, ngoài gia súc, gia cầm, ngành chăn nuôi động vật hoang dã được cấp phép cũng là lợi thế của tỉnh Đồng Nai. Các mô hình này đang chứng minh hiệu quả kinh tế cao, có đầu ra ổn định hơn nhiều so với những vật nuôi khác. Tất nhiên, tất cả cơ sở chăn nuôi đều được Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai quản lý và cấp “giấy khai sinh” cho từng vật nuôi.

 

Theo thống kê, hiện trên địa bàn Đồng Nai có tổng đàn động vật hoang dã lên tới hàng triệu con, tại hơn 700 cơ sở chăn nuôi, với 73 loài khác nhau. Trong đó phải kể đến có khoảng 57 trại nuôi cầy hương, 50 hộ nuôi dúi, 30 hộ nuôi nhím, 154 hộ nuôi nai… trải rộng khắp tỉnh. Các mô hình này hiện đang cho thu lời từ 200 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng mỗi năm, tùy quy mô và loài vật nuôi.

 

“Để góp phần bảo vệ động vật nuôi ổn định và phát triển ngành chăn nuôi bền vững, hàng năm Sở NN-PTNT Đồng Nai tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi nhằm giúp người dân có điều kiện phát triển con nuôi đặc sản quy mô lớn theo định hướng thị trường. Các mô hình này hiện là sinh kế bền vững cho bà con nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh”, ông Trần Lâm Sinh chia sẻ.

 

Ngoài những mô hình nuôi động vật hoang dã, việc nuôi những con đặc sản bản địa cũng là hướng đi bền vững mà Sở NN-PTNT Đồng Nai đang định hướng cho người chăn nuôi. Trong đó, các giống lợn đen, gà bản địa hay chăn nuôi bằng thảo mộc… đang nở rộ nhiều nơi trong tỉnh.

 

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng đang khuyến khích người chăn nuôi nhỏ và vừa dần chuyển sang những mô hình bền vững như con đặc sản, động vật hoang dã. Điều này vừa đảm bảo vấn đề thu nhập cho người chăn nuôi, vừa giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thì câu chuyện đầu ra cho các mặt hàng chăn nuôi này cần phải tính toán kĩ nếu không muốn tiếp tục “đi vào vết xe đổ”.

 

“Chúng ta cần phải tính toán làm sao để ngay từ khi bắt đầu chăn nuôi đã có những hướng đi cho đầu ra. Hoặc là chúng ta liên kết để tạo nguồn hàng lớn cho các doanh nghiệp bao tiêu, hoặc là xác định ngay đầu ra tại chỗ… Có được như vậy thì sản phẩm chăn nuôi mới bền vững hơn”, ông Nguyễn Trí Công bày tỏ.

 

Ông Nguyễn Quốc Nghị (xã La Ngà, huyện Định Quán) có hơn 20 năm nuôi các loại đặc sản như: cá sấu, trăn, rắn, chồn hương, nhím… Thay vì chọn nuôi một con đặc sản, ông Nghị lại lựa chọn nuôi nhiều con cùng một lúc để tránh bị động về đầu ra, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đây cũng là hướng đi mà nhiều nông dân đang áp dụng, giúp sản phẩm luôn được gối đầu và cho thu nhập ổn định.

 

Nhằm chăn nuôi bền vững và đưa sản phẩm đi xa hơn, một số HTX, trang trại nuôi đặc sản tại Đồng Nai đã đầu tư nuôi theo quy chuẩn VietGAP, hữu cơ, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đăng ký sản phẩm OCOP hoặc kết hợp nhiều hình thức quảng bá để sản phẩm đến nhiều người tiêu dùng hơn.

 

HTX Nông trại Dốc Mơ (huyện Thống Nhất) đang cung cấp rất nhiều đặc sản ra thị trường như: heo lai rừng, thỏ… Tất cả các sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi tại nông trại đều được sản xuất hữu cơ. Theo ông Hoàng Công Phước, Giám đốc HTX, nhờ việc chăn nuôi theo hướng an toàn này cộng với sự sáng tạo trong chế biến những món ăn độc lạ nên rất được lòng du khách.

 

Tại nhiều hộ chăn nuôi, chủ trang trại còn lập các kênh YouTube, Tiktok để giới thiệu trại nuôi đặc sản của mình. Nhờ đó, lượng khách hàng trực tiếp sẽ là các quán ăn, nhà hàng đặt mua lẻ trực tiếp và thường xuyên hơn. Qua đó, nhờ sự liên kết, quảng bá này cũng giúp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

 

 

 

Lê Bình - Trần Phi

 

Bình luận