Một chủ vườn thâm nhập vào sào huyệt sấy giun ở tỉnh Hòa Bình

Bình luận · 221 Lượt xem

Tự nhận về mình trách nhiệm nặng nề, bất chấp nguy hiểm, một chủ vườn đã quyết tâm thâm nhập vào sào huyệt sấy giun ở tỉnh Hòa Bình để tìm hiểu rõ sự tình.

Một trong những lò sấy giun ở xã Tú Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Một trong những lò sấy giun ở xã Tú Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngồi ngẩn ngơ mà nước mắt cứ chảy

Đó chính là anh Nguyễn Anh Tuân - chủ vườn cam ở xã Thu Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình). Anh tâm sự: “Sau một ngày đột nhập hàng loạt các lò sấy giun tại Kim Bôi, Hoà Bình, tự nhiên lòng tôi đau thắt lại, ngồi ngẩn ngơ một góc mà nước mắt cứ chảy. Tôi chứng kiến trực tiếp những người dân đang chà đạp và huỷ hoại lẫn nhau, liên tục các xe máy chở giun tới các lò sấy giun, trong một xã rất nhiều lò sấy. Người dân đang ở tận cùng của nỗi khổ rồi, đường cùng rồi không giữ được vườn nữa thì sống sao nổi nữa?

Bài liên quan

Gần 3 năm trước tôi lên Cao Phong với quyết tâm lớn và ước vọng cứu được vùng cam, phải vượt qua khó khăn, vừa làm vừa học kiến thức từ thực tế để biến mong ước kia thành hiện thực. (Anh Tuân vốn là nhân viên của một công ty nước ngoài chuyên về vi sinh, gần 3 năm trước đến vùng cam Cao Phong này với một nhiệm vụ là cứu cây bằng các chế phẩm vi sinh - PV). Tôi cũng chẳng ngại khó, ngại khổ, có những đêm 2-3 giờ sáng đi thử nghiệm theo dõi trong lạnh cóng.

Tôi bỏ hết công việc khác để tập trung tối đa cho một công việc duy nhất đi sâu về kỹ thuật và bằng mọi cách đạt được kết quả tốt. Dù kiến thức là vô vàn nhưng tôi vẫn theo đuổi miệt mài, rồi có những lúc không hiểu sao cây đang xanh đẹp lại cháy hết rễ rồi vàng cả vườn… Tới giờ mới hiểu đó là do bị kích trộm giun…”.

Khói sấy giun bốc lên từ sau những lùm cây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khói sấy giun bốc lên từ sau những lùm cây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đau xót trước những vườn cam đang bị ngả vàng hết lượt, anh quyết tâm phải thâm nhập tận cùng vào tận sào huyệt của các lò sấy giun. Chiều 2/8, nhận được tin mật báo có nhiều tốp kích giun sẽ đem “hàng” đến các lò sấy, anh đã dẫn một nhóm nhà báo của VTV đến xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình. Và quả thật chiều hôm ấy có nhiều xe máy đã chở giun tới đây, chứng tỏ bọn trộm giun đã ngang nhiên kích giữa ban ngày chứ không chỉ ban đêm bởi sau khi kích giun phải được tiêu thụ ngay không thì sẽ bị chết, thối.

Anh Tuân kể, dư luận bấy lâu vẫn râm ran rằng riêng ở xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi có rất nhiều lò sấy giun trái phép mọc lên trên đất nông nghiệp, nghi ngờ có sự bảo kê vì hoạt động ngày đêm suốt nhiều năm nên bản thân mình muốn kiểm chứng việc này.

Chiều hôm đó, anh cùng với nhóm nhà báo của VTV đã men theo con đường độc đạo heo hút lên khu vực được cho là rất nhiều nhà đang có lò sấy. Có nhiều dấu hiệu khiến cả đoàn phải hoài nghi. Hai bên đường rừng cây rất tươi tốt nhưng các ruộng ngô, vườn bưởi của người dân gần đó, vườn nào cũng vàng úa, thậm chí cỏ còn không mọc được. Biểu hiện đó có nhiều nét tương đồng với các vườn cam tại Cao Phong khi bị kích giun.

Chiếc xe tải có nhiều dấu hiệu vừa chở giun với cân và thùng xốp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chiếc xe tải có nhiều dấu hiệu vừa chở giun với cân và thùng xốp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thả chó ra để… dằn mặt 

Sau khi được nhóm giới thiệu mục đích của chuyến đi, ông Bạch Công Dương - lãnh đạo UBND xã Tú Sơn cũng trực tiếp dẫn đi thực tế các lò sấy giun đang có trên địa bàn. Anh Tuân kể tiếp: “Khi lên tới trụ sở xóm Thung Giao chúng tôi bất ngờ đã gặp được 2 anh cán bộ xã đang ngồi họp và có vẻ đang rất sốt sắng về vấn đề sấy giun tại địa bàn. Vừa tới được nhà sấy giun đầu tiên chúng tôi đã thấy có sự chuẩn bị rất “chu đáo”. Một chiếc xe tải có dấu hiệu chở giun đã được dọn lại, các thùng xốp chồng lên nhau ngay ngắn trong thùng xe. Tuy nhiên dòng nước đen sì vẫn còn nguyên và mùi tanh của giun lan ra cả khu vực xung quanh khiến cho chúng tôi tôi ngồi gặp chủ lò sấy tại bàn nước phía ngoài sân liên tục buồn nôn.

Chủ lò sấy đã thản thiên nói với cán bộ xã (chủ lò sấy này là nguyên công an viên xóm): “Ơ, được sự chỉ đạo của cán bộ, nhà tôi bỏ sấy giun từ 2 năm trước rồi. Chúng tôi luôn tinh thần thượng tôn những chỉ đạo của địa phương”. Kèm theo đó là điệu cười khểnh có phần gượng gạo. Tuy nhiên ngay cạnh bàn uống nước là 1 chiếc tủ gỗ bên trong chứa đầy thiết bị kích giun và cả nhà vẫn còn dấu hiệu sửa điện đấu lại tụ của các máy kích. Khi được chúng tôi hỏi thì chủ lò sấy vẫn điệu cười khểnh và có phần thách thức: “Cái tủ này là tôi đựng thiết bị phát điện cho gia đình tôi”.

Máy mổ giun mới chỉ vừa dừng hoạt động. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Máy mổ giun mới chỉ vừa dừng hoạt động. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khi các nhà báo của VTV nói từ chiều ngày hôm qua họ đã có đầy đủ chứng cớ và hình ảnh ghi lại mua bán giun ngay tại nhà anh rồi. Đề nghị anh cho chúng tôi quay lại mô hình và kiểm tra xem có đúng đã đóng cửa lò sấy giun không. Chủ vườn nghe đến đây liền quát lớn người nhà thả con chó ra và phản ứng rất dữ dội với chiếc máy quay của VTV. Khi chúng tôi quyết liệt quay hình thì sự chống trả cũng mạnh tương đương, dưới sự bất lực và chứng kiến của cán bộ xóm và lãnh đạo xã là anh Dương.

Trong lúc giằng co thì một đối tượng chở sọt đằng sau đi thẳng lại cửa lò. Chủ lò sấy kia chạy vội vàng ra cổng quát to: “Đi, đi ngay, nhanh kẻo phát hiện”. Chúng tôi quát to: “Đứng lại” nhưng đối tượng khả nghi phóng xe tốc độ cao vọt đi.

Đống giàn sấy giun. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đống giàn sấy giun. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Cuộc giằng co ngay tại lò sấy giun tôi có gì phải sợ đâu? Biết bao người chủ vườn đang căm phẫn tột cùng. Việc này nguy hiểm đó nhưng phải làm cho tới cùng nếu không thậm chí có án mạng xảy ra khi chủ vườn bắt được kẻ trộm kích giun", anh Nguyễn Anh Tuân - chủ vườn cam ở xã Thu Phong.

Trước giọng điệu khó chịu và sự chống đối mãnh liệt của chủ lò sấy ấy chúng tôi quyết định sang các lò sấy giun khác trên địa bàn theo sự dẫn đường của anh Dương. Kỳ lạ thay, các lò sấy giun đang lửa hồng và hàng loạt khay giun trong lò đang sấy lại không có một bóng người nào. Điện vẫn thắp. Hương muỗi vẫn cháy.

Dễ dàng có thể thấy các lán tạm bợ che bạt cũ nát lâu năm, các dòng nước thải từ máy mổ giun chảy xuống ao nước bên cạnh đen ngòm và mùi tanh, thối, khắm khủng khiếp. Khói củi nghi ngút bốc lên. Hai máy mổ giun và những chiếc rổ đựng vẫn còn tanh mùi giun vừa được mổ. Những chiếc đèn pin đeo đầu vẫn còn nguyên. Ngoài sân củi chất đầy từng đống sẵn sàng còn trong lò hàng chục khay giun đang được sấy. Các con giun rất to và không bị đứt đoạn được bày trí gọn gàng”.

Cận cảnh giun trong lò sấy. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cận cảnh giun trong lò sấy. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đoàn chúng tôi thắc mắc với anh Dương rằng tại sao những lò sấy giun gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thế mà xã không ngăn chặn nhưng không nhận được câu trả lời. Chặng đường đi mỗi lúc thực sự khó khăn. Cơn mưa bất chợt ngày càng dày hạt khiến khi tác nghiệp vào các lò sấy chúng tôi ướt sũng giày, áo.

Tuy nhiên ngày mưa ẩm nên có dịp chúng tôi thấy được hoạt động mạnh của các đối tượng khả nghi chở giun tới. Ngày mưa ẩm nên có dịp chúng tôi thấy rõ được khói nghi ngút từ phía sau các nhà dân, từ các nhà bạt tạm cũ bốc lên kèm mùi tanh hôi thối. Trên đường đi ra chúng tôi vẫn liên tục bắt gặp những chiếc xe máy phía sau là chiếc sọt được nguỵ trang kín đáo tiến vào trên con đường độc đạo.

Cùng chuyến ô tô, anh Dương có kể cho chúng tôi đêm qua chính vườn nhà mình cũng bị đối tượng kích giun vào kích mà khi ra bắt lại sẩy. Nhưng chúng tôi vẫn hoài nghi về việc tại sao các chủ lò sấy giun đã biến mất biệt tăm chỉ để lại lò phía trong toàn giun sấy. Chúng tôi vẫn hoài nghi về việc tại sao chiếc xe phóng rất nhanh thẳng tới lò sấy mà đã có sự chuẩn bị đối phó nhanh như thế”

Bình luận