Sắp xếp thời vụ, đảm bảo thắng chắc lúa thu đông và đông xuân

Bình luận · 273 Lượt xem

Trước cơ hội giá lúa gạo tăng cao, các tỉnh sản xuất lúa ở ĐBSCL phấn khởi tập trung cơ cấu lại mùa vụ và tăng diện tích lúa thu đông.

Năm 2023 sản lượng lúa của Việt Nam có thể đạt trên 43 triệu tấn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Năm 2023 sản lượng lúa của Việt Nam có thể đạt trên 43 triệu tấn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nắm bắt thời cơ

Trước đây, ĐBSCL chỉ sản xuất 2 vụ lúa chính là đông xuân và hè thu. Từ năm 2000, hệ thống đê bao bắt đầu được xây dựng và diện tích lúa thu đông (vụ 3) được mở rộng, giúp tăng sản lượng lúa, tăng sản lượng gạo xuất khẩu. Cụ thể, năm 2012, xuất khẩu gạo đã thật sự bứt phá mạnh mẽ với con số kỷ lục 7,72 triệu tấn gạo, nhưng cũng kể từ đó đến nay, xuất khẩu gạo nhiều năm sụt giảm cả về lượng lẫn kim ngạch. 

Với đặc điểm về thủy văn cũng như cơ cấu mùa vụ các vùng có khác nhau nên ở ĐBSCL thời vụ gieo sạ lúa hè thu diễn ra khá dài, từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 6 dương lịch, kéo dài từ vùng Bắc của đồng bằng cho đến tận đất mũi Cà Mau. Thời gian gieo sạ như vậy làm cho cả vùng ĐBSCL lúc nào trên đồng ruộng cũng có lúa, thuận lợi cho các doanh nghiệp thu mua chế biến và xuất khẩu.

Bài liên quan

Báo cáo từ ngành nông nghiệp cho biết năm 2023 sản lượng lúa của Việt Nam có thể đạt trên 43 triệu tấn, lượng gạo xuất khẩu có thể đạt kỷ lục mới: 8 triệu tấn. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có chỉ thị thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo với các mục tiêu: Tận dụng cơ hội xuất khẩu, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu hạt gạo Việt Nam ra thế giới. 

Đây chính là thời cơ vàng và các tỉnh trọng điểm sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đang phấn khởi tập trung cơ cấu lại mùa vụ, tăng diện tích lúa thu đông đồng thời chuẩn bị phương án cho vụ đông xuân tiếp theo. Các nơi tranh thủ xuống giống sớm kéo theo vụ lúa đông xuân 2024 sớm hơn so với hàng năm, né được hạn mặn sau tết, đảm bảo nguồn cung.

Nông dân vui nhờ lúa trúng mùa, giá cao

Những ngày này về vùng Đồng Tháp Mười hay vùng Tứ giác Long Xuyên thấy nông dân ai nấy phấn khởi cùng một niềm vui đó là lúa trúng mùa trúng giá, bà con tranh thủ thời tiết có nắng đã cho máy gặt đập liên hợp vào đồng ruộng thu hoạch diện tích lúa hè thu còn lại. Dưới các kênh, sông nằm cặp theo các cánh đồng đều có những thương lái đậu ghe đợi sẵn khi lúa thu hoạch xong là căn mua thanh toán tiền mặt ngay tại ruộng.

Ghi nhận tại vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên nông dân ai nấy phấn khởi cùng một niềm vui lúa trúng mùa trúng giá trong vụ hè thu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ghi nhận tại vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên nông dân ai nấy phấn khởi cùng một niềm vui lúa trúng mùa trúng giá trong vụ hè thu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Văn Hào, nông dân tại cánh đồng Kênh 6 thuộc xã Phú Thành B, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) vừa mới thu hoạch 1,5ha lúa hè thu trên tổng diện tích 3,6ha. Ông phấn khởi nói: “Gia đình tôi vừa cắt lúa cách nay vài ngày, vụ này nhờ thời tiết thuận lợi, sâu, bệnh gây hại ít nên năng suất đạt hơn 6,5 tấn/ha, với giá bán 6.700 đồng/kg (cao hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước), sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn hơn 20 triệu đồng/ha”.

Chung niềm vui của nông dân tỉnh Đồng Tháp trúng mùa được giá vụ lúa hè thu, ở các huyện giáp ranh thuộc tỉnh Long An như: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Thủ Thừa… cũng đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa. 

“Vụ này, lúa có giá và năng suất tương đối cao nên tôi và nhiều hộ dân ở đây có lợi nhuận từ 18-20 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so cùng kỳ. Với trên 2ha sạ giống OM18, tôi thu hoạch trên 12,2 tấn lúa, tăng hơn 1 tấn so với vụ hè thu 2022. Lúa ngay sau thu hoạch bán với giá 6.800 đồng/kg, cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với vụ hè thu năm rồi. Thu hoạch xong lúa hè thu, tôi sẽ cho đất nghỉ ngơi khoảng 10-15 ngày để cày xới và vệ sinh đồng ruộng rồi xuống giống vụ thu đông ngay”, ông Đỗ Thành Trí, ở xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng - Long An bộc bạch.

Tại huyện Vĩnh Hưng, nông dân trên địa bàn huyện cũng đang tất bật thu hoạch lúa hè thu 2023. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT, toàn huyện đã thu hoạch được 6.000ha lúa hè thu. Thời tiết thuận lợi, giá vật tư nông nghiệp giảm nên nông dân rất phấn khởi bước vào vụ mới. Số diện tích lúa đã thu hoạch đạt năng suất từ 6,2-7,3 tấn/ha, giá bán lúa dao động từ 6.400 - 7.300 đồng/kg, tùy từng loại giống.

Lúa hè thu 2023 cho lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lúa hè thu 2023 cho lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Lê Quốc Bổn, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Hưng, diện tích lúa hè thu 2023 còn lại trong huyện đang trong giai đoạn trổ, chín, nông dân đang tích cực chăm sóc. Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu, bệnh để có biện pháp phòng trừ bảo đảm năng suất. Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, nhất là ảnh hưởng của những cơn bão, áp thấp nhiệt đới... nông dân cần tập trung thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa chín, tránh tình trạng lúa bị ngã do mưa sẽ gây thất thoát và tăng chi phí khi thu hoạch.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong những tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam rất thuận lợi với khối lượng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm đạt trên 4,8 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng nhưng tăng đến 30% về giá trị. Cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng hướng với cơ cấu gạo thơm, gạo chất lượng cao tăng mạnh.

Bên cạnh thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà… một số thị trường khác cũng có sự tăng trưởng vượt bậc như thị trường EU.

Theo Bộ Công Thương, trong những tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam rất thuận lợi với khối lượng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm đạt trên 4,8 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng nhưng tăng đến 30% về giá trị. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Bộ Công Thương, trong những tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam rất thuận lợi với khối lượng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm đạt trên 4,8 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng nhưng tăng đến 30% về giá trị. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 7 đến nay, thị trường xuất khẩu đã có sự thay đổi lớn khi quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ ban hành quy định dừng xuất khẩu gạo Non-Basmati. Tiếp đó, UAE, Nga cũng ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo. Cùng với đó nhiều quốc gia do lo ngại hiện tượng thời tiết cực đoan, El Nino đã tăng mua dự trữ lương thực càng làm cho chênh lệch cung, cầu mặt hàng gạo càng lớn hơn, dẫn đến giá gạo xuất khẩu tăng cao.

Trong bối cảnh đó, bằng nhiều kinh nghiệm, chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ tổ chức sản xuất tốt, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và sẵn sàng cung ứng lúa gạo cho thế giới, đặc biệt đối với các quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện bất lợi

Bình luận