Ngày 8/11, Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tới năm 2030”.
Ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển tích cực đã góp phần hiện đại hóa nông thôn. Năm 2022, GDP nông - lâm - thủy sản tăng cao nhất trong những năm trở lại đây, đạt 3,36%. Đáng chú ý, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp hơn 30% vào giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) là xu hướng tất yếu, tuy nhiên công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ còn gặp nhiều hạn chế. Ý kiến đề xuất, tham mưu của các chuyên gia, lãnh đạo địa phương tại hội thảo nhằm đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển nông nghiệp bền vững.
Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy tăng trưởng xanh
Ở Việt Nam, khái niệm KTTH đã được đưa ra trong Luật Bảo vệ môi trường, nhưng chưa có định nghĩa cụ thể về KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây có thể được coi là thiếu sót khi nông nghiệp có tiềm năng phát triển KTTH rất lớn do có mối liên kết chặt chẽ với môi trường tự nhiên, khả năng tiếp cận với quy trình tái chế và tái sử dụng nguyên liệu từ các hệ sinh thái.
KTTH trong nông nghiệp có thể được hiểu là việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và tái chế chất thải, phụ phẩm trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường. Điều này cũng giúp nâng cao nhận thức về tái sử dụng phụ phẩm và bảo vệ môi trường. Mô hình KTTH hoạt động dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Đến nay, một số tổ chức đã phát triển bộ 10 nguyên tắc để gia tăng tính tuần hoàn trong thiết kế sản phẩm, vật liệu và quy trình sản xuất.
Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói: “Trước bối cảnh thế giới chuyển mình, chúng ta cũng chuyển đổi theo hướng bền vững. Tôi muốn nhấn mạnh rằng kinh tế tuần hoàn sẽ thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tuy vậy, mỗi năm nước ta nhập hơn 100.000 tấn thuốc BVTV. Tôi đã quan sát thấy vỏ thuốc chất đầy bên bờ ruộng; không ít lần cua, cá chết sạch do nguồn nước bị nhiễm hóa chất. Việc phụ thuộc chất hóa học trong sản xuất vẫn là xu thế chung, dường như chúng ta đã bỏ qua khía cạnh bền vững và tái sử dụng tài nguyên. Nếu không nhanh chóng vào cuộc, việc thực hiện cam kết về phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26 sẽ là một bài toán khó”.
Theo Thứ trưởng Tiến, Bộ NN-PTNT đã thực hiện nhiều hoạt động để hoàn thiện dự thảo Đề án về KTTH trong nông nghiệp như nghiên cứu thực địa, tổ chức hội thảo, gửi công văn xin ý kiến các cơ quan liên quan... Theo mục tiêu của Dự thảo, đến năm 2030, sẽ xử lý 60% phụ phẩm trồng trọt, 100% chất thải chăn nuôi; 100% cán bộ khuyến nông được tập huấn các quy trình xử lý và tái chế chất thải, phụ phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực...
Mối gắn kết giữa kinh tế tuần hoàn và khoa học công nghệ
Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong KTTH giúp cải thiện quản lý, sử dụng tài nguyên và xử lý chất thải, từ đó định hình quy trình sản xuất, quản lý nguồn nguyên liệu. Đây là xu hướng tất yếu trong chuỗi sản xuất, trong đó phụ phẩm và chất thải không chỉ được tái chế mà còn tạo ra giá trị bền vững cho sản phẩm và dịch vụ.
“Để phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong thời đại công nghiệp 4.0 chuyển đổi mạnh mẽ, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ là không thể thiếu. Khoa học công nghệ cung cấp động lực cho sự đổi mới và hình thành KTTH, trong khi KTTH lại thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ. Sự kết hợp giữa hai lĩnh vực này sẽ tạo ra giải pháp bền vững cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam”, ông Thắng nói.
Mặc dù thuật ngữ KTTH chưa được chính thức sử dụng, ngành nông nghiệp đã sớm chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang hướng bền vững. Thông qua tham gia các hiệp định thương mại tự do, nước ta cam kết xuất khẩu nông sản không gây hại cho môi trường, tuân thủ các tiêu chuẩn về phát thải và khí thải.
Với cách tiếp cận nông nghiệp tái tạo, phụ phẩm từ sản xuất nông, lâm, thuỷ sản dần trở thành nguồn tài nguyên tái tạo. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt của nước ta mới đạt khoảng 52%, trong chăn nuôi là 75%, trong lâm nghiệp là 50,2% và thủy sản là 90%. Qua đó, hàng năm, ngành nông nghiệp đã xử lý gần 100 triệu tấn phụ phẩm và chất thải của cả nước.
Tới nay, ở nước ta đã có 4 mô hình tái tạo chất thải, phụ phẩm phổ biến được áp dụng trong nông nghiệp: Dùng khí đốt từ chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt; mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; mô hình nông - lâm kết hợp; mô hình vườn - rừng; mô hình tuần hoàn, sử dụng chất thải, phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị khác…
Không để nông dân bị động
Tại hội thảo, dự thảo Đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tới năm 2030” đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, địa phương, đại diện hội và hiệp hội, cũng như các viện, trường trực thuộc Bộ NN-PTNT.
Đa số đại biểu góp ý Bộ NN-PTNT cần cụ thể hóa các mục tiêu, khung đánh giá đi từ thực tiễn nông nghiệp Việt Nam. Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Đề án tuy công phu, chi tiết nhưng thông tin còn dàn trải, chưa làm nổi bật vai trò của khoa học công nghệ đối với KTTH trong nông nghiệp.
Với kinh nghiệm lâu năm trong "nông nghiệp xanh", TS Ngô Kiều Oanh khẳng định: “Nếu không xử lý được môi trường nông thôn thì sẽ không đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đề án cần làm rõ cơ chế phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với nông dân. Bên cạnh những sáng kiến của tổ chức quốc tế, Việt Nam còn có thế mạnh khoa học từ kiến thức bản địa. Mong Bộ NN-PTNT sẽ tận dụng trí tuệ của những người hiểu rõ đồng ruộng và xem xét đưa thêm mô hình nông thôn vào Đề án”.
Giáo sư Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần định vị rõ được nền nông nghiệp Việt Nam so với bình diện quốc tế, không để nông dân rơi vào thế bị động khi đưa ra các giải pháp vào quá trình sản xuất. Ví dụ, việc châu Âu áp dụng các chính sách như IUU, EUDR phần nào đó đang gây sức ép lên nông dân, ngư dân Việt Nam, bởi nếu họ không làm đúng tiêu chuẩn, nông sản sẽ khó tiêu thụ. Ông Thái đề xuất Bộ NN-PTNT nghiên cứu tính tương tác giữa các giải pháp để đảm bảo hiệu quả khi ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp.
Một số chuyên gia, địa phương cho rằng, nghiên cứu chuyển đổi công nghệ cần xuất phát từ đặc thù vùng miền vì mỗi nơi có tập quán canh tác, sản xuất khác nhau. Do đó, cần đặt mục tiêu cụ thể cho từng địa phương, xâu chuỗi nhóm giải pháp nhằm giảm khoảng cách công nghệ cho những người thiếu kỹ năng.
Để đảm bảo sinh kế cho nông dân, cần có chính sách rõ ràng, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và tài chính. Phát triển khoa học công nghệ cho hệ sinh thái nông nghiệp bền vững cần tăng cường sự hỗ trợ cho các nông hộ nhỏ, việc áp dụng công nghệ sẽ giúp họ cải thiện thu nhập và cuộc sống. Thêm đó, hợp tác quốc tế sẽ đưa những tiến bộ từ phòng thí nghiệm đến thực tế sản xuất thuận lợi hơn.
Quỳnh Chi