Ngày hội tri ân người trồng cà phê được tổ chức cùng với lễ khởi động dự án “Nâng cao năng lực, cơ hội tiếp cận nguồn lực hỗ trợ sản xuất cà phê cho các cộng đồng người dân tộc bản địa; thúc đẩy phương thức sản xuất cà phê giảm phát thải khí nhà kính và tuân thủ EUDR trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum”.
Tham dự buổi lễ có đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai; ông Đỗ Ngọc Sỹ - Giám đốc Bền vững châu Á Thái Bình Dương thuộc Công ty JDE Peet’s; bà Nguyễn Việt Hà, Quản lý Bền vững cấp cao của tổ chức 4C; ông Bạch Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng CDC; đại diện phòng NN-PTNT các huyện tham gia dự án cùng hơn 400 hộ nông dân trồng cà phê trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Tại buổi lễ, ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Công ty TNHH Vĩnh Hiệp gửi lời cảm ơn chân thành đến những nông dân trồng cà phê đã đồng hành cùng Công ty trong nhiều năm qua, đồng thời giới thiệu dự án hợp tác cùng Công ty JDE Peet’s với các hoạt động thiết thực để cùng đồng hành với người sản xuất cà phê trong thời gian tới.
Trải qua 30 năm thăng trầm và phát triển, trung thành duy nhất với ngành hàng cà phê, Công ty Vĩnh Hiệp đã tham gia chương trình bền vững được 14 năm (từ năm 2009). Đồng thời, Vĩnh Hiệp còn triển khai được nhiều dự án ý nghĩa, với mục đích thay đổi phương thức canh tác cà phê sang hướng hữu cơ bền vững, nâng cao sinh kế cho người trồng cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Anh Kren (dân tộc BahNar ở xã Gla, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) có 1,5ha cà phê, tham gia trong chuỗi liên kết sản xuất cà phê bền vững cùng Công ty Vĩnh Hiệp đã được 6 năm. Anh Kren cho biết, trước kia, gia đình trồng cà phê theo lối canh tác cũ nên năng suất phụ thuộc vào thời tiết, năm được năm mất; thị trường luôn phải lệ thuộc vào thương lái.
“Từ khi tham gia chuỗi liên kết trồng cà phê với Công ty Vĩnh Hiệp theo hướng hữu cơ bền vững, vườn cà phê của gia đình luôn phát triển tốt, cho năng suất cao và ổn định. Năm nay chưa thu hoạch, nhưng 1,5ha cà phê của gia đình chắc chắn thu được 15 tấn nhân. Những năm giá cà phê xuống thấp, Công ty Vĩnh Hiệp luôn có chính sách hỗ trợ giá nên đảm bảo không bị thua lỗ”, anh Kren phấn khởi chia sẻ.
Dự án thân thiện với môi trường
Theo ông Thái Như Hiệp, dự án “Nâng cao năng lực, cơ hội tiếp cận nguồn lực hỗ trợ sản xuất cà phê cho các cộng đồng người dân tộc bản địa; thúc đẩy phương thức sản xuất cà phê giảm phát thải khí nhà kính và tuân thủ EUDR trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum” là dự án hoàn toàn thân thiện với môi trường. Dự án này có tổng số vốn 581.888 EUR, được thực hiện trong thời gian 5 năm trên địa bàn các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Chư Sê, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Păh thuộc tỉnh Gia Lai và các huyện Đắk Hà, Ngọc Hồi thuộc tỉnh Kon Tum. Dự tính có khoảng 10 nghìn hộ nông dân tham gia.
Thông qua dự án, người trồng cà phê sẽ nâng cao khả năng tiếp cận kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững theo hướng nông nghiệp tái sinh; thúc đẩy liên kết sản xuất và chuyển giao mô hình kỹ thuật tốt vào sản xuất; nâng cao nhận thức về quản lý tài chính nông hộ, tự chủ tài chính và bình đẳng giới, quyền của người lao động trong các nhóm liên kết sản xuất; đồng thời thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất - kinh doanh cà phê và thiết lập cơ sở dữ liệu nhằm đáp ứng quy định của châu Âu về sản xuất không phá rừng EUDR.
Cũng theo ông Thái Như Hiệp, dự án này là sự khởi đầu của Công ty Vĩnh Hiệp và Công ty JDE Peet’s đối với ngành hàng quan trọng này. “Trong tương lai, sẽ còn nhiều dự án đến từ Công ty Vĩnh Hiệp và Công ty JDE Peet’s để đồng hành cùng nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên. Tôi mong muốn các bạn thực hiện dự án này trên tinh thần vui vẻ. Chúng tôi mong muốn các bạn cùng chúng tôi thay đổi sản xuất cà phê theo hướng bền vững để cùng nhau hướng tới ngành nông nghiệp xanh”, ông Thái Như Hiệp chia sẻ với bà con trồng cà phê tham gia dự án.
Ông Đỗ Ngọc Sỹ, Giám đốc Bền vững châu Á Thái Bình Dương thuộc Công ty JDE Peet’s cho biết, JDE Peet’s phục vụ nhu cầu cà phê cho 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Hướng đến năm 2050, toàn bộ nguyên liệu cà phê đầu vào của JDE Peet's là cà phê có trách nhiệm.
“Cà phê Việt Nam mang hương vị rất đặc biệt, rất riêng mà không cà phê ở quốc gia nào sánh được. Mong rằng bà con trồng cà phê sẽ tuân thủ đúng quy định, đảm bảo các tiêu chuẩn đề ra như truy xuất nguồn gốc, đảm bảo không phá rừng, đảm bảo sản phẩm cà phê sạch, không bóc lột sức lao động trẻ em, bình đẳng giới…”, ông Đỗ Ngọc Sỹ chia sẻ.
Bà Nguyễn Việt Hà, Quản lý Bền vững cấp cao của tổ chức 4C (tổ chức thực hiện các nguyên tắc 4C - bộ quy tắc chung cho Hiệp hội Cộng đồng cà phê, có trụ sở chính tại Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức) cho biết: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp lớn và rất có uy tín trong lĩnh vực liên kết, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê từ nhiều năm nay. Sản phẩm cà phê Vĩnh Hiệp luôn đảm bảo các tiêu chí về kinh tế, môi trường và xã hội.
“Tổ chức 4C sẽ luôn đồng hành cùng Vĩnh Hiệp, cũng như các doanh nghiệp làm cà phê khác tại Việt Nam, giúp đưa hương vị cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới một cách minh bạch”, bà Hà nhấn mạnh.
Đến nay, Công ty Vĩnh Hiệp đã trở thành một trong những doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua và xuất khẩu cà phê có trách nhiệm hàng đầu của Việt Nam. Thành quả trên có sự đóng góp rất quan trọng của người trồng cà phê ở Tây Nguyên; của các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức chứng nhận 4C, RA, CDC; sự hỗ trợ quan trọng của các sở ngành của tỉnh Gia Lai…
Tất cả đã chung tay, góp phần đưa sản phẩm cà phê Việt Nam nói chung và cà phê Gia Lai nói riêng bay xa trên thị trường thế giới. “Tôi luôn khẳng định rằng, cà phê robusta Gia Lai hiện nay có chất lượng tốt nhất Việt Nam, được thế giới công nhận và ưa chuộng”, ông Thái Như Hiệp nhấn mạnh.