Gỡ nút thắt nghề nuôi tôm hùm [Bài 4]: Nút thắt đầu ra

Bình luận · 187 Lượt xem

Nghề nuôi tôm hùm đã làm thay đổi cuộc sống rất nhiều ngư dân Nam Trung bộ, nhưng số phận con tôm hùm giá trị cao đó lại bấp bênh khâu tiêu thụ.

 

 

Dự kiến vào ngày 15/11/2023, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.

 

Nội dung Diễn đàn: Công tác quản lý con giống tôm hùm, giải pháp nuôi tôm hùm bền vững; Truy xuất nguồn gốc tôm hùm và sản phẩm nuôi biển đáp ứng yêu cầu thị trường; Công tác kiểm soát giống nuôi biển nhập khẩu; Nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp, các loại vật tư phục vụ nuôi biển; Tình hình thị trường thủy sản cuối năm và dự kiến 2024.

 

Giá tôm hùm không ổn định

Anh Nguyễn Anh Tuấn, một người nuôi ở thôn Bình Ba Đông, xã Cam Bình, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết, lâu nay tôm hùm chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Đầu ra sản phẩm tiêu thụ bấp bênh vì phụ thuộc thị trường này “ăn” mạnh hay yếu, kéo theo giá tôm hùm được thương lái thu mua cũng lên xuống thất thường.

 

Thực tế cho thấy những lúc người nuôi tôm được mùa thì lại mất giá. “Thông thường vào mùa đông nguồn cung khan hiếm, trong khi thị trường Trung Quốc “ăn” mạnh nên giá tôm thịt được thu mua ở mức ổn định. Còn mùa hè từ tháng 4 - 7 hàng năm, thị trường này ăn ít lại, thương lái thu mua tôm với giá thấp”, anh Tuấn chia sẻ.

 

Còn ông Trần Minh Hiền, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi tôm hùm lồng thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho rằng, nghề nuôi tôm hùm đã giúp thay đổi cuộc sống rất nhiều ngư dân ven biển. Tuy nhiên số phận của con tôm hùm vốn giá trị cao lại bấp bênh đầu ra tiêu thụ.

 

“Bà con mạnh ai nấy nuôi, mạnh ai nấy bán. Đầu ra và đầu vào của con tôm hùm đều bấp bênh không có chuỗi liên kết. Mỗi khi bà con nuôi tôm đạt sản lượng rất phấn khởi thì lại bị ép giá xuống. Còn chủ nậu cung cấp mồi (thức ăn) cho tôm hùm lại tìm cách đẩy giá bán lên”, ông Hiền than vãn và cho biết thêm, nghề nuôi tôm hùm đang trên đà “tuột dốc”, nuôi không hiệu quả như trước đây.

 

Tại tỉnh Phú Yên, người nuôi cho biết, giá tôm hùm thu mua cũng không ổn định. Tôm đến ngày thu hoạch luôn phụ thuộc và trông chờ vào thương lái đến thu mua với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

 

Hơn nữa, thị trường xuất khẩu tôm hùm bấp bênh khiến người nuôi luôn trong tình trạng đối phó với khó khăn. Điển hình vào tháng 6/2022, nhiều lồng nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu đã đến thời kỳ thu hoạch, nhưng rất ít thương lái đến hỏi mua, bởi phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Tiếp đến, thời gian gần đây, thị trường này ngưng nhập tôm hùm bông khiến người nuôi điêu đứng phải neo lồng chờ thương lái.

 

Theo ý kiến của một số chủ nậu, doanh nghiệp thu mua tôm hùm, từ tháng 8/2022 đến nay phía Trung Quốc siết chặt khâu truy xuất nguồn gốc tôm hùm bông nên rất khó khăn trong việc tiêu thụ. Thủ tục thông xe tại cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc có lúc trở ngại, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm hùm sống.

 

Thời gian vừa qua, Bộ NN-PTNT nhận được phản ánh từ một số cơ sở xuất khẩu tôm hùm và Hội Nghề cá tỉnh Phú Yên về việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu tôm hùm bông. Để xác minh thông tin và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc liên quan và tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sống của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc được nhanh chóng, Bộ NN-PTNT (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường) đã có văn bản gửi Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc và Cục Hải quan Nam Ninh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

 

Trong thời gian chờ ý kiến phản hồi chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, để duy trì phát triển và hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi tôm hùm đặc biệt đối với tôm hùm bông, Cục Thủy sản đề nghị các địa phương tăng cường quản lý nuôi tôm hùm.

 

Hàng trăm tấn tôm hùm bông chờ tiêu thụ

Tại Khánh Hòa hiện tôm hùm bông chủ yếu nuôi tại vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh. Theo phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, toàn huyện có khoảng 35.000 ô lồng đang được người dân nuôi tôm hùm. Trong đó khoảng 17.000 ô lồng (gần 50%) nuôi tôm hùm bông, chủ yếu tập trung tại địa bàn xã Vạn Thạnh.

 

Người nuôi cho biết, khoảng 3 tháng nay, thương lái dừng thu mua tôm hùm bông khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. “Hiện sản lượng tôm thịt trên địa bàn rất nhiều, riêng gia đình ông có 4 tấn. Do chưa xuất bán được nên mỗi ngày gia đình vẫn phải cho tôm ăn, dẫn đến tốn nhiều chi phí”, ông Nguyễn Xuân Hòa, một người nuôi ở thị trấn Vạn Giã cho biết.

 

Theo ông Hòa, tôm nuôi của gia đình đã đạt trọng lượng từ 0,8 kg/con trở lên, mỗi ngày cho ăn tốn từ 12-15 triệu. Tính đến nay, chi phí đầu tư mỗi lồng nuôi 70 con khoảng 70 triệu, trong khi gia đình có đến 80 ô lồng nên số tiền bỏ ra là rất lớn.

 

Nếu tình trạng này kéo dài, bà con e rằng không cầm cự nổi bởi càng nuôi chi phí càng tăng cao, bán không được sẽ lỗ nặng. Hiện tại, người nuôi chỉ biết tiếp tục chăm sóc, đồng thời trông chờ cơ quan chức năng hỗ trợ tìm giải pháp tiêu thụ.

 

Ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 150 tấn tôm hùm bông đạt kích cỡ thu hoạch (0,7 – 1 kg/con) và dự kiến từ nay đến cuối năm có khoảng 400 tấn thương phẩm. Thời gian qua, tôm hùm chủ yếu xuất sang Trung Quốc nhưng hiện không xuất được, thương lái thu mua chậm, người dân lỗ vốn.

 

Theo người nuôi, hiện giá tôm hùm bông dao động từ 1,05 – 1,1 triệu đồng/kg (tùy loại), trong khi cách đây 3 tháng từ 1,6 - 2,1 triệu đồng/kg.

 

Trước tình hình này, phòng Kinh tế huyện khuyến cáo người nuôi theo dõi sát diễn biến của thị trường và tập trung chăm sóc, duy trì mật độ thả nuôi phù hợp, thực hiện đăng ký và kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý. Chủ các cơ sở lồng bè nuôi tôm hùm thương phẩm không mua, thả nuôi tôm hùm giống không rõ nguồn gốc. Khi mua đề nghị người bán tôm hùm giống cung cấp tài liệu, hóa đơn để xác định nguồn gốc, chất lượng.

 

Để tháo gỡ tôm hùm bông tồn đọng, ông Nguyễn Ngọc Ý kiến nghị các cấp có thẩm quyền có giải pháp tạo điều kiện để tiêu thụ tôm hùm bông.

 

Về lâu dài, tôm hùm nói riêng và các sản phẩm thủy sản chủ lực của địa phương nói chung cần phải thiết lập chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ an toàn. Đồng thời tăng cường hỗ trợ liên kết tiêu thụ giữa cơ sở thu mua, sơ chế với các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản; cấp mã số vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc để hoàn thiện chuỗi cung cấp thủy sản an toàn theo hướng bền vững.

 

Còn ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, toàn tỉnh có hơn 112.000 lồng bè nuôi tôm hùm. Tuy nhiên những năm gần đây, bà con chủ yếu nuôi tôm hùm xanh, còn tôm hùm bông thả nuôi rất ít, chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng. Dự kiến, từ nay đến Tết Nguyên đán, sản lượng tôm sẽ thu hoạch khoảng 600 tấn, trong đó 60 tấn tôm hùm bông.

 

Kiến nghị Bộ NN-PTNT tháo gỡ xuất khẩu tôm hùm

Ông Nguyễn Trọng Bình, Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Bình Thơm, TP Cam Ranh (Khánh Hòa), chuyên thu mua và xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc cho biết, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm hùm lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên từ tháng 8 âm lịch đến nay, thị trường này hạn chế nhập hàng hải sản tươi sống. Mỗi ngày họ chỉ cho qua 40 xe vừa tôm, cua, ốc, cá nên lượng hàng tôm hùm xuất khẩu không nhiều như trước đây. Hơn nữa, Hải quan Đông Hưng cũng tăng cường kiểm tra 50% trong một lô hàng xuất khẩu, chẳng hạn đi 1 tấn tôm hùm nhưng họ kiểm tra khoảng 5 tạ. Trong khi đó, tôm hùm là hàng tươi sống mà cắt hàng ra kiểm tra và giữ lâu đến chiều mới cho qua thì tôm sống cũng thành tôm chết, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

 

Theo ông Nguyễn Trọng Bình, những tháng qua khi thị trường Trung Quốc siết chặt, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm hùm buôn bán ế ẩm, mua hàng sống bán hàng chết nên hầu hết lỗ tiền tỷ. Do đó, ông kiến nghị Bộ NN-PTNT đàm phán với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ, tạo điều kiện cho hàng hóa nói chung, tôm hùm nói riêng được thông suốt.

 

Kim Sơ

Bình luận