Người rủ dân làng tiếp nối 4.000 năm nền văn minh lúa nước

Bình luận · 229 Lượt xem

Người Việt chúng ta vẫn tự hào về nền văn minh lúa nước 4.000 năm mà giờ đi trên đồng toàn nghe thấy tiếng Kubota của Nhật, từ máy cày, máy cấy đến máy gặt.

Ông Lê Quốc Việt đang đập lúa cùng dân làng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Lê Quốc Việt đang đập lúa cùng dân làng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ký ức đã tròn vành rõ chữ

Chỉ có đến đây tôi mới thấy ít nhiều hình ảnh nền văn minh lúa nước của người Việt.

Bữa trưa đó, chúng tôi ăn cơm nấu từ gạo Ba Trăng cùng với canh chua cá lóc gần ngay đám ruộng lúa mùa của ông Lê Quốc Việt. Những hạt cơm phải nhai thật chậm để cảm nhận hết vị ngọt của đất. Trước bữa ăn, ông ngâm nga vài câu trong bài "Ra giêng" anh cưới em của Lư Nhất Vũ và Lê Giang rằng: “Mạ ngoài đồng em cấy lúa Ba Trăng. Em ơi anh vẫn chờ. Để em về thưa với mẹ. Khi ra giêng tính liền. Hẹn đợi năm sau cánh đồng mình gặt hái xong thảnh thơi. Ra giêng anh cưới em”…

Nhà ông ở ngay mặt đường nhựa, thuộc thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, xe ầm ào cả ngày lẫn đêm. Nhưng chỉ bước mấy chục mét vào sâu trong lối bên nhà là một thế giới hoàn toàn khác. Thế giới của hương đồng gió nội khiến đứa trẻ trong tôi chợt bừng tỉnh. Tôi tháo giày lội chân trần dưới ruộng để cảm nhận bùn êm và mát như lụa đang ve vuốt vào thịt da. Tôi giơ tay vớt những cánh bèo hoa dâu đang nổi dập dềnh trên mặt nước rồi nâng niu như gặp lại một người bạn cũ. Tôi đắm chìm vào trong dàn giao hưởng của tiếng chim kêu lích chích, tiếng ếch nhái kêu ộp oạp, tiếng cá quẫy ào ào, tiếng cào cào búng chân tanh tách…

Khu ruộng đang cấy 800 giống lúa mùa cũ để trẻ hóa lại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu ruộng đang cấy 800 giống lúa mùa cũ để trẻ hóa lại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Việt chỉ cho tôi khu ruộng đang cấy tới 800 giống lúa mùa cũ để trẻ hóa lại sau một thời gian nằm trong kho lạnh mấy chục năm của Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (Đại học Cần Thơ). Giơ tay đỡ những cụm lúa non mới cấy, ông cười, tươi xanh hồn nhiên như một cây mạ. Bởi lúc này ông không sống với thực tại mà sống bằng ký ức của một đứa trẻ nhà quê. 5-6 tuổi đã biết bắt cá nhảy hầm, cá mắc cạn, cắm câu và xách cơm cho ngoại ngoài đồng.

Tuổi thơ của ông trên đồng lúa mùa. Năm 13 tuổi, bố mất, ông buộc phải làm tất cả những công việc của nhà nông. Để rồi 17 tuổi ông đập mỗi ngày được một thiên bó lúa (1.000), tương đương 1 tấn lúa hạt. Nhà có tới 8 anh em, chị nghỉ học, em nghỉ học, ai cũng kêu ông nghỉ học nốt nhưng ông không chịu mà vừa làm vừa học.

Ông làm nông thạo đến mức đi qua ruộng nhìn xuống biết cấy giống lúa gì, năng suất mùa đó sẽ đạt bao nhiêu. Nhưng tới khi 18 tuổi, học đại học chuyên ngành trồng trọt rồi đi làm Nhà nước thì ông buông bỏ hết lúa mùa. Những ký ức trong đầu ông về lúa mùa cũng bị gạt ra một bên.

Trở lại một chút quãng những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, chính sách chuyển đổi từ lúa mùa cổ truyền sang lúa Thần Nông ngắn ngày xảy ra trong hoàn cảnh lũ lụt, rầy nâu hoành hành rồi lại chiến tranh biên giới khốc liệt. Một đồng bằng trù phú như Đồng bằng sông Cửu Long mà không đủ lúa ăn nên phải cưỡng bức để chuyển đổi. Tuy nhiên, bên trong của quá trình thực hiện, do căn bệnh thành tích mà địa phương nào cũng cố gắng hoàn thành chỉ tiêu, dùng cả vũ lực để đạt được mục đích.

Hồi đó có Bí thư của một huyện ở Kiên Giang còn ngồi lên cả máy cày để đi trục bỏ lúa mùa của dân. Sự thay đổi giữa cái cũ, cái mới không phải suôn sẻ. Chính quyền ép dân dùng giống ngắn ngày thì dân trộn lúa mùa dài ngày vào. Đến vụ, lúa Thần Nông chín trước gặt trước, lúa mùa chín sau gặt sau. Cán bộ có hỏi thì dân trả lời rằng sạ lộn giống.

Nâng niu từng cây lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nâng niu từng cây lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng giai đoạn đó, việc thu thuế nông nghiệp rất gắt gao. Những người không đủ lúa để nộp hoặc giấu giếm thì huy động dân quân kè súng AK vào giải lên trụ sở UBND xã, muỗi đốt rồi đói phải lòi lúa ra. Giống lúa mới Thần Nông vì thế mà bị người dân gọi là AK kè bởi dân quân kè theo súng AK để ép họ nộp thuế.

Cuộc trộn lẫn giống lúa mùa cũ với giống lúa mới Thần Nông chính là sự níu kéo của người dân với nét văn hóa cổ truyền, nhưng cũng chỉ được vài năm. Chỉ có những cánh đồng nào không có hệ thống thủy lợi thì vẫn còn làm lúa mùa còn không thì làm lúa Thần Nông một cách tự giác vì nó quá nhiều lợi thế. Từ năm 1986 trở đi, thủy lợi đi tới đâu là lúa Thần Nông cấy hai vụ rồi ba vụ tới đó.

Khi ông về làm Bí thư một xã rồi về phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, những vấn đề bất cập trong sản xuất lúa chạy theo sản lượng ngày càng được nhìn thấy rõ. Mỗi vụ lúa, thuốc hóa học phun mù mịt trời đất. Rồi lúa trúng mùa, nhưng sản lượng nhiều chỉ thêm nặng gánh đôi vai mà không có hiệu quả vì giá thấp. Qua tuổi 50, gặp mùa gió bấc, ông bỗng nhớ về những tháng ngày tuổi thơ tươi đẹp khi xưa. "Có khi nào mình làm lại lúa mùa để nhớ về thời xưa, để cho con cháu có chút cảm nhận nào đó về lúa mùa?", ông tự nhủ.

Ý tưởng cứ lớn dần cho đến năm 2011 ông đi dự Festival lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ Nhất tổ chức ở tỉnh Sóc Trăng. Tới gian hàng nào ông cũng thấy trưng bày những giống lúa cao sản nhưng đến gian hàng của Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Đại học Cần Thơ thì thấy có danh sách những giống lúa mùa xưa. Nhớ quá chừng là nhớ! Và lần này ông chốt là phải làm lúa mùa luôn vì chịu không nổi. Ký ức đã tròn vành rõ chữ chứ không còn mơ hồ nữa.

Ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang quê ông, đến năm 1995 đã 100% cấy hai vụ và giống lúa ngắn ngày, cao sản. Trong chương trình Đại học ông học cũng không nói gì đến lúa mùa nữa mà chỉ có lúa cao sản, thâm canh hai vụ, ngắn ngày.

Ông Lê Quốc Việt đang xem bèo hoa dâu thả trên ruộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Lê Quốc Việt đang xem bèo hoa dâu thả trên ruộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hi sinh tất cả cho cây lúa mùa

Bước đầu, ông Lê Quốc Việt cất công đi sưu tầm các loại nông cụ xưa. Cái còn, cái mất. Cái nào không còn thì ông hỏi người già rồi thuê họ phục hồi. Qua bao nhiêu năm mới được một bộ sưu tập từ cày bừa, trục, cắt lúa, đập lúa, xay thóc, giã gạo… nhưng chưa hoàn chỉnh. Từng thứ trong đó đều có câu chuyện của nó. Như cái lưỡi cày phá lâm (cày lẹm), ông đi nhậu với gia chủ lần một để bàn giá nhưng mua không được. Nhậu lần hai để bàn giá mua cũng không mua được. Nhậu đến lần thứ ba, cảm tấm lòng của ông, gia chủ đã tặng luôn.

Năm 2017, ông khởi công làm hàng rào quây khu đất 2,5ha của gia đình, làm nhà giới thiệu về văn hóa lúa mùa hết 3,6 tỉ. Giờ vẫn còn hơn 1 tỉ chưa trả được. Cũng may là toàn tiền mượn chứ không phải vay lãi. Sau đó là những tháng ngày ông đi kiếm giống lúa mùa. Ông hỏi các bạn mình ở Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện nhưng chẳng nơi nào còn. Ông tìm gặp các lão nông trong vùng để hỏi hồi đó trồng giống gì rồi ngược lên Đại học Cần Thơ xin lại những giống lúa mùa cổ truyền như Ba Bụi, Chim Rơi… Cả thảy được 5 giống, mỗi giống được chừng 200 hạt.

Làm đất kiểu xưa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Làm đất kiểu xưa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Về gieo thì Chim Rơi, Ba Bụi còn, nhưng các giống khác chuột ăn hết. Khó khăn chưa dừng lại ở đó: “Xung quanh làm lúa ngắn ngày không hà, chẳng ai làm giống dài ngày như tôi. Bởi thế chim rủ cả tỉnh, chuột rủ cả huyện đến cắn phá. Năm 2018, tôi gieo 1,5 ha mà chỉ thu được có vài trăm ký lúa, chỉ đủ làm giống. Năm 2019, tôi gieo giống Ba Bụi, Trắng Tép Vàng rồi đưa cho dân trồng nữa để mình thu mua lại. Nhưng gạo làm ra mà không bán được.

Xưa mình nghèo ăn cái gì cũng ngon hết trơn, giờ ăn lại thấy nó sao cứng ngắc. Trồng lúa mùa mà bán bằng giá lúa gà, lúa rượu bởi đụng phải ST25 cơm mềm và dẻo. Chết không ai cứu. Trồng lúa bán gạo khiến tôi lỗ tích lũy tới giờ đã trên 350 triệu rồi. Hiện về chất lượng, tôi tạm hài lòng với Nàng Thơm, Tàu Hương và 2 giống tiềm năng là Ba Trăng và Châu Hồng vỏ”.

Giờ ông còn thuê 2 miếng ruộng chặn đầu 2 bên ruộng của gia đình, làm vành đai bảo vệ nâng tổng diện tích canh tác lên 2,5 ha. Những thửa ruộng đó làm vùng đệm cho việc canh tác truyền thống không hóa chất, đồng thời cũng “chia lửa” về chim, chuột cho những thửa ruộng bên trong để không bị ăn mất hết lúa. Biết bao tiền đầu tư cho đam mê ra đi mà không nhớ đường về, vợ con cũng chẳng ủng hộ. “Xưa tôi làm lúa mùa thì bà ấy cằn nhằn nhiều, giờ cằn nhằn ít cũng là cả sự chuyển hóa từ từ rồi”, ông tếu táo.

Du khách trải nghiệm cấy lúa cùng ông Việt. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Du khách trải nghiệm cấy lúa cùng ông Việt. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Quãng những năm 80 của thế kỷ trước, Đại học Cần Thơ đã đi sưu tầm được 1.988 giống lúa mùa cất vào kho lạnh lưu giữ trước khi nó hoàn toàn biến mất. Hiện ông đang hợp tác với Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trồng 800 giống trong số 1.988 giống lúa mùa ấy để trẻ hóa chúng rồi lấy hạt giống lưu lại vào kho lạnh. Bởi trong thực tế sau mấy chục năm nằm trong kho, có giống giờ gieo đã không lên được nữa.

Ông Việt không chỉ trồng lúa mùa mà còn trồng luôn cả đời sống văn hóa gắn với lúa mùa với những chuyện như nghe cóc, ếch kêu để biết được mưa nắng, đuổi chim, bắt cá đồng nướng trui, chơi lò cò, thả diều, hát Dù Kê (âm nhạc dân tộc Khmer)… Ông tổ chức các ngày hội cấy, hội gặt, đập, xay thóc, giã gạo rồi ăn thử cơm lúa mùa cho du khách gần xa.

Không chỉ thế mà ông còn phục hồi đa dạng sinh học của cánh đồng. Trước, ruộng ông cho người ta thuê 20 năm, canh tác hơn 40 vụ lúa. Cỏ không còn, cá không còn vì bị tưới đẫm các loại thuốc hóa học, phân hóa học. Từ khi ông không dùng thuốc BVTV nữa, cỏ dần phục hồi được. Loại cỏ nào bị tuyệt chủng thì ông lại đi kiếm về trồng. Cá lóc, cá rô, cá sặc tự phục hồi được, còn cá chạch, cá thác lác, cá dày, cá rô biển, rùa, ba ba thì ông mua thả xuống đồng.

Trải nghiệm gặt lúa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trải nghiệm gặt lúa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Dù đã cố gắng tạo ra môi trường sống như hồi còn nhỏ nhưng theo quan sát của ông giống cá rô biển không đẻ được bởi giờ không có thủy triều vào đồng như xưa. Chạch đẻ yếu cũng do thủy triều không có. Tiếc! Còn cá lóc trong các mương, đìa thì sinh sản đầy nhóc, quần thể đông đến nỗi chúng thường xuyên đánh nhau như đám cá lia thia vậy.

Đứa con trai ông Việt lúc còn nhỏ vẫn phụ cha vớt lục bình nhưng khi nó chuẩn bị thi đại học, ông gợi ý học nông nghiệp mà nó không chịu. Bởi thế giờ ngay cả khi ông đã nghỉ hưu mà vẫn còn lo không có người tiếp nối câu chuyện văn hóa lúa mùa: “Trong tương lai gần, khi mấy đứa trẻ làm tình nguyện đến đây, tôi có nói với chúng nếu thích về lúa mùa và văn hóa lúa mùa thì cứ việc tới nghe. Nghe năm mười lần sẽ thấm. Khi tôi không còn nói nổi thì chúng sẽ giới thiệu, thuyết minh cho khách biết.

Những nông cụ làm lúa mùa trưng bày ở đây có thể bị hư đi nên tôi đã viết sách về lúa mùa để giữ lại. Tôi không nghĩ lúa mùa sẽ được trồng rộng rãi. Khi nào chúng ta ăn ít gạo lại thì nên trồng lúa mùa. Lịch sử mấy ngàn năm văn minh lúa nước của người Việt chính là lúa mùa, những giống và kỹ thuật đã được chọn lọc theo bề dày, thuận theo tự nhiên. Cây lúa đủ thời gian để hấp thụ được những tinh túy của đất trời mà không cần phải phân bón hóa học như lúa cao sản. Mùa mưa nó lên, hết mưa thì nó chín, để lại hạt giống cho đời sau”.

Trải nghiệm nướng cá lóc bằng rơm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trải nghiệm nướng cá lóc bằng rơm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngoài diện tích 2,5ha lúa mùa tự làm, ông Việt còn liên kết với các nông dân khác để mỗi vụ làm 20 - 30ha ở vùng cửa sông Cái Lớn - Cái Bé, cồn Vĩnh Qưới nữa, tùy theo tình hình tiêu thụ mà làm nhiều hay ít. Chỗ đó nuôi tôm nên rất thuận lợi để làm một vụ tôm một vụ lúa mùa. Ông đã vận động thành lập Tổ hợp tác trồng lúa mùa từ năm 2020. Mới nghỉ hưu được hai tháng ông đã cùng với những thành viên Tổ hợp tác trồng lúa mùa và một số thành viên trong và ngoài huyện thành lập HTX Nông dân sáng tạo với mong muốn nâng cao thu nhập của thành viên, phát triển cộng đồng trồng lúa mùa tôm và chia sẻ những câu chuyện về văn hóa lúa mùa thông qua các hoạt động dịch vụ của HTX, đặc biệt là dịch vụ du lịch ruộng vườn.

Tôi có một giấc mơ

Mỗi lần ông được nói về văn hóa lúa mùa là một lần cảm thấy hạnh phúc. Nào Đại học An Giang, Đại học Cần Thơ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn… đưa sinh viên xuống để tìm hiểu. Đặc biệt là Trường PTTH dân tộc nội trú gần nhà ông nữa. Ở đó trên 90% học sinh là con em dân tộc Khmer và hầu hết các nông cụ ông sưu tầm gắn với văn hóa lúa mùa cũng là của người Khmer. Những học sinh đó qua đây chẳng những ông miễn phí mà còn được đãi nước uống để nhìn thấy những dụng cụ của tổ tiên mình, những người đầu tiên khai phá đồng bằng sông Cửu Long.

Trong suốt cả buổi cùng tôi ra đồng với cái vai hơi nghiêng. Hỏi vì sao thì ông thực thà: “Làm lúa mùa mà mướn người ta làm thì không có chi phí nên tôi tự giê, sàng, cân, đóng gói, bưng bê, kéo gạo hết. Vừa rồi thấy nhói đau một chút ở vai, nghĩ cũng bình thường nhưng khi đau quá, đi khám tôi mới biết là bong gân, hở khớp”.

Ông Lê Quốc Việt giới thiệu cho khách về những nông cụ cổ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Lê Quốc Việt giới thiệu cho khách về những nông cụ cổ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Kim Loan ở TP Cần Thơ - một người mê gạo lúa mùa - khi biết ông Việt hay bị đau lưng nên đã gửi cho một ít rượu thuốc. Sau một thời gian chị nhắn: “Em đã khỏe chưa?”. Ông Việt thưa: “Nhờ uống rượu thuốc của chị gửi xuống mà lưng em đã đỡ nhiều”. Nghe thấy thế, chị phát hoảng, kêu: “Rượu đó dùng để xoa chứ không phải để uống. Em đi khám liền đi”. Thật ra mỗi buổi chiều ông chỉ uống 1 ly nhỏ nên không sao. TS Trần Quang Phát đang ở Úc cũng có sở thích ăn gạo cơm hơi cứng kiểu Chim Rơi, Ba Bụi hay mềm mà ít dẻo như Nàng Thơm, Tàu Hương để nhai kỹ, cảm nhận hương thơm và cả vị ngọt của đất ở trong đó.

Ông Việt phân tích, có vùng gần huyện ông đang ở, nhờ các đập ngăn mặn mà 3 năm làm 7 - 8 vụ. Gặt lúa xong chỉ để 7 - 10 ngày là sạ lại. Đất lúc đó chỉ như một giá thể không hơn không kém, cây lúa phát triển được nhờ phân hóa học, thuốc hóa học. Còn lúa mùa mỗi năm làm có một vụ, không cần phân hóa học (hiện ông đang nghiên cứu dùng bèo hoa dâu để thay thế phân hữu cơ), không có thuốc BVTV, khi ăn mới cảm nhận được vị ngọt từ đất.

Năng suất thực tế của đám lúa mùa chỉ khoảng 1,7 - 2 tấn/ha nhưng ông cũng không lấy thế làm buồn bởi: “Mình phải chia sẻ hột lúa với đám chim, chuột kéo đến nữa chứ? Bình thường trên ruộng không có sâu bệnh nhưng khi có thì những con thiên địch xuất hiện ngay. Con sâu nó ăn lá thì cây lúa cũng biết cách tự chữa lành”.

Phút nghỉ ngơi bên chòi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phút nghỉ ngơi bên chòi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúa gặt về được ông phơi nắng, cho vào bao cùng với lá bạch đàn để xua mọt rồi cất vào kho. Cái kho hơi thấp và nóng nên bảo quản vẫn chưa được như ý, chỉ hiềm nỗi ông thiếu tiền chưa đầu tư nổi. Ông thủ thỉ, gạo lúa mùa mới thu ăn ngay sẽ không ngon. Như gạo hôm nay mới chỉ được 3 tháng: “Lúa mùa mới thu hoạch như con gái 18 tuổi ấy, đẹp nhưng đỏng đảnh, khó chìu, không cưới được. Nấu cơm ăn thơm nhưng nhiều nhựa. Lúa mùa để 6 tháng như người 24 - 25 tuổi, kết hôn tốt rồi. Lúa mùa để từ 10 tháng đến 1 năm là chuẩn vị, đụng vào là ghiền. Ăn lúc này đã hết nhựa, đủ ngọt, đủ đậm. Có thể cảm nhận được rõ rừng giống một…

Tôi có một ước mơ, khi có người nối nghiệp thì mình sẽ tối ngày đi nói chuyện về văn hóa lúa mùa và viết sách về văn hóa lúa mùa chứ không phải trực tiếp làm lúa mùa như bây giờ, tuổi cũng xế chiều rồi. Hiện tôi đang bán 30.000 - 40.000 đồng/kg gạo lúa mùa mà nhiều người còn chê mắc, có lẽ họ chưa hiểu chuyện mình làm! Khi nào dân mình ăn vì sức khỏe, mỗi tháng chỉ dùng vài ba ký gạo thì họ sẽ nghĩ đến lúa mùa. Ai cũng nhận thức được như thế thì lúa mùa sẽ quay lại. Toàn bệnh từ miệng mà vào. Bà ngoại tôi ngày xưa hơn 80 tuổi mà da mặt còn láng mịn, trắng sáng. Nhiều người hỏi có bí quyết gì không thì bà trả lời rằng rửa mặt bằng nước vo gạo lúa mùa”.

Khi chia tay ông nói: “Sau hai cuốn sách 'Đời sống lúa mùa ở quê tôi' và 'Minh Lương - Cù Là quê hương tôi', tôi đang viết dở dang cuốn 'Thương lắm lúa mùa ơi' đấy". Trước sự yêu thương và hi sinh quên mình với lúa mùa ấy của ông, có lẽ tôi sẽ còn trở lại.

Bình luận