Hà Nội từng bước xóa sổ bệnh dại

Bình luận · 210 Lượt xem

Với tỷ lệ tiêm phòng chó, mèo trung bình trên 90%, các ca bệnh dại được ghi nhận ở Hà Nội ngày càng giảm.

Ý thức tiêm phòng tốt

Ông Nguyễn Đình Đảng, Chi Cục trưởng Chi Cục chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, hiện nay tỷ lệ tiêm phòng dại trên chó mèo của toàn thành phố đạt trung bình trên 90%, trong đó có những quận rất cao, xấp xỉ 100%.

 

"Chỉ những lô chó, mèo mới được đưa về chưa kịp tiêm thì sẽ được hoàn tất trong các đợt tiêm bổ sung", Chi Cục trưởng Nguyễn Đình Đảng nói. Để có được kết quả này, ông cho rằng một yếu tố quan trọng là ý thức tiêm phòng cho vật nuôi của người dân trên địa bàn rất tốt.

 

Bên cạnh ý thức của người dân, Hà Nội cũng là địa phương có nhiều thuận lợi trong công tác triển khai tiêm phòng. Đầu tiên phải kể đến sự ủng hộ, quan tâm của chính quyền. Khi Trung ương đưa ra các chương trình quốc gia liên quan đến bệnh dại trong các giai đoạn 2016 - 2021 hay 2022 - 2030 thành phố đều có những kế hoạch theo các chương trình dài hạn.

 

Qua đó, thành phố có những chính sách hỗ trợ vacxin, hỗ trợ công tiêm phòng, hỗ trợ công tác vệ sinh tiêu độc... nhất là đối với các địa phương ngoại thành.

 

"Riêng với bệnh dại, hiện thành phố hỗ trợ vacxin 100% cho các 18 huyện, thị xã ngoại thành. Còn với 12 quận nội thành, ngoài điều kiện tài chính tốt, số lượng không nhiều lại đa phần là người dân nuôi làm thú cưng, rất chủ động tiêm nên thành phố không hỗ trợ vacxin", ông Nguyễn Đình Đảng lý giải thêm.

 

Những yếu tố này đã giúp tỷ lệ tiêm phòng dại của Hà Nội luôn được duy trì ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Cùng với đó, tỷ lệ và số lượng người tử vong do bị bệnh dại liên quan chó mèo cũng ngày càng giảm.

 

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, trong năm 2022 toàn thành phố chỉ có 1 người tử vong vì dại, còn trong năm 2023, đến nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào.

 

"Hiện nay chúng tôi đang phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội sẽ không còn người chết vì bệnh dại", ông Nguyễn Đình Đảng chia sẻ và cho biết đây là một mục tiêu rất lớn, muốn đạt được phải có sự đồng bộ từ quản lý, tiêm phòng, nâng cao ý thức chấp hành của người dân về chăn thả hay thậm chí là ý thức tự tiêm phòng khi bị chó cắn, mèo cào, không được chủ quan.

 

Rộng hơn, mục tiêu của thành phố đến năm 2025 là xây dựng được toàn bộ 12 quận nội thành vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại chó mèo. Từ đó, với tinh thần lan tỏa dần thì thành phố sẽ mở rộng vùng an toàn dịch bệnh này ra các huyện, thị xã khác, sau đó là quy mô toàn thành phố.

 

Nếu thực hiện được điều này thì sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho thành phố. Xét về kinh tế, trong những năm gần đây trung bình mỗi năm Hà Nội có khoảng 15.000 người phải tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn, mèo cào với chi phí trung bình từ 1,5 - 2 triệu đồng/người, tổng chi phí có thể lên đến trên 20 tỷ đồng. Khi có vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại chó mèo, con số này sẽ giảm đi tối đa.

 

Ngoài ra, đây cũng là yếu tố có thể giúp phát triển du lịch cho thành phố vì khách du lịch có thể hoàn toàn yên tâm khi đến thăm thủ đô của Việt Nam.

 

Tính đến hết tháng 9/2023, toàn thành phố đã tiêm vacxin phòng dại cho gần 380.000 lượt con chó mèo, đặt 96% kế hoạch của năm. Ngoài ra, Chi cục cũng tổ chức được 35 lớp tập huấn tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh dại động vật với tổng số lượt người tham dự là 3.395 người.

 

Cũng tính theo mốc thời gian này, Hà Nội có có 8 quận (Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên và Hà Đông) được Cục Thú y cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh dại động vật.

 

Hiện nay, đối với bệnh dại trên chó mèo, ở Hà Nội không có tình trạng thiếu vacxin. Việc tiêm phòng cho chó mèo được tổ chức cao điểm vào các tháng 3, 4, trước mùa nắng nóng. Sau đó, đến các tháng 9, 10 sẽ là đợt tiêm bổ sung, được triển khai cùng với các chương trình tiêm phòng các bệnh khác.

 

 

Tùng Đinh

 

Bình luận