Đứng trước nhu cầu thị trường lớn, nguồn cung vẫn còn hạn hẹp, một số nhà vườn đã cắt sầu riêng non để bán. Điều đó dẫn tới hậu quả là một số đối tác nhập loại nông sản này của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản đã liên tục phản ánh sự không hài lòng về chất lượng, đồng thời đưa ra những cảnh báo để Việt Nam chấn chỉnh giám sát chất lượng.
Đã có quy trình từ sản xuất đến thu hái
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn xuất khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, có những đợt giá sầu riêng tăng cao kỷ lục, nguồn sầu khan hiếm đã dẫn tới cảnh thu hoạch ép hay còn gọi là thu hoạch một lần (thu hoạch không có sự chọn lọc chín trước thu hoạch trước, chín sau thu hoạch sau).
Việc thu hoạch quả non của một số chủ vườn với mong muốn tăng cân nặng, tránh tình trạng trái rụng, nhanh thu hồi vốn, tận dụng được lúc thị trường lên giá nhưng lại kéo theo một loạt hệ lụy đó là doanh nghiệp xuất khẩu bị trả hàng, thiệt hại kinh tế, thậm chí phải đền bù. Nhưng theo bà Vi, điều quan trọng hơn là tình trạng sầu non khiến các đơn vị xuất khẩu bị mất niềm tin với đối tác, người tiêu dùng ở nước ngoài.
Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT vừa ban hành quy trình kỹ thuật về việc cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng. Quy trình được áp dụng cho 2 giống sầu riêng chủ lực là Ri6 và Dona, hướng dẫn các kỹ thuật từ bước thụ phấn đến khi thu hoạch, phân loại, bảo quản.
Đặc biệt, ở khâu thu hoạch, để việc thu hoạch không bị non và già quá sẽ ảnh hưởng đến độ khô của thịt sầu riêng, quy trình hướng dẫn số ngày thu hoạch cụ thể. Với sầu riêng Ri6, thời điểm thu hoạch từ 85-100 ngày sau khi nở hoa; sầu riêng Dona thu hoạch 110-130 ngày sau khi nở hoa. Ngoài ra, chủ vườn có thể căn cứ vào đặc điểm của đầu gai có khoảng 3 mm chuyển sang màu vàng nâu, quan sát tầng rời trên cuống phát triển rõ ràng, phình ra rõ hơn; cuống quả ít cứng hơn, dẻo hơn; khi gõ vào quả phát ra tiếng kêu vang rỗng…
Ông Cao Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Phú Đức (Bến Tre), cho rằng một đặc điểm mà người trồng sầu riêng ai cũng biết đó là sầu chín từ từ dưới lên. Vì vậy, nếu nhà vườn thu hoạch non thì sầu riêng chỉ nặng cân mà không đảm bảo hương vị, thậm chí thịt bị sượng, không thể chín khi tới tay người mua. Còn nếu thu hoạch muộn hơn kết hợp với hình thức cắt sầu riêng rồi hứng bằng bao tải sẽ khiến quả bị dập gai và chín ngay trong quá trình vận chuyển, dẫn đến hiện tượng nứt vỏ, ăn bị chua...
Ban hành quy trình cần đi đôi với chế tài xử phạt mới hạn chế được tình trạng thu hoạch, xuất khẩu sầu riêng non (Ảnh minh họa). |
Chính vì vậy, việc Bộ NN&PTNT ban hành quy trình kỹ thuật về việc cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng cũng là quy định đầu tiên giúp kiểm soát chất lượng loại nông sản này. Đặc biệt, tình trạng cắt sầu riêng non là nguyên nhân khiến chất lượng sầu riêng bị giảm sút, đi liền với đó là gây ra tình trạng hao hụt khiến nhiều thời điểm đơn vị xuất khẩu không có hàng để bán. Khi có quy trình kỹ thuật cụ thể trong chăm sóc, thu hái giúp người dân, HTX giải tỏa những khó khăn trong sản xuất sầu riêng và chủ động hơn trong nâng cao chất lượng vì xét cho cùng thì người dân, thành viên HTX là đối tượng gắn bó mật thiết với vùng trồng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nên việc xây dựng quy trình canh tác, tiêu chuẩn thu hoạch sẽ giúp đáp ứng những yêu cầu về màu sắc, kích cỡ, chất lượng nhằm đảm bảo uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường.
Cần có chế tài xử phạt
Tuy nhiên, nhìn nhận trên thực tế với các nước thì quy trình canh tác, tiêu chuẩn thu hoạch sầu riêng của Việt Nam đến nay mới được đưa là là hơi muộn. Chẳng hạn như Thái Lan đã có quy trình quản lý chất lượng sầu riêng rất nghiêm ngặt từ lâu. Nông dân được tập huấn hướng dẫn rất kỹ về quy trình canh tác từ khi cây ra hoa đến khi thu hoạch là bao nhiêu ngày. Việc hướng dẫn cách cắt quả bằng máy cũng được thực hiện rất quy củ. Chính vì vậy mà sầu riêng của Thái Lan có chất lượng đồng nhất về màu sắc vỏ, trọng lượng từ 3-3,5kg/quả. Hàm lượng chất khô trong múi sầu luôn gần như tuyệt đối.
Bên cạnh đó, đây thực chất mới là những hướng dẫn về quy trình kỹ thuật, nên theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), nông dân, nhà vườn nào có ý thức sản xuất từ trước thì họ cũng chủ động để bảo đảm chất lượng một cách tốt nhất cho quả sầu riêng khi xuất khẩu chứ không đợi đến khi có quy trình hướng dẫn này mới áp dụng. Trong khi đối với những nông dân, nhà vườn hám lợi hay thu hoạch non thì việc đưa ra hướng dẫn này cũng không có nhiều ý nghĩa vì không có tính răn đe. Cụ thể là hiện vẫn không có quy định hình thức xử phạt khi chủ vườn không đảm bảo quy trình. Chính vì vậy mà hiệu quả để nâng cao chất lượng sầu riêng xuất khẩu hay giảm tình trạng thu hoạch sầu riêng non sẽ khó như mong muốn.
Trong khi đó, Thái Lan không chỉ có quy định đảm bảo chất lượng quả sầu riêng trên toàn quốc mà còn ấn định ngày thu hoạch từng giống sầu riêng trong năm vì các vườn xuống giống đồng đều trên quy mô lớn, cùng áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật như nhau.
Đặc biệt, Thái Lan còn có lực lượng chức năng đi giám sát các vườn sầu riêng, hướng dẫn và hỗ trợ người dân sử dụng máy đo độ khô cơm sầu riêng. Tùy từng giống sầu riêng mà người thu hoạch phải đảm bảo độ khô từ 27-32% và gần đây, nước này cũng đã tăng độ khô cơm sầu lên 35% nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Đặc biệt, nếu người dân không chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, đóng gói theo quy định còn bị phạt tiền từ 40 triệu đến gần 70 triệu đồng và phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Bên cạnh đó, Thái Lan có một lực lượng làm nhiệm vụ đào tạo, kiểm tra và xử phạt bất kỳ cơ sở đóng gói nào có tình trạng mua bán sầu riêng non hay sượng. Vì ngoài nguyên nhân cắt sầu riêng non từ người dân thì vẫn còn tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu “mắt nhắm mắt mở” hoặc chưa đủ kinh nghiệm, kỹ năng kiểm soát chất lượng sầu riêng nên để tình trạng sầu non lên đường xuất sang các nước.
Ông Võ Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Phương Ngọc Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, thực chất thì tình trạng thu non, xuất non không chỉ ở Việt Nam mà trước đó Thái Lan cũng gặp phải. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thời gian gần đây, Thái Lan đã cải thiện tình trạng này với những quy định quyết liệt để bảo vệ uy tín sầu riêng trên thị trường.
Chẳng hạn như, Bộ Nông nghiệp Thái Lan siết chặt chất lượng sầu riêng phía Nam nước này bằng cách mở các dịch vụ phòng khám nông nghiệp lưu động và đường dây nóng nhằm lắng nghe và xử lý ngay những thắc mắc của người dân, HTX, doanh nghiệp. Các ngành chức năng cũng đồng loạt áp dụng một phương pháp quản lý nhằm tạo ra tiêu chuẩn về chất lượng sầu riêng ở khu vực phía Nam một cách thống nhất. Cơ quan quản lý cũng tổ chức các đợt nghiệp vụ đặc biệt để kiểm tra chất lượng sầu riêng, luân phiên trực để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu sầu riêng trong suốt mùa vụ…
Và tất nhiên, để kiểm tra, giám sát và có thể đưa ra mức phạt hợp lý trong đảm bảo quy trình từ sản xuất đến thu hoạch, đóng gói, vận chuyển đòi hỏi cần phải có nguồn nhân lực đủ lớn. Nhưng điều này ở Việt Nam còn đang thiếu. Ngay cán bộ hỗ trợ người dân áp dụng kỹ thuật, xây dựng mã số vùng trồng cũng còn chưa đủ và yếu nên khó có thể xây dựng một hệ thống đánh giá, giám sát một cách đảm bảo.