Vất vả như thú y miền núi [Bài 1]: Đi cả buổi mới đến được điểm tiêm phòng

Bình luận · 184 Lượt xem

Bình Định có 3 huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão. Tập quán chăn nuôi của dân miền núi là thả rông, cán bộ thú y muốn tiêm phòng phải vào tận rừng…

Vất vả dồn hết cho thú y xã

Theo ông Lê Minh Tiến, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vân Canh, địa phương này có tổng đàn gia súc, gia cầm gần 91.600 con, trong đó, đàn bò có 14.320 con, đàn dê 2.900 con, đàn heo 7.340 con và đàn gia cầm có 67.000 con.

 

Ông Nguyễn Ân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Canh cho biết: Địa phương này có 6 xã, 1 thị trấn với 49 thôn, làng, chiếm 40% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Chăn nuôi là 1 trong những nguồn thu chính của người dân huyện Vân Canh.

 

Trước đây, cả 49 thôn, làng ở huyện Vân Canh đều được phủ kín thú y thôn. Thế nhưng, từ đầu tháng 9/2023 đến nay, hệ thống thú y thôn ở huyện Vân Canh bị xóa theo Quyết định số 52/2023/UBND của UBND tỉnh Bình Định, mọi hoạt động về lĩnh vực chăn nuôi, thú y ở cơ sở đều dồn hết cho thú y xã.

 

“Đến đợt tiêm phòng, các cán bộ thú y xã phải vận động những thú y thôn trước đây có tay nghề tiêm phòng thành thạo thành lập tổ tiêm phòng gồm 3-4 người, sau đó thông báo lịch tiêm phòng đến các hộ chăn nuôi tại các thôn, làng để họ biết ngày mà tập trung đàn gia súc, đến ngày là tổ tiêm phòng đến tiêm”, ông Nguyễn Ân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Canh cho hay.

 

Tuy nhiên, cũng theo ông Ân, để vận động những thú y thôn trước đây tham gia vào tổ tiêm phòng không phải là dễ. Bởi, khi còn hệ thống thú y cấp thôn, dù tiền hỗ trợ mỗi tháng không nhiều, nhưng họ được gắn với trách nhiệm nên luôn sẵn sàng tham gia mọi hoạt động của ngành thú y.

 

Bây giờ không còn khoản hỗ trợ như trước đây, đồng nghĩa họ không còn gắn với trách nhiệm, nên vận động họ tham gia công tác tiêm phòng rất khó. Do đó, ngoài khoản kinh phí tỉnh hỗ trợ công tiêm phòng cho các huyện miền núi với mức 4.400đ/con gia súc, xã còn phải hỗ trợ tiền xăng xe để các thú y thôn tham gia tổ tiêm phòng thực hiện nhiệm vụ.

 

“Muốn đến những thôn, làng xa nhất, các thú y xã ở huyện Vân Canh đi cả buổi mới đến nơi, quãng thời gian còn lại trong ngày phải tranh thủ làm cả trưa mới đạt hiệu quả. Ở vùng sâu, vùng xa không có thú y tư nhân hoạt động, nên khi hộ chăn nuôi báo có vật nuôi bị bệnh, thú y xã cũng phải lập tức có mặt tại hiện trường để nắm bắt tình hình, báo cáo về Trung tâm Dịch vụ huyện Vân Canh”, ông Nguyễn Ân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Canh chia sẻ.

 

 

Xuyên rừng đến điểm tiêm phòng

Theo ông Nguyễn Đức Phụng, cán bộ thú y xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh), địa phương có đàn bò 1.396 con; heo, gà người dân cũng có nuôi nhưng số lượng ít. Đến đợt tiêm phòng, cán bộ thú y xã Canh Hiệp muốn về làng Canh Giao thực hiện nhiệm vụ phải đi đến mấy chục cây số, băng qua những con đường mòn xuyên rẫy, xuyên rừng rất vát vả.

 

Nếu trời nắng ráo xe máy chạy cả tiếng đồng hồ mới tới nơi. Có nhiều đoạn bị xe tải chở gỗ rừng trồng chạy phá nát, phải “mướt mồ hôi” chiếc xe máy của cán bộ thú y mới “nuốt trôi” những chặng đường đầy gian nan ấy.

 

Theo tâm sự của anh Phụng, làng Canh Giao nuôi bò ít hơn các làng khác, chỉ gần 200 con, nhưng nhiệm vụ tiêm phòng là không thể bỏ sót. Thế nên đến đợt tiêm phòng, ngoài thông báo trên đài truyền thanh xã, anh Phụng còn phải nhắn lịch tiêm phòng qua Zalo của anh trưởng làng để trưởng làng thông báo lịch tiêm phòng đến từng hộ chăn nuôi, để họ biết ngày mà tập trung đàn gia súc lại 1 chỗ để cán bộ thú y đến tiêm phòng.

 

“Các làng vùng sâu, vùng xa ở huyện miền núi làm gì có quán bán cơm, nên trong những đợt tiêm phòng tôi chuyên ăn cơm ké nhà các anh thôn trưởng rồi đi làm tiếp cho kịp tiến độ. Cán bộ thú y ở miền núi khổ hơn cán bộ thú y ở các huyện đồng bằng.

 

Ở đồng bằng gia súc, gia cầm được nuôi tập trung, nuôi nhốt nên thuận lợi cho việc tiêm phòng. Ở miền núi đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu nuôi thả rông, chuồng trai tạm bợ, phân bò để cả năm không dọn, vào chuồng tiêm phòng phải mang ủng, nếu không khi tiêm con bò giãy giụa phân bò văng đầy người”, anh Phụng chia sẻ.

 

Xã Canh Liên có phong trào nuôi trâu, bò mạnh nhất huyện Vân Canh với hơn 3.000 con. Xã Canh Liên có 8 thôn, làng; trong đó có làng Canh Tiến nằm cách trung tâm xã đến 40-50km. Theo anh Đinh Minh Thảo, cán bộ thú y xã Canh Liên, muốn đi về làng Canh Tiến để tiêm phòng cho đàn vật nuôi phải đi về xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn), rồi đi ghe đò qua hồ Núi Một mới đến được làng Canh Tiến. Hoặc muốn đi làng Cát, làng Cà Bưng để tiêm phòng cũng phải vượt những con đường mòn xuyên rừng cách xa trung tâm xã đến 30-40km.

 

“Vất vả là vậy nhưng cán bộ thú y công tác ở miền núi luôn hết mình vì nhiệm vụ. Bởi, những con trâu, con bò là tài sản lớn của bà con, nếu mình tắc trách trâu, bò của bà con bị bệnh chết bụng mình cũng không yên. Nhờ công tác tiêm phòng mà những năm gần đây tình hình dịch bệnh trên địa bàn được ổn định”, chàng cán bộ thú y xã Canh Liên người Bana Đinh Minh Thảo chia sẻ.

 

 

Vũ Đình Thung

 

Bình luận